Chỉ số PCI giảm làm nóng nghị trường

11/07/2018 12:26

Cuối giờ sáng 11.7, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn.

Để đổi mới phương thức thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh không phân định 2 nội dung trên. Các đại biểu khi thảo luận đề cập những việc còn vướng mắc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan sẽ trực tiếp giải đáp, làm rõ.


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Thành Chung

Hạ tầng CNTT hạn chế

Vấn đề cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được các đại biểu thảo luận sôi nổi bởi chỉ số này năm 2017 của Hải Dương giảm 13 bậc so với năm 2016, đứng thứ 49 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đại biểu Phạm Minh Phương (Thanh Hà) cho rằng nhiều cơ quan, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công việc nhưng việc có quá nhiều phần mềm, các phần mềm không liên thông được với nhau dẫn đến hiệu quả không cao. 

Đại biểu Phương dẫn dụ ngay tại Ban Quản lý các khu công nghiệp - nơi đại biểu đang làm trưởng ban. Ban Quản lý các khu công nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý văn bản, phần mềm một cửa, phần mềm cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, phần mềm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài... 


Đại biểu Phạm Minh Phương (Thanh Hà). Ảnh: Thành Chung

Các phần mềm này hoạt động độc lập, không liên thông được với nhau gây khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ. Đại biểu Phương đề nghị tỉnh cần tập trung nhân lực để đồng bộ hóa các phần mềm của các sở, ban, ngạnh của tỉnh theo trục chính quyền điện tử. Khi đó, các sở, ban ngành cùng khai thác các thông tin hiệu quả, rút ngắn thời gian xử lý khi giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt cấp phép thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.

Đại biểu Phương còn phản ánh khi giải quyết thủ tục hành chính, một số sở, ngành còn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm một số văn bản không nằm trong danh mục thủ tục hành chính, điều này trái với quy định của Chính phủ. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, tránh việc yêu cầu doanh nghiệp cấp thêm các giấy tờ trái quy định.

Làm rõ việc các phần mềm không liên thông được với nhau, ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), Ủy viên UBND tỉnh thừa nhận tỉnh triển  khai nhiều ứng dụng công nghệ thông  tin để triển  khai chính quyền điện tử nhưng cơ sở dữ liệu không thống nhất. Do đó không thể kết nối, không chia sẻ được với nhau. Ông Thắng cho biết thêm việc triển khai các dự án CNTT của tỉnh chậm so với các tỉnh lân cận cũng là nguyên nhân làm cho việc ứng dụng CNTT yếu. Năm 2017, chỉ số xếp hạng CNTT của tỉnh xếp thứ 31, có tăng so với năm 2016 nhưng một số chỉ số thành phần còn thấp, trong đó có chỉ số cổng dịch vụ công trực tuyến.

Theo ông Thắng, UBND tỉnh đã phê duyệt Khung kiến trúc chính quyền điện tử từ tỉnh đến các xã. Sở TTTT đang triển khai phần mềm một cửa điện tử thống nhất đến các sở, ngành cũng như phần mềm dich vụ công thống nhất mức độ 3 và 4. Năm 2018, sở sẽ triển khai đồng bộ phần mềm theo trục chính quyền điện tử từ tỉnh xuống xã tại TP Hải Dương và huyện Bình Giang. Các huyện, thị xã còn lại sẽ triển khai trong năm 2019. Năm 2019, tỉnh cũng triển khai đồng bộ phần mềm từ Trung ương đến tỉnh. Từ đó, cơ sở dữ liệu được thông suốt theo trục từ Trung ương đến địa phương.

Để triển khai thác hiện quả ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Thắng đang tham mưu cho UBND tỉnh thuê dịch vụ công nghệ thông tin của VNPT hoặc Viettel. Sau đó, UBND tỉnh sẽ phối hợp với Zalo để cung cấp tin nhắn kết quả giải quyết thủ tục hành chính đến tổ chức, cá nhân.

Nguyên nhân chủ quan là chính 


Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Thành Chung

"Mổ xẻ" nguyên nhân khiến PCI giảm sâu, ông Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu năng động của lãnh đạo tỉnh.

Theo ông Sáng, năm 2017, Hải Dương có 6 trong tổng số 10 chỉ số tăng nhưng không cao. 4 chỉ số còn lại giá giảm mạnh. Đây là các chỉ số cơ bản để xếp hạng PCI. 

