|
Mặc dù được anh Hạ báo trước cả tháng rằng: lần nghỉ phép này anh sẽ đưa người vợ chưa cưới về thăm gia đình. Và nếu mẹ đồng ý thì sẽ tổ chức đám cưới luôn. Thế mà hai mẹ con tôi vẫn bị bất ngờ. Bất ngờ và thất vọng. Vì "cái roi" của anh Hạ bình thường quá. Cách đây một tháng, nhân đồng đội nghỉ phép chuyển cho mẹ tôi lá thư tay của anh Hạ. Mẹ tôi rền rĩ: "Bảy năm rồi mẹ chưa được gặp thằng Hạ". Bạn anh an ủi: "Mẹ yên tâm đi. Đại đội trưởng của con rất khỏe. Khối cô xin chết". Mẹ tôi nhẹ nhàng: "Em nó còn dại lắm. Nhờ các anh bảo ban, kèm cặp. Nếu nó không nghe cứ roi mà phệt". Bạn anh Hạ cười ngả nghiêng: "Mẹ ơi! Anh Hạ của chúng con có roi rồi. Cái roi này phải biết". "Cái roi" xuất hiện tại nhà tôi đúng nghĩa của nó. Trông chị không có gì đặc biệt cả. Người gầy đét. Gái phương nam mà không son phấn. Thật lạ. Nhan sắc bình thường. Ăn mặc xoàng xĩnh. Chỉ chừng đó thôi. Ngoài ra là con số không tròn trĩnh. Kiểu dáng con gái như chị có vẻ ít gặp may mắn trên con đường tình duyên. Chả hiểu tại sao anh Hạ lại thích mẫu người đàn bà ấy. Thấy tôi ngắm chị dâu tương lai quá sỗ sàng, moi móc, anh Hạ lừ mắt như muốn bảo: "Này. Con mụ đàn bà lắm lời. Có thôi đi không?". Tôi cảm nhận rõ anh rất khó chịu cách đón tiếp bạn anh của mẹ con tôi. Quả thật tôi không thể tin được. Một người khoẻ khoắn, đẹp trai như anh Hạ, chỉ cần khoác lên người bộ áo quần xoàng xĩnh cũng tươm tất, trang trọng như người đi dự lễ hội. Thế mà... Trong lòng tôi ấm ức, bứt rứt. Tựa như một người đầy ắp bạc tiền. Còn một người không có nổi một đồng kẽm rỉ.
"Đây là Nguyệt. Nguyễn Thị Nguyệt, 25 tuổi, kỹ sư nông nghiệp. Nếu mẹ và em Hà đồng ý thì hôm nay Nguyệt sẽ ở hẳn gia đình ta. Chúng con đã làm giấy đăng ký kết hôn rồi. Gia đình Nguyệt bị bọn Pôn Pốt tràn sang giết hại hết cả". Anh Hạ giới thiệu ngắn gọn, dứt khoát như khi phổ biến mệnh lệnh cho cấp dưới. Mẹ tôi giữ thái độ im lặng. Nhìn vào đôi mắt mẹ tôi cảm nhận được sự không bằng lòng của bà. Người mẹ nào cũng khó quen ngay được khi đứa con yêu quý của mình đặt tình cảm nồng thắm vào người khác. Bà hy sinh một đời đặt nhiều hy vọng vào anh Hạ. Mẹ tôi mong anh Hạ lấy chị Phương Nhung, con gái người bạn thân. Chị Phương Nhung đẹp như người mẫu. Đôi môi Phương Nhung đầy đặn và khao khát, luôn nhoẻn miệng cười, không một ai đi qua mà không ngoảnh đầu nhìn lại. Phương Nhung kiếm tiền giỏi, biết lái xe hơi, biết nhảy đầm, nói tiếng Anh như gió. Phương Nhung là người phụ nữ của thời đại mới. Giờ đây sự xuất hiện của chị Nguyệt khiến mẹ tôi mơ hồ sẽ mất con trai. Bà lo lắng. Bà cố nén cho nước mắt khỏi trào ra. Mẹ nghẹn ngào nói với con trai: "Việc đã rồi, mẹ chẳng trách cứ con. Chỉ mong vợ chồng con sống hạnh phúc. Thế là mẹ mãn nguyện lắm rồi". Mẹ tôi là thế đó. Mẹ yêu con đến mức nhẫn nhịn. Bảy năm nay, kể từ ngày anh Hạ nhập ngũ, không đêm nào mẹ quên cầu nguyện cho anh được bình an. Cái điệp khúc nguyện cầu. Cái dáng ngồi của mẹ, mấy chục năm sau tôi vẫn không quên được.
