Chia đôi tình phí

08/05/2023 08:05

Nhiều người trẻ chọn cách chia đôi mọi chi phí trong thời kỳ hẹn hò nhưng chính sự sòng phẳng cứng nhắc đã khiến mối quan hệ tan vỡ.

Yêu nhau vài tháng nhưng Vĩnh Hà, 24 tuổi, ở Hà Nội luôn quán triệt tinh thần chia đôi tình phí. Mỗi lần hai người đi ăn hay đi chơi, cô sẽ tự trả phần tiền của mình. Nhờ người yêu mua cốc trà sữa Hà cũng trả đủ tiền. Có lần đi ăn cùng bạn bè, cuối bữa cô tự chia đôi chi phí rồi chuyển khoản cho bạn trai.

"Thời nay, phụ nữ cũng đi làm và có thu nhập, chẳng lý do gì phải phụ thuộc bạn trai", cô giải thích. "Chẳng lẽ là người yêu, mua tặng nhau trà sữa hay trả tiền một bữa ăn cũng khó thế sao?", Tuấn Hưng - người yêu Vĩnh Hà, đặt câu hỏi ngược lại.

Hưng có quan điểm khác Hà. Theo anh, những chi phí khi đi chơi hay ăn uống trong thời kỳ hai người yêu nhau nên do nam giới thanh toán. Dù vậy, Hưng vẫn hiểu cách người yêu đang làm là muốn san sẻ gánh nặng tiền bạc, thể hiện sự tự chủ kinh tế. Nhưng sự rạch ròi quá mức của Hà khiến anh mất cảm xúc.

"Tôi cảm giác cách làm của cô ấy như một sự coi thường", anh nói.

Tuy nhiên Vĩnh Hà lại cho rằng vì đang trong giai đoạn tìm hiểu, không biết tương lai đến đâu nên sòng phẳng ngay từ đầu. Nếu sau này chia tay cả hai đều thấy nhẹ nhàng.

Ảnh minh họa: Pexels

Ảnh minh họa: Pexels

Ban đầu, Thu Mai, 26 tuổi, sống tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cũng thoải mái với quan điểm chia sẻ chi phí với người yêu bởi nghĩ cả hai kinh tế chưa vững, việc trả tiền là hợp lý. Cô cũng không thích việc con trai luôn phải trả tiền thay con gái, thậm chí còn thấy vui vì cùng người yêu san sẻ mọi chuyện.

"Chúng ta đang hướng đến xã hội bình đẳng và văn minh, không lý gì đàn ông chỉ cho, phụ nữ chỉ nhận", Mai nêu quan điểm. Nhưng rồi sự thoải mái ban đầu dần nhường chỗ cho cảm giác khó chịu sau này.

Mọi cuộc đi chơi, ăn uống bạn trai của Mai đều chia tiền sòng phẳng. Có thể không phải ngay lúc đó, mà có thể gộp lại nhiều lần. Người yêu cô nói cả hai còn trẻ nên chủ động tài chính, khi nào thành vợ chồng anh sẽ đưa hết tiền cho cô giữ. Còn Mai không biết nên tiếp tục mối quan hệ này không bởi quá rạch ròi chuyện tiền nong khiến cô có cảm giác bản thân không được trân trọng.

Trong khảo sát mới nhất của VnExpress với hơn 1.000 độc giả cùng câu hỏi "Có nên chia tiền sau mỗi lần hẹn hò?", 84% cho rằng phái nữ nên chủ động chia tiền bởi cả hai cùng đi ăn, đi chơi, không nên để một mình đàn ông chịu áp lực về chi phí. Chỉ có 16% có quan điểm khi hẹn hò, mọi chi phí nên là phía bạn nam chi trả, nhằm chứng minh sự ga lăng.

Thực tế đã có hiện tượng người trẻ ngại hẹn hò vì gánh nặng chi phí. Nhiều người Hàn Quốc cho hay họ thiếu thời gian, tiền bạc để hẹn hò. Tại Ấn Độ, khảo sát cuối năm 2022 do dịch vụ hẹn hò trực tuyến Dating.com thực hiện chỉ ra, 52% cho biết đã từ bỏ việc hẹn hò để tiết kiệm tiền mua quần áo, xăng xe, đồ ăn.

Ở Việt Nam, nghiên cứu Giá trị sống của thanh niên, do viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) cho thấy lo lắng lớn nhất của người trẻ là tài chính (59%) và tạo dựng sự nghiệp (55%). Trong khi đó, tìm bạn đời là nỗi lo xếp gần cuối, hơn 14%.

