Chiếc áo khoác thung dung hồn vạn đại

04/08/2018 15:28

Viết về Bác Hồ, nhiều tác phẩm thơ ca Việt Nam đã ghi dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc. Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Thu Bồn... mỗi người một vẻ, đã phản ánh sâu sắc hình tượng Cha già kính yêu của dân tộc ta.

Viết về Bác Hồ, nhiều tác phẩm thơ ca Việt Nam đã ghi dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc. Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Thu Bồn... mỗi người một vẻ, đã phản ánh sâu sắc hình tượng Cha già kính yêu của dân tộc ta. Với Tố Hữu, "Người là Cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ" (Sáng tháng năm). Chế Lan Viên xúc động nghẹn ngào khi nhớ về những tháng ngày Bác sống ở xứ người để "tìm đường đi cho dân tộc theo đi": "Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá/Và sương mù thành Luân Đôn ngươi có nhớ/Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa canh khuya" (Người đi tìm hình của nước). Vì vậy, phát hiện được một chi tiết độc đáo về cuộc đời Bác Hồ để rồi từ đó cất lên tiếng thơ trữ tình quả là một hạnh phúc lớn của mỗi nhà thơ. Tác giả Nguyễn Đình Phúc thật may mắn đã "chộp" được cái khoảnh khắc xuất thần khi Bác Hồ về tiếp quản Thủ đô mùa thu năm 1954 lúc đang ngồi nói chuyện với các chiến sĩ tại Đền Hùng. Thung dung trong tấm áo khoác chưa cài cúc, Bác như người cha nhân từ đang tâm sự với đàn con thương yêu của mình. Có lẽ bài thơ "Chiếc áo Người chưa cài cúc" ra đời trong phút giây xúc động về hình ảnh thiêng liêng ấy.

Không hoa mỹ bóng gió, mở đầu bài thơ, tác giả Nguyễn Đình Phúc trần tình một cách tự nhiên hình tượng Bác Hồ trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội và dừng lại ở Đền Hùng bằng những câu thơ mộc mạc, giản dị nhưng lại tràn đầy cảm xúc: "Đó là chiếc áo khoác/Buông thung dung sau tấm lưng gầy/Trên đường về Thủ đô tiếp quản/Bác choàng trong giây phút thảnh thơi".

Hình tượng những câu thơ trên thật đẹp và chân thật như chính bức ảnh Bác ngồi nói chuyện với Đại đoàn 308 tại Đền Giếng ngày 19.9.1954. Ai đã từng xem bức ảnh này, hẳn đều xúc động khi nhìn thấy Bác Hồ gầy gò, mặc bộ quần áo nâu, bên ngoài là chiếc áo khoác hờ thung dung ngồi nói chuyện thân mật và gần gũi. Nhà thơ Nguyễn Đình Phúc đã dùng các từ ngữ "thung dung", "tấm lưng gầy", "thảnh thơi" ở đây thật phù hợp, đã phác họa được chân dung an nhiên và giản dị của Người. Cũng tại đây, câu nói "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" đã đi vào lịch sử như một tuyên ngôn bất hủ.

Không rao giảng đạo đức, Bác Hồ đã khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi chiến sĩ qua câu chuyện về Vua Hùng gần gũi với thần dân trong buổi bình minh dựng nước. Ở đó vua lẫn vào dân, yêu thương và gắn bó thiết tha như một. Tình cảm ấy chính là vẻ đẹp của buổi đầu sơ khai mở nước, lấy Tổ quốc giang sơn làm trọng để tất cả mọi người cùng hướng đến giữ gìn. Nhà thơ Nguyễn Đình Phúc làm người đọc xúc động nhờ những câu thơ nhẹ nhàng mà tinh tế, giản dị mà giàu sức gợi. Buổi Bác về tiếp quản Thủ đô vào lúc thu sang, tiết trời bắt đầu chuyển qua giá rét, thế mà Người vẫn "áo bà ba dép lốp". Thơ viết như vậy là tinh tế và sâu sắc lắm, qua đó đủ dựng lên tâm hồn và cốt cách của một bậc "đại nhân, đại trí, đại dũng": "Bậc thềm cao Đền Giếng gió thu rồi/Bác ngồi đó áo bà ba dép lốp/Người nói về buổi bình minh dựng nước/Một thời xa vua lẫn vào dân".

Chính sự giản dị và đơn sơ của Người đã thể hiện tầm nhìn và một trí tuệ mẫn tiệp. Chiếc áo khoác đơn sơ, "bình dị và thong thả" nhưng Người khoác nó luôn có cái nhìn rộng mở, khoáng đạt, có tư duy và trí tuệ siêu việt, người mà suốt cả cuộc đời mình luôn khát khao tìm đường để giải phóng dân tộc cần lao suốt gần một trăm năm trong vòng nô lệ của thực dân: "Chiếc áo khoác bình dị và thong thả/Sau lưng Người một thoáng thần tiên/Đôi mắt sáng dõi về phía trước/Ta bên Người giông gió bỗng lặng yên".

Khép lại bài thơ là niềm tin của tác giả về vẻ đẹp tỏa sáng lớn lao, tình thương yêu mênh mông của Bác dành cho đồng bào, đồng chí trong suốt cuộc đời mình. Tư tưởng thân dân của Bác Hồ sau này đã làm xúc động nhiều nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo trên khắp thế giới. Tình cảm "sữa để em thơ, lụa tặng già" một lần nữa ngân nga trong khổ thơ cuối bài thật sâu lắng, thiết tha: "Nhưng tôi biết một ngày chiếc áo/Người sẽ tặng cụ già, thương binh/Bao giặc giã dân còn chưa đủ ấm/Chiếc áo Người ấm áp vạn niềm tin".

Chiếc áo khoác của Người buông thung dung giữa tiết trời thu tại Đền Hùng khi nói chuyện với các chiến sĩ mãi mãi đi vào lịch sử. Hơn thế nữa, qua bài thơ này đã chắp cánh thành hình tượng thơ, lưu lại muôn đời nơi trái tim hậu thế.

LÊ THÀNH VĂN

Chiếc áo Người chưa cài cúc

Đó là chiếc áo khoác
Buông thung dung sau tấm lưng gầy
Trên đường về Thủ đô tiếp quản
Bác choàng trong giây phút thảnh thơi

Bậc thềm cao Đền Giếng gió thu rồi
Bác ngồi đó áo bà ba dép lốp
Người nói về buổi bình minh dựng nước
Một thời xa vua lẫn vào dân

Chiếc áo khoác bình dị và thong thả
Sau lưng Người một thoáng thần tiên
Đôi mắt sáng dõi về phía trước
Ta bên Người giông gió bỗng lặng yên

Nhưng tôi biết một ngày chiếc áo
Người sẽ tặng cụ già, thương binh
Bao giặc giã dân còn chưa đủ ấm
Chiếc áo Người ấm áp vạn niềm tin.

NGUYỄN ĐÌNH PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiếc áo khoác thung dung hồn vạn đại