Lãnh đạo đại gia dược Sanofi có trụ sở tại Pháp đã gây sốc khi tuyên bố lô vắc xin COVID-19 đầu tiên của tập đoàn sẽ được chuyển cho Mỹ bởi dám “mạo hiểm” đổ tiền nhanh gọn lúc đầu.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Bloomberg ngày 14.5, Giám đốc điều hành Sanofi, ông Paul Hudson cho biết nếu tập đoàn này phát triển thành công vắc xin ngừa COVID-19, Mỹ sẽ là nước đầu tiên trên thế giới được nhận.
"Chính phủ Mỹ có quyền đặt trước số lượng vắc xin nhiều nhất bởi họ đã dám đầu tư mạo hiểm. Mọi thứ sẽ xảy ra theo hướng như vậy vì họ đã dám bỏ tiền để bảo vệ người dân và tái khởi động lại nền kinh tế", tuyên bố của ông Hudson đã khiến các chính trị gia Pháp cảm thấy như bị "vỗ mặt".
Sanofi thành bia tập bắn
Thứ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, bà Agnes Pannier-Runacher là người nổ phát súng chỉ trích đầu tiên khi tuyên bố việc một quốc gia được hưởng "đặc quyền" tiếp cận vắc xin trước tiên vì đã đổ nhiều tiền là "không thể chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại".
Bộ trưởng Giáo dục, Nghiên cứu và Sáng tạo Pháp, bà Frederique Vidal thì chỉ trích kế hoạch ưu tiên Mỹ của Sanofi là "không thể hiểu được và đáng xấu hổ" vì một loại vắc xin thành công phải đem lại lợi ích chung cho nhân loại.
Tổ chức từ thiện Oxfam có trụ sở tại Anh cũng góp thêm dầu đổ vào lửa khi nhấn mạnh các công ty dược phẩm không có quyền quyết định "ai sống và ai chết".
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thì tỏ ra ôn hòa hơn khi cho biết đã nói chuyện với người đứng đầu Sanofi và cảm thấy yên tâm về những gì ông Hudson đã nói.
"Tôi nghĩ đó là một cách diễn đạt cụm từ khá vụng về và bị tách ra khỏi ngữ cảnh", ông Veran chia sẻ với đài C News.
Viết trên Twitter cá nhân, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh vắc xin ngừa COVID-19 phải đem lại lợi ích cho cả thế giới và quyền bình đẳng tiếp cận vắc xin "là thứ không thể mặc cả".
Theo lời của ông Philippe, trước quan điểm của Thủ tướng Pháp, Chủ tịch tập đoàn Sanofi đã hứa sẽ bảo đảm việc cung cấp vắc xin cho nước này.
Một trung tâm nghiên cứu của Sanofi tại Vitry-sur-Seine, Pháp - Ảnh: REUTERS
Chiêu khích tướng của Sanofi?
Có vẻ như hãng dược Pháp đã vận dụng chiêu khích tướng để Liên minh châu Âu (EU) bỏ tiền tài trợ cho một dự án vắc xin mới và thành công bước đầu.
Sau màn tổng chỉ trích và gọi điện thoại phàn nàn của các quan chức Pháp, Sanofi đã nhanh chóng lên tiếng phân bua trong ngày 14.5.
"Nếu Sanofi tạo ra bước đột phá về vắc xin COVID-19 và nó hiệu quả, nó sẽ được cung cấp cho tất cả mọi người", ông Olivier Bogillot, Trưởng văn phòng Sanofi ở Pháp, khẳng định với đài BFM TV.
Ông Bogillot nhấn mạnh mục tiêu của Sanofi là cung cấp vắc xin cho cả Mỹ, Pháp và châu Âu cùng lúc nhưng với điều kiện "người châu Âu phải làm việc rốt ráo như người Mỹ", ám chỉ việc Washington đã cam kết sẽ tài trợ cho Sanofi "vài trăm triệu euro" trong khi EU vẫn chưa có động thái gì.
Theo Hãng thông tấn AFP, Sanofi hiện đang có hai dự án sản xuất vắc xin, trong đó có một dự án bắt tay với đối thủ GlaxoSmithKline và nhận tiền tài trợ từ Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ. Dự án còn lại hợp tác với Công ty Translate Bio của Mỹ và sử dụng công nghệ nghiên cứu khác. Đây là hai trong số hàng chục dự án nghiên cứu vắc xin COVID-19 đang được tiến hành trên thế giới.
Trong khi Pháp và Đức đang nỗ lực gây quỹ 8 tỷ USD để phân phối vắc xin công bằng cho các nước, tuyên bố của ông Hudson khiến EU nhận ra họ đang chậm chân trong việc đổ tiền cho các nghiên cứu chế tạo vắcxin khi so với Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đứng ngoài các nỗ lực chung phát triển vắc xin của quốc tế và đặt mục tiêu có được 100 triệu liều vắc xin trước cuối năm nay sau khi đổ hàng trăm triệu USD cho các công ty dược tư nhân - Ảnh: REUTERS
Trong một tuyên bố được phát đi tối 14.5, một quan chức Điện Elysée (Pháp) cho biết Tổng thống Emmanuel Macron cảm thấy thất vọng trước cách hành xử của Sanofi. Mặc dù vậy, vị này cũng cho biết sẽ có một cuộc họp giữa giữa lãnh đạo hãng dược này và các quan chức trong chính quyền về vấn đề trên.
Đến lúc này, vị giám đốc có phát ngôn gây bão Hudson mới lên tiếng lấy làm tiếc khi nói "vắc xin COVID-19 được sản xuất ở Mỹ có thể được chuyển cho Mỹ đầu tiên".
Tuy nhận lỗi nhưng lãnh đạo Sanofi không quên nhắc nếu EU muốn có một loại vắc xin COVID-19 mới, khối này cần hành động tập thể nhanh hơn nữa và rằng Sanofi đã thúc giục EU điều đó trong nhiều tháng qua.
Hồi tháng 3 rồi, chỉ sau khi Tổng thống Donald Trump úp mở chuyện Mỹ sẽ bỏ ra 1 tỷ USD để mua độc quyền vắcxin COVID-19 của một công ty Đức, EU mới tính đến chuyện hỗ trợ tài chính cho công ty này để giữ vắcxin ở lại châu Âu.
Theo Tuổi trẻ