Chồng làm thợ xây, thường xuyên vắng nhà, một mình chị Nguyễn Thị Hòe ở thôn Bỉnh Di, xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) vẫn làm ăn hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao...
Mỗi năm từ mô hình nuôi cá, gà, vịt và trồng cây ăn quả, gia đình chị Hòe thu lãi trên 100 triệu đồng
Trước đây gia đình chị Hòe có 6 sào ruộng, trong đó một phần diện tích nằm ở khu triều trũng của thôn. Khoảng những năm 2002-2004, xã Kỳ Sơn có chủ trương chuyển đổi diện tích triều trũng thành khu nuôi trồng thủy sản tập trung, gia đình chị đã mạnh dạn đổi một số thửa ruộng trên đồng cao cho các hộ trong thôn để lấy 1,4 mẫu ruộng trũng, lập vồng đào ao thả cá. Vợ chồng chị đầu tư kinh phí đào 2 ao rộng 5 sào chuyên để nuôi cá trắm cỏ. Diện tích trên bờ, chị trồng rau gia vị và các loại cây ăn quả như: chuối, đu đủ, ổi, bưởi, hồng xiêm, vải... Những năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, thu nhập không cao. Là người “dám nghĩ, dám làm”, chị tiếp tục mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình trang trại trong vùng và tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, HTX Dịch vụ nông nghiệp và các công ty tổ chức. Từ đó, chị mạnh dạn áp dụng kiến thức được học vào sản xuất, từng bước nâng cao giá trị thu nhập. Năm 2010, chị Hòe mạnh dạn vay vốn tín chấp thông qua Hội Phụ nữ xã để xây dựng chuồng trại nuôi 300 con vịt đẻ và gà lai chọi (mỗi năm nuôi 2-3 lứa, mỗi lứa 100-200 con). Nhờ chủ động trong chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh nên đàn vật nuôi của gia đình chị lớn nhanh, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Chỉ tính riêng đàn vịt, mỗi ngày cho gia đình chị thu lãi hơn 200 nghìn đồng từ bán trứng. 3 năm trở lại đây, bình quân gia đình chị Hòe thu lãi trên 100 triệu đồng từ nuôi cá, gà, vịt và trồng cây ăn quả. Chị Hòe cho biết: “Mức thu nhập như gia đình tôi chưa phải là cao nhưng dù sao cũng cao hơn nhiều so với cấy lúa. Trước kia, khu ruộng trũng này chưa được chuyển đổi thành vùng nuôi thủy sản, mỗi vụ lúa chỉ cho thu vài chục kg/sào, không bõ công cấy hái, chăm sóc và chi phí mua phân đạm, thuốc trừ sâu... Thời gian tới, gia đình tôi dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, nhất là đàn gà, vịt để nâng cao nguồn thu nhập”.
Chị Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kỳ Sơn nhận xét: “Chị Hòe là một hội viên đảm đang, vừa sản xuất giỏi, vừa nuôi dạy các con học hành tiến bộ; luôn hăng hái, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do Hội Phụ nữ phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên khác, nhất là những chị em có hoàn cảnh khó khăn”.
TIẾN MẠNH