Chỉ nên trưng cầu ý dân những vấn đề rất lớn

03/06/2015 17:58

Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể.



Đại biểu Phạm Xuân Thăng

Trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân để điều chỉnh các mối quan hệ về trưng cầu ý dân. Tôi tán thành với sự cần thiết của việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật trưng cầu ý dân. Để góp phần hoàn thiện Luật, tôi góp ý một số ý kiến cụ thể như sau:

Một là về Điều 6. Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, tôi tán thành với quy định “Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”, không nên quy định những vấn đề cụ thể như một số ý kiến đề xuất. Những vấn đề trưng cầu ý dân phải là những vấn đề rất lớn, rất quan trọng, có liên quan tới vận mệnh quốc gia, thể chế chính trị, quốc kế dân sinh, có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi trong phạm vi cả nước thì mới đưa ra trưng cầu ý dân; đồng thời những vấn đề đó cũng cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cân nhắc thật thận trọng trước khi ra nghị quyết của vấn đề trưng cầu dân ý.

Hai là, về Điều 7. về Phạm vi trưng cầu ý dân, tôi tán thành với quy định “Các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước”. Với tầm quan trọng của những vấn đề do Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, thì phạm vi trưng cầu ý dân cần được tổ chức trên phạm vi của cả nước. Hiện nay, đã có quy định về việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề có liên quan tới quyền, trách nhiệm và lợi ích của dân ở nhiều luật khác nhau, và quy định rất rõ trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn.    

Ba là Điều 13, về cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, tôi nhất trí với phương án 2:  Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. (phương án 1 không quy định Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Việc giao cho MTTQ Việt Nam đề xuất với Quốc hội về vấn đề trưng cầu ý dân là hợp lý, vì trong Hiến pháp đã quy định “MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân”. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đại diện cao hơn và sát với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tôi đề nghị nên quy định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bốn là, về khoản 2 Điều 15: quy định về trình tự Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình trưng cầu ý dân. Qua nghiên cứu, tôi thấy Ủy ban thường vụ Quốc hội mới nghe và thảo luận, chưa có quy định về sự thống nhất thể hiện ý chí của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề trình ra Quốc hội đề nghị trưng cầu ý dân. Tôi đề nghị bổ sung một khoản sau khoản g, có nội dung. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ý kiến về vấn đề trưng cầu ý dân để trình hay không trình ra Quốc hội”.

Năm là, về Điều 35. về thời gian thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân, có quy định “Thời gian thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân được bắt đầu từ ngày Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố Nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân cho đến khi kết thúc việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân”. Tôi thấy quy định như vậy là không hợp lý, bởi vì những vấn đề trưng cầu ý dân thu hút sự quan tâm sâu rộng của các tầng lớp nhân dân ngay từ quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận xem xét để trình ra Quốc hội xin ý kiến. Sau khi trưng cầu ý dân, công tác thông tin, tuyên truyền còn phải tiến hành tuyên truyền về kết quả trưng cầu ý dân, việc thực hiện kết quả trưng cầu ý dân… vì vậy quy định như vậy là không hợp lý. Theo tôi nên bỏ điều này, bởi lẽ các hoạt động thông tin, tuyên truyền đã có quy định của pháp luật.

Sáu là, về Điều 36: quy định về các hình thức thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân, đã quy định 3 hình thức thông tin tuyên truyền khá cụ thể; song tại khoản 4, quy định “Các hình thức khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”, tôi đề nghị nên quy định cụ thể tất cả các hình thức tuyên truyền phục vụ việc trưng cầu ý dân.

(0) Bình luận
Chỉ nên trưng cầu ý dân những vấn đề rất lớn