Mẹ tôi làm mâm cơm để cáo với gia tiên. Mẹ tôi mời cả chú Chiến là em ruột bố tôi sang chứng kiến. Chú Chiến phấn khởi lắm. Chú sang từ sớm đế trò chuyện với anh Hạ. Chuyện trên trời dưới đất. Chuyện tình hình căng thẳng nơi biên giới Tây Nam. Ngập ngừng một lát, anh Hạ ngỏ lời: "Chuyện ở nhà, con nhờ mẹ, nhờ chú bảo ban dạy dỗ nhà con. Tuy là kỹ sư nông nghiệp, nhưng phong tục, cách làm hai vùng khác nhau. Cả cô Hà nữa. Chị em giúp rập lẫn nhau. Cô là hay đành hanh lắm... ". Rất nhanh, Nguyệt quay lại nhìn anh Hạ. Một cái nhìn kỳ lạ đến ngất ngây. Và lần đầu tiên tôi chú ý đến khuôn mặt của chị. Như có một ngọn lửa đốt từ bên trong đôi mắt kia. Khuôn mặt chị bừng sáng. Chao ôi khuôn mặt ấy rất ưa nhìn mà còn đẹp rực rỡ. Tim tôi như thắt lại. Một cái gì hờn ghen rất đàn bà nhen lên trong lòng tôi. Chú Chiến bảo: "Cháu cứ yên tâm lên đường mạnh giỏi. Lập nhiều chiến công. Mọi chuyện ở nhà đã có bà con chòm xóm".
Chiến cuộc phía Tây Nam Tổ quốc ngày càng căng thẳng. Chưa hết phép, anh Hạ vội vã trở về với đồng đội của mình. Chị Nguyệt ở lại với mẹ con tôi. Chị vốn xuất thân là con nhà nông nên chị không hề bỡ ngỡ với công việc đồng áng. Quê tôi giáp thành phố nên cách sống đều học theo thành phố. Chị Nguyệt hơn tôi bảy tuổi, nhưng tôi có cảm giác như cách nhau một thế hệ. Từ cách ăn mặc đến nói năng đi đứng. Một lần chị bảo tôi: "Nhà nông lấy hạt thóc làm gốc. Chi tiêu gì cũng từ hạt thóc mà ra. Nhìn từng yến, từng tạ thóc ra đi vào những chuyện không đâu chị xót xa lắm". Tôi ngoắt mình: "Chị khỏi phải lo. Từ thượng cổ đến nay, đất này vẫn thế. Nào có ai chết đâu". Từ ngày chị Nguyệt về, tôi như con chim sổ lồng. Mọi công việc dồn hết lên đôi vai của chị. Tôi cho rằng làm dâu thì phải thế. Mẹ tôi tuy không hài lòng việc anh Hạ lấy chị Nguyệt. Nhưng vì yêu quý con trai nên mẹ tôi dần dần có cảm tình với chị Nguyệt. Một hôm sau bữa cơm chiều, tôi bật hỏi: "Chị Nguyệt này. Trong thư anh Hạ nói là chị cứu sống anh ấy cuối năm 1972. Còn chị lại bảo anh Hạ mới là người cứu sống chị năm 1977. Vậy ai cứu ai? Hay anh chị bày chuyện để tình yêu có vẻ ly kỳ, lãng mạn?". Mẹ tôi hiểu ý bèn gạt đi: "Này con giặc bên Ngô. Cô dẹp cái giọng hỏi tréo ngoe ấy đi có được không? Chị em một nhà phải thương yêu nhau". Chị Nguyệt nhìn tôi độ lượng: "Chuyện anh Hạ cứu chị là có thật. Còn chuyện cứu anh Hạ là ba má chị cứu. Chị chỉ là người chăm sóc cơm nước thôi. Có gì đáng kể đâu".
