Năm 2005, chị Nguyễn Thị Huế ở đội 8, thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) bắt đầu làm đậu, nấu rượu và nuôi lợn nái. Ban đầu chị chỉ nuôi ba con lợn nái.
Mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị Huế thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ chăn nuôi lợn nái
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tận dụng phụ phẩm từ làm đậu và nấu rượu, dần dần chị Huế đã mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng mở mang chuồng trại. Năm 2010, chị mua thêm máy xay xát gạo để làm dịch vụ và có thêm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Cùng với việc mở rộng chuồng trại, chị đã tham gia các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, phòng và điều trị bệnh cho lợn nái, tích cực đi tham quan tìm hiểu kinh nghiệm và cách làm hay của các cơ sở chăn nuôi lợn nái đẻ trong và ngoài huyện.
Khu chăn nuôi lợn tập trung của gia đình chị Huế với diện tích 170 m2 được quy hoạch bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông và được chia làm hai khu vực riêng biệt: khu vực nuôi lợn sinh sản gồm 8 cũi và khu vực nuôi lợn hậu bị gồm 17 cũi. Các khu vực đều có rãnh thoát nước và được bơm rửa vệ sinh sạch sẽ hằng ngày. Với đàn lợn gồm 90 con trong đó có 30 con nái, 60 con lợn con được phân bố theo từng chuồng nuôi và ngăn nuôi, mỗi năm chị thu lãi trên 150 triệu đồng.
Chị Huế cho biết: “Để chăn nuôi lợn nái đẻ có kết quả tốt thì điều quan trọng nhất là khâu vệ sinh, phòng bệnh và chế độ dinh dưỡng nên tôi đầu tư chuồng trại tập trung khép kín và xây hầm Biogas để bảo đảm vệ sinh môi trường và tận dụng nguồn chất đốt”. Trong thời gian tới, chị Huế sẽ đầu tư thêm để nâng cấp chuồng trại như bắn tôn khép kín, lợp xốp chống nóng và đặt quạt thông gió ở khu vực chăn nuôi.
Ngoài thời gian phát triển kinh tế gia đình, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với bà con hàng xóm, chị Huế còn tích cực tham gia công tác Hội Phụ nữ ở thôn, xã và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nên chị được nhiều người quý mến, tin tưởng.
PHẠM LƯƠNG THIỆN