Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong công tác, anh Trần Văn Chức, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Việt Hưng (Kim Thành) còn năng động làm giàu.
Anh Trần Văn Chức mỗi năm thu lãi từ 120-150 triệu đồng từ trồng nấm
Anh Trần Văn Chức, 40 tuổi, ở xã Việt Hưng (Kim Thành) là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã gần 10 năm nay. Anh Chức không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong công tác mà còn là người năng động làm giàu.
Việt Hưng là xã nhỏ với gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên thanh niên hầu hết đều đi làm ăn xa, hoặc làm việc tại các doanh nghiệp. Việc sắp xếp biên chế đủ các thành phần: dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân binh chủng gặp không ít khó khăn. Năm 2009, sau khi được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, anh Chức nhanh chóng rà soát lại toàn bộ nguồn thanh niên của địa phương, nguồn quân dự bị động viên chưa được sắp xếp, biên chế vào đơn vị nào. Anh nhận thấy nguồn tuyển chọn dân quân không thiếu mà do công tác tuyên truyền, vận động chưa đúng, trúng nên nhiều người còn e ngại không muốn tham gia. Anh đã trực tiếp làm việc với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cho lực lượng thanh niên trong xã. Anh cũng xuống từng thôn rà soát, nắm rõ việc di chuyển địa bàn, hoàn cảnh gia đình, kinh tế của từng người để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Từ đó đưa những thanh niên thường xuyên không có mặt tại địa phương ra khỏi lực lượng, bổ sung những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Lực lượng dân quân hằng năm của xã đều được kiện toàn, bổ sung bảo đảm đúng biên chế. Hiện dân quân của xã đạt 0,19% số dân, trong đó đảng viên chiếm 24%, bộ đội phục viên 30% và nữ chiếm 24%. Anh Chức cho biết: “Để làm tốt công tác xây dựng lực lượng dân quân, việc đầu tiên phải nắm rõ được nguồn cũng như nắm chắc thông tin của các thanh niên trong độ tuổi. Ngoài phúc tra, rà soát trên sổ sách cần phải nắm chắc nguồn trong thực tế mới có căn cứ chính xác bổ sung biên chế cho lực lượng”.
Bên cạnh đó, anh Chức cũng quan tâm công tác huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ tại địa phương. Hằng năm, trước, trong và sau mỗi đợt huấn luyện, anh đều chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban CHQS xã tổ chức thăm hỏi, động viên chiến sĩ. Sau mỗi đợt huấn luyện hoặc thực hiện nhiệm vụ, anh đề xuất với địa phương chi trả kịp thời chế độ phụ cấp bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ dân quân, khen thưởng, biểu dương những đồng chí có thành tích tốt trong huấn luyện. Nhờ đó, lực lượng huy động tham gia huấn luyện luôn đạt trên 95%, chất lượng huấn luyện đạt trên 80% khá, giỏi.
Chỉ huy trưởng Trần Văn Chức còn cùng với các đồng chí trong Ban CHQS xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an xã thường xuyên tổ chức tuần tra canh gác trên địa bàn, nhất là vào các dịp lễ, Tết, góp phần ổn định an ninh chính trị, giữ bình yên thôn xóm. Trong xây dựng nông thôn mới, bản thân anh Chức đã vận động và cùng lực lượng dân quân xã tổ chức nạo vét hơn 1,5 km kênh mương, sửa chữa và làm 2,5 km đường giao thông nông thôn với gần 1.000 ngày công…
Không chỉ nhiệt tình trong công tác chuyên môn, anh Chức còn năng động làm giàu. Năm 2001, sau khi xuất ngũ về địa phương anh tham gia lớp học trồng nấm dành cho bộ đội xuất ngũ. Thời điểm đó người dân chưa quen sử dụng nấm trong bữa ăn hằng ngày nên sản phẩm của anh tiêu thụ rất khó. Năm 2010, khi nhu cầu sử dụng nấm tăng mạnh, anh đầu tư nhà trồng nấm rộng hơn 1.000 m2. Không chỉ trồng các loại nấm ăn như nấm sò, nấm rơm... anh còn trồng nấm linh chi làm thuốc. Nhờ chịu khó học hỏi, anh đã nắm chắc quy trình trồng nấm và thu lãi cao từ mô hình này. Hiện nay, sản phẩm nấm của gia đình anh Chức được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong tỉnh và Hà Nội, Quảng Ninh. Trung bình mỗi năm anh bán từ 3 - 5 tấn nấm ăn, 5 - 7 tạ nấm linh chi. Trừ chi phí, mỗi năm anh lãi từ 120 - 150 triệu đồng.
HÀ VY