Tăng 8 bậc và đứng thứ 33 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh năm 2019 đã có những bước tiến bộ, vượt qua tình trạng ì ạch không cải thiện trong nhiều năm.
Bộ phận "một cửa" TP Hải Dương được đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nhân dân
Quyết tâm cải cách
Việc tăng 18 bậc, chỉ số thành phần "công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính" của tỉnh năm 2019 đã vượt qua “rào cản” nhiều năm. Từ vị trí thấp nhất vươn lên, điểm số này đã đánh dấu bước chuyển quan trọng có được từ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích những nguyên nhân gây hạn chế trong nhiều cuộc họp, hội nghị của tỉnh. Các kỳ họp HĐND tỉnh, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh... đều dành nhiều thời gian trao đổi, làm rõ vì sao quyết liệt chỉ đạo mà chỉ số cải cách hành chính (CCHC) vẫn giảm?
Nguyên nhân được chỉ ra là do tỉnh chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa hoàn thành các nhiệm vụ đề ra tại kế hoạch CCHC năm, việc CCHC ở một số nơi còn hình thức… Từ đó, cả hệ thống chính quyền tỉnh đã tập trung CCHC với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập từ tháng 3.2019 đã nhanh chóng đi vào hoạt động, phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả. Thước đo là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở được lấy làm tiêu chí đánh giá chất lượng CCHC. Công tác chỉ đạo, điều hành đổi mới theo hướng sâu sát, trực tiếp, rõ việc. Tỉnh chủ động, linh hoạt điều chỉnh nhiều thủ tục, cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển. Toàn tỉnh đã hoàn thành 84 trong tổng số 85 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của tỉnh xếp thứ 25 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, tăng 28 bậc. Đây là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ trong sắp xếp, thu gọn tổ chức, bộ máy. Triển khai Đề án số 01 và Đề án số 03 của Tỉnh ủy trước khi Trung ương có các nghị quyết về sắp xếp bộ máy, đến nay toàn tỉnh đã giảm 11,33% số công chức, giảm 9,54% số viên chức các đơn vị sự nghiệp. Tỉnh cũng hoàn thành sắp xếp, sáp nhập 55 đơn vị hành chính cấp xã thành 25 đơn vị, giảm 30 đơn vị. Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh đã giảm 110 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm hơn 4.100 người hoạt động không chuyên trách.
Bộ máy thu gọn, thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, rút gọn hợp lý, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, giải quyết các thủ tục hành chính minh bạch, nhanh chóng hơn. Tinh thần quyết tâm CCHC lan từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chủ động để các địa phương thi đua lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.
Nhóm các chỉ số thành phần gồm cải cách tài chính công, cải cách thủ tục hành chính… cũng tăng từ 6 - 8 bậc. Quan trọng, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh vẫn đứng thứ 5 trong cả nước.
Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu
Để có thể giữ vững chỉ số CCHC và vươn lên trong bảng xếp hạng toàn quốc đòi hỏi Hải Dương phải kiên trì, không chủ quan vì vẫn còn một số chỉ số thành phần giảm sâu so với năm trước như công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật giảm 30 bậc, hiện đại hóa hành chính giảm 24 bậc, tác động của CCHC đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương giảm 20 bậc…
"CCHC là một trong những tiêu chí quan trọng trong công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức và bình xét thi đua, khen thưởng. Các cơ quan, đơn vị phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC để đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm đối với tập thể, cá nhân”, đó là yêu cầu đã được Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh quy định nhiều năm. Tuy nhiên, cần siết chặt, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hơn quy định trên. Chỉ khi gắn trách nhiệm CCHC cho cá nhân, tập thể mới có thể phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ này.
Việc áp dụng giải pháp, sáng kiến CCHC trong các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng chưa thực sự triệt để, hiệu quả, dẫn đến hằng năm tỉnh vẫn có những sáng kiến không được công nhận, bị trừ điểm. Để các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng những giải pháp đổi mới CCHC, tỉnh cần giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc có chính sách hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo.
Hiện nay, bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã được triển khai định kỳ hằng năm. Năm nay, tỉnh dự kiến sẽ triển khai đánh giá chỉ số CCHC cấp xã. Đây cũng là một giải pháp có tính bài bản, minh bạch trong thực hiện lộ trình hiện đại hóa nền hành chính.
Trong khi chỉ số CCHC của Hải Dương được cải thiện từng bước thì rất có thể các tỉnh, thành phố khác đã có sự đột phá, tiến rất xa. Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp như mục tiêu đã được tỉnh xác định trong kế hoạch CCHC tỉnh năm 2020 và những năm tiếp theo, các cấp chính quyền toàn tỉnh cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục phân tích để tìm ra những điểm yếu, sáng tạo, khắc phục kịp thời.
LINH AN