Vừa nghe thấy tiếng bước chân chị Lài đi làm về bên sân, ông Tư, ông chú chồng chị đã cất tiếng bóng gió ném sang:
- Cái đồ ngu… tham bát bỏ mâm… phí một đời nhan sắc…
Chị Lài nghe rõ mồn một. Biết là ông chú nói mình, chị vẫn lặng im. Chị nghe nhiều rồi. Kệ! Đến mấy cậu con trai nhà ông ấy cũng thường hay móc máy vậy nữa là. Riêng ông ấy, lúc thì ngọt nhạt, cứ như “chân tình” quan tâm đến chị lắm nên thường khuyên chị “đi bước nữa”. Lúc thì ông bóng gió xa xôi. Mấy cậu con trai nhà ông cũng nhiều lần nói bắn đến tai chị “Đấy là đất ông cha… cứ bám lỳ mãi là không xong với chúng tôi đâu… cùng lắm thì chỉ cắt cho một khoanh nhỏ làm cái lều ở cho qua đời thôi…”. Chị vẫn bỏ ngoài tai.
Chị Lài về làm dâu nhà ông Tựng đã mấy chục năm nay. Ông bà Tựng có ba người con. Anh cả mất sớm vì bệnh tật. Anh thứ hai tên Tùng, cưới chị được một tuần thì đi B. Cô con gái út thứ ba lấy chồng xa. Đơn vị anh Tùng vào chiến đấu mãi tận trong chiến trường miền Đông Nam Bộ . Anh đi được ba năm thì đơn vị báo tử về. Thương nhớ con, ông bà Tựng ốm đau lay lắt mãi. Ông bà chỉ buồn nó không để lại cho ông bà mụn cháu chắt nối dõi nào…
Từ đấy việc chăm lo cửa nhà, phụng dưỡng bố mẹ chồng một vai chị gánh hết. Vậy mà chị còn tích cực, năng nổ tham gia mọi công việc xã hội, đoàn thể, như làm đội trưởng đội sản xuất, rồi chủ nhiệm hợp tác xã kiêm chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, nhiều năm làm bí thư chi bộ nữa. Trên cương vị công tác nào chị cũng đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Năm nào chị cũng được bình bầu là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, luôn được đi dự các hội nghị phụ nữ ba đảm đang, phụ nữ tiên tiến, điển hình của huyện, của tỉnh…
Tuy là con dâu nhưng ông bà Tựng luôn coi chị như con gái vậy. Nhiều lần chính ông bà Tựng cũng đã nhắc nhở chị nên lo hạnh phúc cho mình, đừng vì ông bà mà ở vậy. Rồi đến lúc quá lứa nhỡ thì, thời khổ. Chị cũng chỉ “vâng, dạ” để đấy. Thực tình chị cũng biết, nhưng chị thật ái ngại cho bố mẹ chồng. Người nào cũng già yếu cả rồi, biết trông cậy vào ai, có cô con gái thì lấy chồng xa lại hoàn cảnh cũng khó khăn, năm thì mười họa mới về thăm bố mẹ. Các cháu bên nội, bên ngoại của ông bà tuy cũng có nhiều đấy, nhưng người nào phận nấy, ai có điều kiện sớm tối chăm sóc ông bà được như chị. Chị lại hay nghĩ về chồng. Ngày ra đi anh ấy đã đặt mọi niềm tin vào chị “Anh trông cậy ở em… nhỡ ra anh có thế nào… thì mong em chăm sóc bố mẹ cho anh. Có thế thì anh mới yên lòng …”. Bổn phận của người vợ liệt sĩ là thế. Và ai cũng bảo chính nhờ có chị mà ông bà Tựng mới được sống khỏe, sống vui thêm bao nhiêu tuổi nữa. Nhiều phen ông, bà ốm đau nguy kịch mà không có chị thì thật cũng khó qua khỏi. Bấy nhiêu năm làm dâu ông bà, có điều gì ông bà phải phàn nàn đâu. Chị nỡ nào dứt áo ra đi…
Trong khi đó thì trong làng, ngoài xã cũng đã có nhiều người muốn “đặt vấn đề” với chị, chị vẫn chẳng nhận lời ai. Lại có một ông phó giám đốc sở trên tỉnh goá vợ đã nhiều năm, nhà giàu có, con cái phương trưởng cũng nhờ người hỏi chị mà chị vẫn không nhận lời. Ai cũng bảo tiếc cho chị. Chị lại còn trẻ, khoẻ mạnh thế. Ông chú bóng gió với chị là “tham bát bỏ mâm…” cũng là vì vậy.
