Một tài xế của anh Thông cho biết: "Anh nghiêm cấm chúng tôi nhận tiền của bất cứ ai. Trong trường hợp nạn nhân vì đau đớn mà to tiếng cũng phải vui vẻ mà giúp họ".
Sáng 5.9.2017, do huyết áp lên cao đột ngột, tài xế xe bồn bị ngất xỉu ở cổng KCN 3. Anh Thông
đã hỗ trợ chở bệnh nhân đi cấp cứu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chiếc xe bồn vừa tấp sát lề KCN Nhơn Trạch 3, tài xế bước xuống. Gương mặt anh đờ đẫn, thất thần, bất chợt anh ngã xuống nằm im. Mọi người chung quanh vây lấy anh tìm cách cứu chữa nhưng không thể. Một người trong số đó lấy điện thoại gọi và chỉ trong vài phút, một xe cứu thương đến hiện trường...
Những chiếc xe cứu người miễn phí
Chiếc xe cứu thương nhỏ với dòng chữ "cấp cứu tai nạn miễn phí 24/24" lao đến. Cửa sau xe mở ra, mọi người vội vã đưa người bị nạn vào nằm trong lòng xe. Ngay lập tức xe lao tới cơ sở y tế gần nhất.
Sau khi đo huyết áp, bác sĩ khẳng định: "Nếu bệnh nhân đến trễ một chút không biết chuyện gì sẽ xảy ra".
Trên đây là câu chuyện được một người dân kể lại khi chúng tôi có dịp về khu vực KCN Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Nơi đây đất rộng, người đông, xe cộ lưu thông dày đặc, tai nạn và những mối hiểm nguy luôn chờ chực.
Bà con còn kể cho chúng tôi nghe, trước đây, mỗi khi tai nạn xảy ra người xem đông nhưng khá nhiều người thờ ơ với việc cứu người. Nạn nhân thường được chuyển đi bằng xe gắn máy, xe ba gác... khi đến được cơ sở y tế thì đã quá nặng.
"Gần đây có một người cải tiến chiếc xe tải thành xe cứu thương. Chỉ cần một cuộc gọi, vài phút sau xe có mặt và nạn nhân được chuyển ngay vào bệnh viện", một người dân kể.
Người này tiếp tục: "Rạng sáng ngày 14.9 vừa qua, trời đang mưa to thì một sản phụ ở ấp Bến Cam chuyển dạ. Chị này đang có bệnh trong người khiến người chồng vô cùng bối rối.
Lúc này, anh chợt nhớ đến chiếc xe cứu thương và gọi vào số điện thoại được anh ghi sẵn. Không lâu, xe đến tận nhà và đưa sản phụ đi thẳng đến bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP HCM) kịp thời".
Câu chuyện càng lúc càng sôi nổi hơn khi chúng tôi được biết tất cả những lần chuyển viện đó đều được miễn phí hoàn toàn. Dù xa hay gần, dù ngày hay đêm, chiếc xe cứu thương đó đã hoạt động không ngừng nghỉ và đã cứu nhiều trường hợp thoát chết trong gang tấc.
Người được bà con nhắc đến là anh Trần Huy Thông, 47 tuổi, ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch. Anh là người có 2 chiếc xe được cải tiến thành xe cứu thương phục vụ bà con.
Số điện thoại được anh công bố rộng rãi và từ đó, những trường hợp tai nạn hoặc những ai gặp hiểm nguy về sức khỏe gọi đến đều được anh đáp ứng.
Khởi nghiệp từ tay trắng
Anh Thông quê huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ). Xuất thân từ gia đình nghèo, từ nhỏ anh đã phải nặng nợ mưu sinh.
Từ công việc đồng áng đến những việc không tên ai thuê gì anh làm nấy miễn sao có tiền phụ giúp gia đình. Đến năm anh 13 tuổi, mẹ anh qua đời. Nỗi nhọc nhằn lại càng đè nặng lên vai anh.
Nhận thức được phải học mới có tương lai, anh vừa làm vừa học thêm bổ túc hết cấp 1 đến cấp 2, cấp 3 rồi sau đó vào đại học Luật. Cuộc sống của anh cứ thế trôi đi theo ngày tháng.
Anh đã từng chứng kiến những hoàn cảnh khi xảy ra tai nạn không được cấp cứu kịp thời. Những mảnh đời bất hạnh vì bệnh tật đành phải buông xuôi phó thác cho số mệnh. Điều đó đã luôn thôi thúc anh, nếu một ngày nào đó có điều kiện anh sẽ ra tay giúp người.
Sau đó, anh xây dựng gia đình với một người con gái đất An Giang. Họ đều thấu hiểu và cảm thông cho những phận người kém may mắn. Chị cũng như anh đều có một tấm lòng với người nghèo, đều tâm nguyện đến một ngày nào có điều kiện sẽ san sẻ với bà con những vui buồn trong cuộc sống.
Anh chị Trần Huy Thông luôn có tiếng nói chung trong việc làm từ thiện
TRẦN CHÁNH NGHĨA (Vietnamnet)