Tuy vậy, quan điểm chia sẻ tình phí không mới, thậm chí ở các nước châu Á, nơi có văn hóa đàn ông chi trả mọi chi phí trong thời gian tìm hiểu, hẹn hò.

Tại Trung Quốc, giới trẻ dùng thuật ngữ AA (viết tắt của Algebraic Average - trung bình đại số) chỉ việc chia đôi mọi chi phí khi yêu. Năm 2022, trong Sách trắng về các mối quan hệ tình yêu mới đương đại của Trung Quốc, 22% cặp đôi được khảo sát cho biết áp dụng chế độ AA. Tại Nhật Bản, khảo sát của nhà văn Goji Nojima khi viết cuốn sách "Đây mới là Nhật Bản" cho thấy 57,3% nữ giới nói rằng họ chia đôi tình phí khi hẹn hò để thể hiện sự độc lập, bình đẳng và không tạo thêm gánh nặng kinh tế cho bên kia.

"Thực tế không có gì sai khi để bạn gái chia sẻ chi phí khi yêu", chuyên gia Đỗ Minh Cương - Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nêu quan điểm. Theo ông, nếu chi phí dành cho tình yêu chỉ đổ dồn vào chàng trai, mà nếu người đó chưa dư dả về kinh tế, đương nhiên áp lực sẽ rất lớn.

Theo vị chuyên gia, trong xã hội hiện đại, đa phần nữ giới đều đi làm có thu nhập và mong muốn góp sức trong việc xây dựng các mối quan hệ. Cùng với đó, tư tưởng nam giới phải che chở, lo lắng cho phụ nữ không còn nặng nề. Bởi vậy việc phái nữ chủ động chia sẻ kinh tế là hành động văn minh.

Tuy nhiên việc chia sẻ thế nào phải dựa trên nhiều yếu tố như tình cảm, mức thu nhập hay tính cách từ cả hai phía. "Chia hay không chia, tỷ lệ bao nhiêu và trong hoàn cảnh nào cũng phải tạo cảm giác chia sẻ chứ không phải chia chác", ông nhấn mạnh.

Giống như trường hợp của Vĩnh Hà và Tuấn Hưng. Vì cứng nhắc trong chuyện chia tình phí 50/50 mà cả hai không tìm được tiếng nói chung. Sau vài tháng, cặp đôi tan vỡ. Tuấn Hưng nói rằng, người yêu cũ dường như không đủ tình cảm với anh, luôn dự phòng ngày chia tay nên phải rành mạch chuyện tiền nong để khỏi mắc nợ nhau.

Đồng ý với quan điểm của Tuấn Hưng, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM cho rằng, khi yêu nhau vấn đề không phải là ai trả tiền mà là cách ứng xử với tiền thế nào cho hợp tình, hợp lý. Sự quá sòng phẳng, chi li tiền bạc sẽ mất đi sự lãng mạn, tinh tế trong tình yêu.

Theo chuyên gia, trong mối quan hệ đôi lứa, cũng không thiếu những cơ hội và không gian để bạn gái mời bạn trai đi chơi, tham dự các sự kiện và chủ động trả tiền. Ví dụ khi đi xem ca nhạc, bạn trai lo tiền vé, bạn gái chi tiền ăn hoặc tặng nhau vài món quà ý nghĩa. Hoặc có thể xây dựng một "quỹ tình yêu", đóng góp theo khả năng tài chính của mỗi người để chi tiêu khi cần thiết. Sử dụng phương pháp này, cặp đôi có thể hiểu rõ hơn về thói quen tiêu dùng của đối phương nhằm quản lý tình yêu tốt hơn.

"Vấn đề là các cặp đôi có muốn tạo ra cơ hội đó không. Không phải lúc nào cũng nhất nhất cưa đôi là được", chuyên gia khẳng định.

Tuấn Tú, sống ở Hải Phòng không đồng ý với quan điểm chia tiền sòng phẳng là cách thể hiện sự quan tâm, trân trọng cảm xúc người yêu. Anh luôn là người chủ động chi trả các khoản chi phí khi đi chơi hay ăn uống với bạn gái bởi coi đó là cách ứng xử thông thường của phái mạnh khi yêu. Nhưng đôi lúc người yêu muốn trả tiền, Tú cũng vui vẻ. Chàng trai này thường xuyên nhận được những món quà bất ngờ từ bạn gái như một sự thấu hiểu tình cảm anh dành cho cô.

"Đó là cách chúng tôi tạo ra sự lãng mạn mà không có cảm giác nợ nần nhau, hay phải rạch ròi giữa tiền tôi hay tiền nàng", Tú nói.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chia đôi tình phí