Bố con ông Tư thì cứ nhất nhất cho là chị cũng chỉ vì còn tiếc cái cơ ngơi ấy mà chịu ở vậy thôi. Không biết chị có tính toán gì. Ông bà Tựng có một cơ ngơi khá lớn. Đất thổ cư gần hai mẫu. Có vườn rộng, ao sâu. Nhà cổ, mái ngói năm gian toàn lim, sến… rất khang trang, có bán riêng ngôi nhà cũng tiền tỷ chứ chẳng chơi. Cơ ngơi ấy lại nằm ngay bên ngã ba đường làng, một đường lên phố huyện, một đường chạy sang khu du lịch, cụm công nghiệp mới mở ở xã bên. Đường làng mới mở. Đường bê - tông, trải nhựa, thênh thang mấy làn xe chạy. Bố con ông Tư khát thèm cái cơ ngơi ấy lắm, nên chỉ mong chị “đi bước nữa” là cái cơ ngơi ấy sẽ về tay bố con ông. Đất ông cha chả nhượng cho bố con ông thì ai vào đây được. Bán thì không được với bố con ông rồi. Vì thế, mấy chàng trai con ông Tư thường bàn với nhau “Đất ấy mà về tay ta, nhất định chúng con sẽ đầu tư xây nhà hàng, khách sạn. Khách sạn ba sao, bốn sao chứ chẳng kém. Tiền vào cứ gọi là như nước sông Đà…”.
Bố con ông Tư nói mãi nên nhiều người cũng đâm ra nghi ngờ chị. Hay là chị ấy còn nấn ná tiếc cái cơ ngơi ấy thật. Chả biết thế nào. Mà chị thì lại thật kín tiếng. Bố con ông Tư mong từng ngày, từng phút cũng là vì sợ chậm sẽ mất thời cơ làm ăn. Thế là bố con ông dùng mọi cách tác động đến chị. Khi thì ngọt nhạt, lúc thì đe loi. Nhiều khi bố con ông còn xúi người ném đất đá, tuồn rác bẩn sang nhà chị những khi chị vắng nhà. Đêm đêm còn có người đập cổng trêu chó… làm cho chị không yên. Có khi còn có người trêu chọc, tán tỉnh… Chị vẫn bình tâm như thường.
Rồi ông Tựng mất. Còn mẹ chồng đau ốm mỏi mòn, chị vẫn sớm tối tận tụy chăm nom, từ cơm cháo thuốc thang đến việc thay giặt tắm rửa cho bà hằng ngày, chị không nề hà bất cứ một việc gì. Bà cụ thì cũng đã nhiều lần gạt nước mắt nói với chị :
- Chị cứ định ở vậy mãi sao? Chị phải lo việc riêng cho chị đi! Mấy năm nay ai cũng bảo thấy chị “xuống” nhiều rồi đấy. Thêm tuổi, thêm khó. Đừng vì tôi mà ở vậy. Sau này già cô đơn quả phụ, khổ lắm… Nếu không thì xin đâu một đứa con nuôi mà nhờ vả sau này…
Chỉ vẫn chỉ cười an ủi mẹ chồng. Rồi để cho bà cụ yên tâm, chị còn lợi dụng cả chuyện duy tâm để nói :
- Mẹ ạ… Con vẫn mơ thấy anh Tùng hiện về luôn đấy…
Bà chớp chớp mắt nhìn chị nửa tin, nửa ngờ:
- Nó có bảo sao không ?
- Dạ, anh ấy luôn dặn con là phải chăm sóc bố mẹ cho trọn vẹn đấy…
Bà cụ thở dài buồn nẫu:
- Hừ, cái thằng… thương bố mẹ, lại cứ giữ chân vợ mãi…
Chị Lài quay mặt giấu đi một nụ cười mỉm.
Ba năm sau thì bà cụ Tựng cũng mất. Bố con ông Tư mừng rơn. Ông ta liền nói thẳng với chị Lài “Thôi, thế là chị đã tròn đạo hiếu, tròn bổn phận của người vợ liệt sĩ rồi… Họ hàng chúng tôi rất lấy làm hãnh diện có một người dâu thảo hiền như chị… Mọi việc bây giờ để bố con chú có trách nhiệm lo cho hai bác… Chị lo việc riêng của mình được rồi đấy… Có đám nào chưa không thì để chú tìm cho…”.
