Chí Linh sôi nổi làm đường

14/05/2014 05:35

Hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM đã tạo nên khí thế sôi nổi trong làm đường GTNT ở khắp các địa phương trên địa bàn thị xã Chí Linh.


Xã miền núi làm đường


Về thôn Đa Cốc, xã Lê Lợi, chúng tôi ngỡ ngàng bởi những con đường bê-tông mới tỏa về các xóm, đến từng gia đình đã thay thế cho những con đường đất lầy lội trước kia. Ông Trần Văn Tới, Trưởng thôn Đa Cốc cho biết: “Từ khi có đường mới nhân dân phấn khởi lắm. Ước mơ bao đời đã thành hiện thực”. Sau nhiều cuộc họp chi bộ, quân dân chính để bàn cách làm, cuối cùng phương án thống nhất, xóm nào làm đường xóm ấy. Khi thực hiện cách này, cũng nảy sinh khó khăn, đó là có những xóm ít hộ, đường dài sẽ phải đóng góp lớn, có xóm, mỗi khẩu phải đóng tiền triệu (hộ đóng nhiều nhất 4,7 triệu đồng/khẩu), vấn đề nảy sinh ở đây là những hộ khó khăn không có tiền để đóng. Thôn tháo gỡ bằng cách vận động những gia đình có điều kiện kinh tế cho các hộ khó khăn vay, thậm chí cán bộ, lãnh đạo thôn đứng ra vay tiền ngân hàng để giúp các hộ nộp trước và sẽ trả sau. Nhờ vậy, khí thế làm đường ở các xóm diễn ra sôi nổi, xóm nọ thi đua làm đường với xóm kia.

Từ cuối năm 2012 đến nay, thôn Đa Cốc đã làm được hơn 6,7 km đường bê-tông, trong đó có hơn 5,5 km đường với bề mặt rộng 3,5 m được tỉnh hỗ trợ xi-măng, thị xã hỗ trợ 10%, còn hơn 1 km đường rộng 2 m do nhân dân tự làm không có hỗ trợ. Hiện nay, thôn tiếp tục đăng ký với xã làm 1,5 km đường bê-tông. “Thôn Đa Cốc phấn đấu đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành bê-tông hóa đường thôn, xóm”, ông Tới cho biết thêm.

Khí thế làm đường GTNT còn diễn ra ở nhiều thôn khác của xã Lê Lợi như: An Mô, Thanh Tảo, Trung Quê, Bến... Đến đâu, chúng tôi cũng nghe bàn về việc làm đường. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Lê Lợi là xã miền núi nằm trên một địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, tổng chiều dài giao thông khoảng 46 km và đi lại rất khó khăn. Từ năm 2012 trở về trước, xã mới chỉ có vài km đường bê-tông ở các thôn Thanh Tân, An Lĩnh. Vì vậy, kiên cố hóa GTNT là một đòi hỏi bức thiết, là nỗi trăn trở từ nhiều năm nay của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lê Lợi”.

Khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM, lãnh đạo xã Lê Lợi chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh kiên cố hóa đường GTNT. Cuối năm 2012, xã chọn 4 thôn Thanh Tảo, Trung Quê, An Mô, Đa Cốc làm điểm với phương châm xã, thôn chỉ đạo, định hướng, nhân dân bàn và trực tiếp làm, giám sát, kiểm tra. Đây là các thôn có dân cư đông đúc và có điều kiện kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn, 4 thôn đã làm được gần 4,4 km đường. Từ sự khởi đầu thuận lợi này, lần lượt trong năm 2013 và từ đầu năm 2014 đến nay, các thôn khác trong xã đã triển khai làm đường.

Từ cuối năm 2012 đến nay, toàn xã đã làm được gần 12 km đường bê-tông, thôn Đa Cốc với cách làm riêng như đã nói ở trên đạt kết quả cao nhất. Từ nay đến cuối năm, các thôn trong xã đăng ký làm gần 5 km GTNT nữa. Hiện nay, đường bê-tông của xã Lê Lợi đã đạt được 50%. Xã phấn đấu đến hết năm 2015 cơ bản hoàn thành đường giao thông theo tiêu chí NTM.

Trên hỗ trợ, dưới không ỷ lại


Để khuyến khích các địa phương làm đường rộng, ngoài phần hỗ trợ xi-măng của tỉnh, thị xã Chí Linh hỗ trợ thêm 10% đối với đường có bề mặt rộng từ 3,5 m đến dưới 5,5 m và hỗ trợ 30% đối với đường có bề mặt rộng từ 5,5 m trở lên. Ngoài các khoản hỗ trợ này, riêng 5 xã thuộc vùng khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Văn Đức, Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Kênh Giang còn được tỉnh hỗ trợ riêng. Đường rộng từ 3,5 m trở lên được hỗ trợ 270 triệu đồng/km đường trục xã, 260 triệu đồng/km đường trục thôn; còn đối với đường rộng dưới 3,5 m được hỗ trợ 185 triệu đồng/km. Với sự hỗ trợ của tỉnh, thị xã đã khích lệ các cơ sở trong việc triển khai làm đường GTNT.

Phong trào làm đường GTNT không chỉ diễn ra ở các xã xây dựng NTM giai đoạn 1 mà còn sôi nổi ở ngay cả các xã miền núi khó khăn. Sau khi được tuyên truyền, vận động làm đường, hàng nghìn hộ dân ở các địa phương đã tự nguyện đóng tiền, hiến đất. Từ năm 2012 đến nay, toàn thị xã đã làm được tổng cộng gần 41 km đường bê-tông. Năm 2012, làm được 10 km, năm 2013 làm được 20,7 km và từ đầu năm 2014 đến nay đã làm được hơn 10 km. Làm được nhiều đường GTNT theo tiêu chí NTM có xã Lê Lợi (gần 12 km), Hưng Đạo (6 km), Văn Đức (5 km), Cổ Thành (5 km)… Theo Phòng Quản lý đô thị Chí Linh, từ nay đến hết năm 2014 nhiều địa phương vẫn tiếp tục triển khai làm đường GTNT.

Theo kế hoạch của thị xã về mục tiêu phát triển GTNT đến năm 2015 là tập trung xóa bỏ đường đất, cứng hóa 100% đường cấp thị xã quản lý; nâng cấp hệ thống GTNT có mặt cứng hóa đạt 62%, trong đó cứng hóa 60% đường liên xã, 65% đường thôn, 70% đường xóm, ngõ, 40% đường nội đồng.

Để phong trào làm đường GTNT tiếp tục đạt hiệu quả, các địa phương đề nghị tỉnh, thị xã quan tâm phân bổ và cung cấp xi-măng kịp thời; sớm giải ngân kinh phí hỗ trợ cho những xã vùng khó khăn đã làm được đường và 10% kinh phí hỗ trợ của thị xã để góp phần động viên, khích lệ nhân dân nỗ lực hơn nữa trong xây dựng GTNT.

VIỆT CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chí Linh sôi nổi làm đường