Thứ nhất, chỉ số cạnh tranh bình đẳng. Chỉ số này đánh giá chính quyền từ tỉnh đến xã đối xử không công bằng với loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn được quan tâm hơn doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiêp FDI được quan tâm hơn doanh nghiệp trong nước. Lựa chọn nhà đầu tư chưa công bằng...

Thứ hai, chỉ số minh bạch. Chỉ số này bao hàm các nội dung như chủ trương, chế độ, chính sách của tỉnh; quy hoạch, kế hoạch, phân bổ ngân sách, công khai ngân sách, minh bạch tiếp cận nguồn lực cơ bản cho phát triển; minh bạch sử dụng đất, khai thác tài nguyên khoáng sản. Nguyên nhân khiến chỉ số này giảm là do ứng dụng CNTT ở một  số sở, ngành yếu. "Ứng dụng CNTT yếu. Các chủ trương đưa lên cổng thông tin của sở, ngành vừa yếu, vừa thiếu lại chậm, nhà đầu tư không khai thác được", ông Sáng nói.

Thứ ba, chỉ số chi phí gia nhập thị trường. Chỉ số này bao hàm chi phí thời gian, công sức, tiền của của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do thủ tục  hành chính tăng, việc tư vấn, giải thích của cơ quan chuyên môn với nhà đầu tư hạn chế. Thủ tục liên quan đến đất đai như chậm như thu hồi giải phóng mặt bằng, chậm tính giá đất... để giao cho nhà đầu tư.

Thứ tư, chỉ số năng động của lãnh đạo tỉnh. Ông Sáng thừa nhận lãnh đạo có lúc chưa thực sự năng động trong chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào tỉnh.

Ông Sáng cho rằng, 6 chỉ số thành phần tăng nhưng tăng không  nhiều. Tổng điểm của Hải Dương năm 2017 đạt 60,36 trên tổng số 100 điểm, tăng 2,41 điểm so với năm 2016. "Điều này cho thấy các tỉnh xung quanh đi nhanh, phát triển đột phá hơn. Tỉnh ta có tiến bộ hơn nhưng đi chậm hơn so với các tỉnh khác. So với xung quanh, chúng ta tụt hậu", ông Sáng nói.


Ông Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Thành Chung

Thẳng thắn chỉ ra những yếu kém từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ngành, địa phương nhưng ông Sáng cũng chỉ ra môi trường kinh doanh là quan hệ tổng thể từ người dân đến các cấp, các ngành. "Nhà đầu tư về Hải Dương nếu được người dân tiếp đón niềm nở. Các cụ có câu khách đến nhà phải mời chào, tiếp đón thì họ mới đến", ông Sáng nói.

Ngoài những nguyên nhân trên, ông Sáng chỉ ra việc ứng dụng CNTT để giải quyết các thủ tục hành chính còn rất yếu. Qua đó chi phí đầu tư cao, chi phí gia nhập thị trường tăng. Tỉnh chưa có trung tâm dịch vụ hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Chưa có trung tâm tư vấn để hướng dẫn người dân và nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính.

Về nguyên nhân tổng thể, ông Sáng cho rằng khi phân công, phân nhiệm thiếu cụ thể, rõ ràng. Một việc chỉ cần giao cho một cơ quan, tổ chức giải quyết không nên giao cho nhiều cơ quan dễ dẫn đến công thì tranh hưởng, xấu thì không ai nhận. Ngoài ra, kỷ cương, kỷ luật công vụ không nghiêm. "Mỗi cá nhân tự giám sát, tự đôn đốc chính mình. Mỗi cán bộ, công chức, viên  chức phải nêu cao kỷ cương, kỷ luật công vụ. Cá nhân nào không làm được phải xử lý nghiêm", ông Sáng kiên quyết.

Ông Sáng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn  vị, địa phương phải thật sự sát sao, gương mẫu để làm gương cho cấp dưới. Thời gian tới, UBND  tỉnh tập trung xử lý các hạn chế để nâng cao chỉ số PCI.

Kết thúc nội dung này, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Thường trực Tỉnh ủy hằng tháng sẽ nghe UBND tỉnh báo cáo việc thực hiện để nâng cao chỉ số PCI. "Sở nào vướng, ngành nào vướng, địa phương nào cản trở phải xử lý ngay. Phải chỉ rõ yếu ở sở, ngành, địa phương, cán bộ nào. Bất cứ cán bộ nào thực thi nhiệm vụ không hoàn thành thì bố trí công việc khác", đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển nói.

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ số PCI giảm làm nóng nghị trường