Chị Lài vẫn cũng chỉ vâng vâng, dạ dạ để đấy. Bố con ông Tư lại sốt ruột đùng đùng. Bố con ông càng tin là chị còn tiếc cái cơ ngơi ấy thật. Rồi chả biết từ đâu làng xóm bỗng um lên cái tin chị Lài có chuyện vớ vẩn với ông cán bộ huyện hay về làm việc ở xã, ở thôn. Trời, thế thì còn đâu là thanh danh người vợ liệt sĩ! Ông Tư được dịp nói công khai “Phải khai trừ ra khỏi họ… Chúng tôi không nhận một người con dâu, cháu dâu của họ như thế…”. Chị Lài vẫn cứ như không. Chị vẫn năng nổ, hăng say công tác. Mãi đến hôm lo việc “bốn chín ngày” cho mẹ chồng, có đầy đủ anh em, bà con nội ngoại, lúc công việc xong chị mới đứng lên xin thưa chuyện với họ hàng. Chị nói:
- Kính thưa các cụ, bà con họ hàng nội, ngoại… Cháu về làm dâu họ ta đã vài chục năm nay dù vợ chồng chỉ được ở với nhau có non một tuần. Từ bấy đến nay, cháu đã thay mặt chồng chăm lo đầy đủ mọi việc, phụng dưỡng bố mẹ chồng chu đáo… nếu còn điều gì không phải mong các cụ, anh em bà con … lượng thứ.
Ông Tư há miệng, chăm chú nghển cổ nghe. Đến đấy thì ông gật gật đầu nói luôn, giọng rõ to:
- Tốt! Tốt! Không có điều gì cả… kể cả cái chuyện họ đồn này nọ. Thôi, mọi việc từ bây giờ chị cứ để bố con tôi lo cho hai bác…
Chị Lài “dạ, dạ” rồi tiếp lời:
- Kể ra còn phải lo xong chuyện “sang cát” cho hai cụ…
Ông Tư lại xì một hơi rồi xua xua tay:
- Thôi, thôi… thế thì lâu quá… Chị cứ để chúng tôi… Chị vậy là quá trọn vẹn, quá chu đáo rồi…
Chị Lài như muốn bật cười khi nghe ông chú chồng cố nhấn mạnh vào mấy tiếng “quá”. Nhưng chị vẫn bình tĩnh :
- Thưa các cụ, các bác… ở huyện bên có một anh là đồng đội cùng đơn vị của anh Tùng nhà cháu. Anh ấy hiện là một thương binh nặng, vợ cũng là một chiến sĩ Trường Sơn, nhưng bị nhiễm chất độc da cam đã mất hơn chục năm nay. Nhà anh ấy rất neo đơn, không có người chăm sóc. Anh ấy đặt vấn đề với cháu cũng đã hơn chục năm rồi…
Ông Tư bỗng nhấp nhỏm như có kiến đốt. Ông liếc nhìn mấy cậu con trai ngồi cách mấy bàn, có ý giục con lên tiếng. Nhưng thấy các con ngồi im thì ông lại e hè mấy tiếng rồi lại cũng nói rõ to:
- Thế thì chị đồng ý đi thôi…
Chị Lài mím cười nói luôn:
- Dạ… Cháu có hẹn với anh ấy.
Ông Tư xì một hơi:
- Hừ. Hẹn đến bao giờ nữa… Già đến nơi mất rồi.
Chị Lài khẽ lắc đầu mỉm cười:
- Dạ. Hẹn đến hôm nay ạ!.
Bố con ông Tư nét mặt bỗng hân hoan rạng rỡ hẳn ra. Người nào cũng “ồ” lên một tiếng rồi gật gật đầu đầy vẻ hí hửng:
- Ừ… ừ… có thế chứ… Chúc mừng… Chúc mừng…
Có người đã hiểu cái bụng bố con ông Tư, liền lắc đầu mỉm cười một cách chua chát rồi quay sang thì thào với nhau “ Không biết ông ấy chúc mừng ai đây… Thế mà cứ nghĩ sai cho chị ấy… Còn chị ấy giá lo sớm đi chút nữa thì may ra còn sinh nở được. Hoặc nhận lời cái ông Phó giám đốc ấy thì bây giờ có phải sung sướng một đời không. Tội thật!... Hết chồng liệt sĩ, lại chồng thương binh… Chị ấy chỉ biết vì người khác thôi…”. Ai cũng lại liếc nhìn chị thương cảm và quý trọng.
Bố con ông Tư người nào đầu cũng hơi cúi xuống, mắt nhíu lại, vẻ như người đang ăn năn một điều gì đó…
THANH THẢN