Sau Tết, giá cả thị trường liên tục biến động. Cùng với việc tăng giá điện, xăng dầu, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá, khiến người tiêu dùng lo ngại, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Đại bộ phận người dân tỉnh ta có mức sống trung bình. Thu nhập chủ yếu là lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và từ trồng trọt, chăn nuôi đối với nông dân. Nếu giá cả ổn định, cuộc sống người dân đỡ vất vả hơn vì ngoài lo cuộc sống thường nhật còn có thể dành dụm để nuôi con ăn học, kiến thiết nhà cửa, phòng khi ốm đau, già cả. Khi giá cả thị trường bất ổn, không ít người lo lắng vì ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống gia đình. Trong điều kiện hiện tại, nhiều gia đình không thể dành dụm và sẽ rất khó khăn khi chẳng may đau ốm hoặc có công việc đột xuất. Người Việt mình có tâm lý lo xa, vì vậy đều cảm thấy bất an khi tiền làm ra mỗi tháng đều chi tiêu hết. Những ngày này ở mỗi khu chợ, dù nông thôn hay thành thị đều thấy các bà nội trợ thở dài ngao ngán khi đi mua sắm.
Tuy nhiên, nếu biết cách "liệu cơm gắp mắm" thì vẫn bảo đảm được cuộc sống gia đình và dần thích nghi với những bất ổn của giá cả thị trường. Để bảo đảm cuộc sống gia đình không bị xáo trộn, mỗi bà nội trợ cần phải khéo léo, cân nhắc trước các quyết định chi tiêu. Có kế hoạch chi tiêu hợp lý với điều kiện kinh tế của gia đình. Cắt giảm những việc chi tiêu không hợp lý và khuyến khích mọi thành viên trong gia đình mình cùng thực hành tiết kiệm. Phải biết cách chi tiêu thời bão giá thì mới có được cảm giác bình yên.
PHƯƠNG NGOAN(Thanh Hà)