Tiền Công ty Điện Hợp Tiến đền bù cho 2 chủ trang trại gà ở thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) lại chính là tiền chủ trang trại gà đưa cho...
Ông Mạc Văn Quang thừa nhận số tiền mà Công ty TNHH Điện Hợp Tiến trao cho ông
chiều 17-8 chính là tiền của gia đình ôngHai ngày kể từ khi Công ty TNHH Điện Hợp Tiến (đóng trên địa bàn xã Hợp Tiến, Nam Sách) đền bù 360 triệu đồng cho các ông Mạc Văn Quang, Mạc Văn Duẩn (cùng ở thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến) - chủ 2 trang trại nuôi gà bị thiệt hại, nhiều người trong 2 gia đình cho biết số tiền này hoàn toàn không có thật. Đây chỉ là "màn kịch" của Công ty Điện Hợp Tiến nhằm đánh lừa dư luận, ngành điện và các cấp chính quyền.
Có tiếng mà không có miếngThực hiện kết luận tại cuộc họp khắc phục hậu quả sự cố điện đảo pha làm 5.400 con gà bị chết và 4.000 con gà bị ốm yếu ở 2 trang trại ông Quang và ông Duẩn của UBND huyện Nam Sách, chiều 17-8, tại UBND xã Hợp Tiến, Công ty TNHH Điện Hợp Tiến - đơn vị cung cấp điện cho 2 trang trại đã bàn giao toàn bộ 360 triệu (tương đương với 50% giá trị 4.000 con gà bị ốm yếu) cho ông Mạc Văn Quang. Buổi bàn giao tiền có sự chứng kiến của lãnh đạo UBND huyện Nam Sách, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương và lãnh đạo UBND xã Hợp Tiến.
Theo đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan, buổi giao tiền diễn ra suôn sẻ, các bên thực hiện đúng kết luận của UBND huyện Nam Sách. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ 360 triệu đồng được giao hôm đó thực chất là tiền của gia đình ông Quang chứ không phải tiền của Công ty TNHH Điện Hợp Tiến mang đến để trả. Lý giải về việc này, vợ chồng ông Quang cho biết, trước khi dự cuộc họp chiều 12-8 tại UBND huyện Nam Sách, ông Vũ Ngọc Ngạc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Điện Hợp Tiến đã bàn bạc và thỏa thuận với ông Quang cùng ông Duẩn cứ nhận khống số tiền 360 triệu này để Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương phải đền đủ 972 triệu đồng (trước đó đơn vị này chỉ chấp nhận đền 80%, 20% Công ty TNHH Điện Hợp Tiến phải thanh toán) và tạo uy tín về trách nhiệm đối với khách hàng của Công ty TNHH Điện Hợp Tiến.
Để tiếp tục "che mắt" các đơn vị liên quan, sáng 17-8, Công ty TNHH Điện Hợp Tiến cử 2 người đến nhà ông Quang đề nghị gia đình cho vay 360 triệu đồng. Chiều cùng ngày, ông Quang bọc kín số tiền này rồi mang đến trụ sở UBND xã Hợp Tiến để Công ty TNHH Điện Hợp Tiến trao cho chủ trang trại. "Vì đã thỏa thuận với ông Ngạc trước đó nên tôi buộc phải giữ lời hứa. Việc trao tiền hôm đó chỉ mang tính tượng trưng cho đẹp mặt Công ty TNHH Điện Hợp Tiến chứ thực chất tiền tôi mang ở nhà đến. Số tiền này do Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đền bù cho gia đình vài hôm trước. Hiện tôi cũng chưa ký vào biên bản giao nhận tiền với Công ty TNHH Điện Hợp Tiến", ông Quang cho biết.
Bà Lê Thị Bốn, vợ ông Duẩn cho biết bà đọc báo Hải Dương được biết Công ty TNHH Điện Hợp Tiến phải đền cho 2 gia đình 360 triệu đồng. Sau đó, bà hỏi thì ông Duẩn bảo đó là thỏa thuận với ông Ngạc chứ làm gì có tiền. "Việc ông Duẩn và ông Quang thỏa thuận với Công ty TNHH Điện Hợp Tiến thế nào tôi không biết nhưng quan điểm của tôi nếu họ không trả tiền thì họ đừng nói, mang tiếng chúng tôi", bà Bốn nói. Bà Trần Thị Mừng, vợ ông Quang cho biết: "Chúng tôi không bao giờ ký vào biên bản nhận tiền bởi chúng tôi không được tiền đã đành, đằng này lại phải ký khống. Số tiền ảo này nếu Công ty TNHH Điện Hợp Tiến vào sổ hạch toán lỗ thì họ còn được hoàn thuế, khi đó doanh nghiệp lại còn được lợi".
Cam kết nhận khống
Chiều 19-8, làm việc với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Điện Hợp Tiến khẳng định, doanh nghiệp đã thanh toán toàn bộ 360 triệu đồng cho 2 gia đình ông Quang và ông Duẩn chiều 17-8. Khi được đề nghị cho xem chứng từ chi tiền và biên bản giao nhận tiền của các bên, ông Thanh nói không biết và nói việc này đã ủy quyền cho bố đẻ là ông Vũ Ngọc Ngạc, Phó Giám đốc công ty giải quyết. Liên lạc qua điện thoại với ông Ngạc hiện đang chữa bệnh tại Hà Nội, ông này vẫn khẳng định đã thanh toán đầy đủ số tiền cho 2 gia đình. Khi được hỏi các loại giấy tờ có liên quan, ông Ngạc lảng tránh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 17-8, chính tay ông Ngạc đã viết giấy cam kết với nội dung 2 gia đình ông Quang và ông Duẩn cứ nhận khống số tiền này. Sau này, nếu công ty nhận được tiền hỗ trợ hoặc được khấu trừ thuế thì đơn vị sẽ hoàn trả đủ số tiền được hưởng cho 2 gia đình. Trong giấy cam kết, ngoài chữ ký của ông Ngạc còn có 3 chữ ký của các thành viên Công ty TNHH Điện lực Hợp Tiến, gồm các ông: Nguyễn Văn Huệ, Đồng Xuân Tuyến và Trần Văn Nam.
Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Đình Thế, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết, sau khi các bên thông qua biên bản giao nhận tiền, lãnh đạo chính quyền huyện, xã và Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương ký vào biên bản rồi sang phòng đồng chí Bí thư Đảng ủy uống nước. "Tôi chỉ nhìn thấy bọc tiền, còn bên trong là bao nhiêu tôi không biết. Lúc hai bên giao tiền thế nào, có chữ ký hay không tôi cũng không nắm được. Chính quyền xã không lưu tờ biên bản nào", ông Thế nói. Lãnh đạo huyện Nam Sách cũng khẳng định chỉ ký vào biên bản chứ không lưu biên bản giao nhận tiền.
SỸ THẮNG