Dù đã cuối tháng 7 nhưng nhiều hồ đập ở TP Chí Linh vẫn trong tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Mực nước trong hồ đập quá thấp nên người dân phải dùng máy bơm để bơm nước phục vụ sản xuất
Cạn kiệt
Từ đầu vụ mùa đến nay, chị Nguyễn Thị Tươi ở khu dân cư Đông Xá, phường Văn Đức liên tục phải sử dụng máy bơm để lấy nước vào ruộng. Chị Tươi than thở: "Mấy hôm trước trời có mưa nhưng rất bé nên nền ruộng vẫn khô cứng. Nhà tôi có 7 sào ruộng nhưng ruộng nào cũng phải bơm nước từ khi làm đất đến giờ. Nếu trời không mưa kéo dài, không biết mấy bữa nữa lấy đâu ra nước để tưới cho lúa".
Cách khu ruộng của nhà chị Tươi khoảng 100 m là đập Đông Xá, nơi cung cấp nước tưới cho khoảng 5 ha lúa của cánh đồng Cây Đa. Hiện nước trong hồ đã cạn, lòng hồ chỉ còn lại một vài rãnh nước nhỏ, cây cỏ mọc um tùm. 3 đập còn lại của phường là Kênh Mai 2, Vĩnh Đại, Khê Khẩu cũng trong tình trạng không đủ nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Phường Văn Đức có địa hình cao nên 30% diện tích đất nông nghiệp phụ thuộc vào nước từ các đập. Các đập đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, lòng hồ bồi lắng nên khả năng tích nước kém. "Năm nay do ít mưa nên nhiều đập rơi vào tình trạng cạn nước. Thay vì bơm chống úng như mọi năm, chúng tôi phải điều tiết nước từ trạm bơm Văn Đức để bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất", ông Vũ Quang Thông, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Văn Đức nói.
Không chỉ các hồ đập do các phường, xã quản lý cạn nước, các hồ lớn do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) TP Chí Linh quản lý cũng trong tình trạng tương tự. Hồ Chín Thượng ở xã Bắc An có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 40 ha đất nông nghiệp của địa phương này nhưng cũng đang rơi vào tình trạng cạn kiệt. Hồ được xây dựng cách đây gần 60năm, do không được tu sửa nên bị thấm ở phần chân đập, cống điều tiết bị rò rỉ, thẩm lậu, lòng hồ bồi lắng, khả năng trữ nước giảm. Hiện mực nước trong hồ chỉ còn khoảng 1 m, thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Lượng nước ở hồ chỉ đủ để bơm tưới một lần là hết.
Đập Đông Xá ở phường Văn Đức đã cạn trơ đáy
Nguy cơ phải bơm chống hạn
TP Chí Linh có 68 hồ đập tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn thành phố chưa có trận mưa lớn nào nên các hồ đập đều trong tình trạng "khát nước".
Theo Xí nghiệp KTCTTL TP Chí Linh, chưa năm nào thời tiết lại như năm nay. Vào thời điểm này của những năm trước, không ít địa phương của thành phố đã phải bơm chống úng nhiều đợt cho lúa mới cấy. Còn năm nay do ít mưa nên nhiều hồ đập cạn nước. Ở một số khu vực có cốt đất cao, các HTX dịch vụ nông nghiệp phải dùng máy bơm để điều tiết nước sản xuất. "Hiện nhiều diện tích lúa mới gieo vãi nên chưa cần nhiều nước tưới. Thời gian tới sẽ cần nhiều nước hơn để tưới dưỡng cho lúa. Nếu 10 ngày tới mà trời tiếp tục không có mưa, chúng tôi sẽ phải bơm chống hạn. Đặc biệt là ở khu vực đất sản xuất thuộc lưu vực các hồ Chín Thượng, Hố Vễn, Chóp Sôi...", ông Nguyễn Quốc Gia, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL TP Chí Linh nói.
Để bảo đảm an toàn cho các hồ đập, UBND tỉnh đã đồng ý nâng cấp 11 hồ gồm Bến Tắm Trong, Bến Tắm Ngoài, Hố Vễn, Trại Sen, Chín Thượng, Cánh Gà, Hố Dầu, Nghè Lấm, Lộc Đa, Đá Trắng và Hố Gỗ. Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đồng ý đầu tư với tổng số tiền hơn 180 tỷ đồng. Tỉnh đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Hầu hết các hồ đập ở Chí Linh được xây dựng từ lâu nên đều xuống cấp, khả năng chứa nước thấp. Lưu vực các hồ thường xuyên phải chịu cảnh mưa to thì ngập úng và nắng nóng kéo dài thì hạn hán. Các hồ này cần sớm được đầu tư, nâng cấp vừa để nâng cao năng lực tích trữ nước vừa bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Xem clip
TRẦN HIỀN