Đang ngồi uống trà ở nhà ông Long thì điện thoại di động của ông Chính đổ chuông. Ông Chính bắt máy và liên tục trấn an người gọi. Buông điện thoại xuống, ông Chính thở dài:
- Đúng là bà ấy nhà tôi, hễ có chuyện gì lại sốt hết cả lên!
Thấy vậy, ông Long quay sang hỏi:
- Nhà có chuyện gì à? Các bà ấy hay cả nghĩ lắm. Chuyện bé nhưng cứ hay làm phức tạp lên.
- Một F0 bị “bỏ quên” ở Linh Đàm (Hà Nội) vài ngày trước, bây giờ bà nhà tôi mới biết. Cái Quỳnh nhà tôi ở khu Linh Đàm, bà ấy sợ cháu bị nhiễm bệnh nên nhất quyết bảo chúng nó đưa hai cháu về. Sợ Hà Nội giống như TP Hồ Chí Minh, đến lúc trở tay không kịp - ông Chính kể.
Ông Long lên tiếng:
- À, cái vụ do không được xử lý kịp thời nên các thành viên trong gia đình F0 ấy đều nhiễm bệnh mà không nhận được bất kỳ sự quan tâm, chăm sóc nào của y tế địa phương hả? Có người đã phải “kêu cứu” trên mạng xã hội, mong thu hút sự chú ý của dư luận và chính quyền đấy à? Đúng là từ sự chỉ đạo, báo cáo đến thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách.
- Sao ông lại nói vậy? - ông Chính hỏi.
- Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố về công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu rằng thực tế nhiều nơi người bị nhiễm vẫn không được phát thuốc kháng virus và nhiều người phải nhờ vả, thậm chí tìm mọi cách để mua. Như vậy, giữa báo cáo của Bộ Y tế và phản ánh từ cơ sở có độ vênh. Hệ thống y tế cơ sở quá tải do người mắc Covid-19 tăng cao đấy ông. Đúng là thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở.
- Thằng cháu tôi làm ở trạm y tế xã bảo việc nhiều, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, một số nhân viên y tế tuyến cơ sở đã xin nghỉ việc.
- Nghỉ việc trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp này à? Lớp trẻ bây giờ thực dụng quá. Tôi thấy nhiều nơi trong tỉnh đã thành lập các trạm y tế lưu động để thực hiện các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng, cung cấp kịp thời dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nên cần nhiều nhân lực.
Ngừng một lát, ông Long nói tiếp:
- Ngoài mấy nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế, trạm có thể huy động đội ngũ cán bộ y tế đã nghỉ hưu và các lực lượng khác như thanh niên, phụ nữ… để hỗ trợ khi nâng mức cấp độ dịch. Tuy tôi chỉ là nhân viên y tế quèn đã nghỉ ngót chục năm rồi nhưng nếu địa phương huy động, tôi sẽ tham gia ngay.
- Tốt quá, tôi sẽ cổ vũ ông. Nhưng nhân viên y tế cơ sở mà nghỉ việc lúc này thì đáng lo quá nhỉ?
- Cũng chỉ có một vài trường hợp thôi. Đa số họ đều bám trụ với nghề, quyết tâm cùng lực lượng khác đuổi “giặc Covid-19".
- Để giữ chân nguồn nhân lực y tế cơ sở, theo tôi ngoài việc bảo đảm nguồn thu nhập ổn định thì cần tăng định suất biên chế, tạo sự công bằng trong môi trường làm việc, nâng cao năng lực chuyên môn cho họ...
- Đúng thế, dịch bệnh đang căng nên ngoài chế độ đãi ngộ, cần có sự “chia lửa” dài ngày với nhân viên y tế cơ sở trong phòng chống dịch - ông Long gật đầu tán thành.
NGUYỄN VĂN CÁT