Sau trận bão số 8, bà Na chạy sang nhà ông Bộ than thở: Thế là nhà tôi mất toi hai sào lúa ở cánh Đuôi Nhạn rồi!
- Mất thế nào? Ruộng ấy bà đã gặt trước bão rồi kia mà?
- Rồi, rơm ra rơm, thóc ra thóc rồi...
- Vậy thì sao lại mất được?.
- Thế mới đau, miếng ăn kề đến miệng mà lại để rơi mất...
Đưa bà Na chén nước chè tươi, ông Bộ mới rõ nguyên do mất hai sào lúa. Ấy là trước lúc trận bão đổ bộ vào, tin "khẩn cấp" đã được đài, báo, ti-vi rồi loa truyền thanh xã báo đi báo lại. Thế nhưng, trong làng không ít người vẫn cho bão còn ở xa, khó chuyển hướng vào tỉnh ta. Thế là nhiều người chủ quan, không chuẩn bị đối phó. Ông chồng bà Na nghe tin bão vẫn ngồi rung đùi, uống trà, hút thuốc lào. Bà Na nhắc ông đóng thóc vào bao thì ông lại bảo chỉ "lo bò trắng răng, thóc đã phơi trên sân, có còn ở ngoài đồng đâu mà lo". Ai ngờ, vào nửa đêm hôm ấy, cơn bão đổi hướng vào Thái Bình, gió mạnh đến cấp 6, cấp 7 tạt vào phía đông nam tỉnh. Sáng ra, chừng ba tạ thóc trên sân đã trôi đi gần hết.
- Thế là tại ông bà chủ quan còn kêu ai?
- Hàng xóm láng giềng tôi mới nói với ông, chứ kêu ai để người ta cười cho à? Bây giờ ông ấy mới tiếc. Bao nhiêu công sức, tiền bạc con cháu nó giúp, rồi thuê máy làm đất, thuốc trừ sâu... mới được mấy tạ thóc chứ...
- Âu cũng là do bệnh chủ quan, nhưng bà cũng đừng chì chiết ông ấy nữa vì đằng nào thì cũng mất thóc rồi. Có điều là từ nay không nên coi thường thời tiết, bão lụt. Phòng thiên tai cũng giống như phòng bệnh hơn chữa bệnh, chỉ có lợi, phải không bà?
TRỌNG NGUYỄN