Chị Mị vì lợi ích chung

06/03/2016 15:49

Không phải đảng viên, cũng không là cán bộ nhưng chị Đào Thị Mị (52 tuổi ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong, Nam Sách) luôn đi đầu trong phong trào làm đường của địa phương.



Chị Mị bên phần đất vườn, tường bao mà gia đình hiến để làm đường giao thông nông thôn

Gương mẫu đi đầu

Thôn Phù Liễn thuộc vùng bãi của xã Hồng Phong, trước đây đường sá đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường đất, ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng bụi bặm, người dân trong thôn ai cũng ngán ngẩm. Theo ông Nguyễn Hữu Chiếu, Trưởng thôn Phù Liễn, cuối năm 2014, thôn Phù Liễn triển khai kế hoạch làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới (NTM). Hầu hết các tuyến đường đã hoàn thành. Tuy nhiên, con đường giáp ranh giữa 2 xã Hồng Phong và An Châu không làm được do người dân không đồng ý hiến đất. Trước tình hình đó, cán bộ thôn Phù Liễn không ngừng tìm cách tháo gỡ, hằng tháng đều tổ chức họp dân nhưng nhiều người chưa chịu lùi đất, hiến đất để làm đường. "Gần một năm trôi qua, tuyến đường vẫn không thể triển khai được. Trong lúc cán bộ thôn đang loay hoay tìm cách giải quyết khác thì cuối tháng 10-2015, chị Mị hiến đất làm đường và tuyên truyền, vận động mọi người làm theo", ông Chiếu cho biết.

Mảnh đất của nhà chị Mị nằm ngay trên trục đường liên thôn. Con đường này thông ra các khu đồng nên rất quan trọng trong việc đi lại, chuyên chở nông sản của bà con nông dân. Vì vậy, nếu gia đình chị Mị không hiến đất, con đường sẽ không bao giờ mở rộng được. Nhận thức được điều này, chị Mị bàn tính với chồng dỡ bỏ phần mái hiên của căn nhà, giàn gấc, giàn thiên lý, tường bao và tường rào. Lúc đầu, do xót của nên anh Nguyễn Văn Đô chồng chị không đồng ý. Để thuyết phục chồng, chị Mị tỉ mỉ phân tích để anh hiểu về lợi ích thiết thực của việc hiến đất mở đường. Ngoài sự tác động của chị, hằng ngày lại thấy loa truyền thanh của xã biểu dương những tấm gương điển hình trong phong trào hiến đất làm đường, xây dựng NTM nên mưa dầm thấm lâu anh Đô đã đồng ý. Gia đình chị tình nguyện hiến 150 m2 đất thổ cư và 12 m2 đất vườn. Chị còn cùng chồng tự tay phá dỡ 200 m tường bao, 100 m tường rào, chặt hàng chục gốc gấc và gốc thiên lý để giải phóng mặt bằng. Chị Mị không giấu giếm: "Cái lợi cho cá nhân thì ai cũng cần, nhưng lùi đất của nhà mình vào một chút để làm đường thì chính gia đình mình và hàng xóm láng giềng được hưởng lợi đầu tiên. Trong quá trình thi công, đường mở vào đến đâu, nhà tôi tình nguyện hiến đất đến đó. Mỗi người góp công góp của một chút thì đường làng ngõ xóm sẽ rộng rãi thêm".

Thời gian làm đường, nhà chị Mị giống như "bãi chiến trường", khắp nơi ngổn ngang gạch, ngói... Giàn gấc, giàn thiên lý hoa trái sum suê cũng bị máy xúc đánh bật gốc, nằm chỏng chơ. "Khi máy xúc tới dỡ tường, chặt cây... mọi người ai nấy đều ngạc nhiên. Có người còn nói xa nói gần rằng gia đình tôi vì sĩ diện nên mới làm như vậy. Nhiều người còn thắc mắc với tôi rằng tại sao tài sản của nhà mình lại đem ra hiến tặng trong khi nhiều hộ khác trong thôn có đường đi qua thì đứng ngoài cuộc? Nhưng khi thấy vợ chồng tôi quyết tâm, sẵn sàng hy sinh lợi ích của gia đình, rồi chở gạch vụn từ xã bên về để ấp trúc lòng đường thì dần dần mọi người mới hiểu ra", chị Mị chia sẻ.

Vận động người làng hiến đất


Quanh năm đầu tắt mặt tối chạy chợ ngược xuôi nhưng hễ thôn có việc lớn, việc nhỏ gì chị Mị đều nhiệt tình tham gia. Không chỉ tiên phong thực hiện mà chị còn tích cực vận động các hộ khác tham gia.

Trong hiến đất làm đường, để tuyên truyền, vận động, chị Mị đã trực tiếp đến từng gia đình, phân tích lợi ích của việc mở đường. Những hộ trước kia còn lưỡng lự, không đồng tình thì đã dần hiểu ra, tự giác chấp hành góp phần đẩy nhanh tiến độ làm đường. Chị Mị kể: "Ban đầu mọi người chưa hiểu nên tôi phải kiên trì thuyết phục để họ tự nguyện tham gia làm đường theo tiêu chí NTM. Tôi còn vận động mọi người phá dỡ tường bao, chở đất, gạch vụn về xóm để san lấp, làm khuôn đường. Với sự kiên trì đó, cuối cùng tôi cũng đã thuyết phục được nhiều người tình nguyện tham gia".

Kết quả, sau gần một tháng chị cùng một số đảng viên, cán bộ đoàn thể trong thôn đã vận động được 15 hộ trong thôn hiến thêm 400 m2 đất, gần 200 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, các hộ khác đã tự nguyện tháo dỡ tường rào và công trình phụ, chặt cây ăn quả để giải phóng mặt bằng. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Vui hiến 30 m2 đất thổ cư, ông Hoàng Kim Chí hiến 24 m2 đất thổ cư và đất vườn, bà Nguyễn Thị Thắng hiến 25 m2... Tất cả đã tạo thành phong trào sôi nổi hiến đất làm đường, góp phần hoàn thành tiêu chí về xây dựng NTM của địa phương. Nhờ đó, hiện nay tuyến đường đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và thôn đang xây dựng. Tuyến đường có chiều dài 890 m, chiều rộng 6 m, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng do ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Dự kiến, đầu tháng 6 năm nay tuyến đường sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Vương Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: "Chị Mị là người có uy tín, sống nhiệt tình và hiến nhiều đất để làm đường nên nhiều gia đình đã noi theo. Việc làm của chị góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của xã Hồng Phong ngày càng khởi sắc".

ÁI LIÊN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chị Mị vì lợi ích chung