Chú Chiến vận động chị Nguyệt vào tổ kỹ thuật của xã. Chị nói: "Cháu mới về cần phải có thời gian tìm hiểu. Chú cho cháu khất đến vụ sau". Chị suốt ngày ngoài đồng. Tôi chả hiểu chị làm những gì ngoài đó. Có lần tôi bắt gặp chị ngồi thừ ra ngắm nghía dảnh lúa. Khi chị tẽ từng cái lá lúa giơ lên ánh mặt trời.
Chị săm soi từng mẩu đất, từng giọt nước trong ruộng. Tôi bảo: "Chị cứ thân làm tội cái đời. Ở đất này vẫn làm như thế có sao đâu". Chị cười hiền: "Cây lúa quê mình vất vả quá. Chả bao giờ đạt nổi hai tạ thóc một sào. Bao giờ cuộc sống mới khấm khá được". Ngày ngoài đồng, tối về chị Nguyệt lại chong đèn đọc sách. Cuối năm đất không phụ công người, nhà tôi có một mẫu thu gần ba tấn thóc. Thật tuyệt vời. Nhiều người hỏi han kinh nghiệm. Chị Nguyệt cứ tình thực giãi bày. Thì ra giống lúa cao sản chỉ là một phần. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác như chất đất, thời điểm chăm bón, lượng phân cần có... Những điều tưởng đơn giản hóa ra cực kỳ quan trọng cho vụ lúa bội thu. Mẹ tôi nhắc: "Dạo này mẹ thấy con gầy nhiều rồi đấy! Nguyệt à". Chị ôm vai mẹ: "Con khỏe lắm. Mẹ xem này". Chị xòe bàn tay đầy chai sần sùi, rồi nói tiếp: "Mới lại con làm cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà con". Nhắc đến anh Hạ, cả nhà đều im lặng. Một cái gì đó mơ hồ bao trùm lên không gian đang đầm ấm. Kể từ ngày trả phép đến nay đã gần trọn năm, anh Hạ mới gửi được một lá thư. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng dạo này luôn nói về biên giới phía Tây Nam và đất nước Cam-pu-chia cùng quân tình nguyện Việt Nam.
Rồi cái điều mơ hồ kia đổ ập xuống gia đình tôi. Anh Hạ hy sinh khi cuộc chiến cứu nhân dân Cam-pu-chia vào những giây phút cuối cùng. Tin dữ bay về, quấn lên đầu chị Nguyệt một vành khăn trắng. Chị ngất lên ngất xuống nhiều lần. Mẹ tôi đổ sụp xuống như cây chuối bị phạt gốc. Nỗi đau vì mất mát người thân kéo ba mẹ con tôi xích lại gần nhau. Lúc này vợ chồng chú Chiến là chỗ dựa cho gia đình tôi. Chú lựa lời an ủi động viên: "Chị và các cháu giữ gìn sức khỏe. Cháu Hạ hy sinh vì nền độc lập, tự do của nước bạn. Vinh quang lắm chứ!".
Thời gian cứ thế chậm chạp trôi trong ngôi nhà có ba người đàn bà. Năm sau tôi đi lấy chồng. Căn nhà ba gian rộng càng thêm trống vắng. Mẹ tôi và chị Nguyệt âm thầm sống, âm thầm làm việc. Dạo này mẹ tôi yếu lắm. Bà ốm đau luôn. Mọi công việc đồng áng dồn lên đôi vai gầy của chị Nguyệt. Lại thêm việc của xã giao cho. Huyện ủy muốn đưa chị lên phòng nông nghiệp huyện. Nhưng vì mẹ tôi không có người chăm sóc nên chị từ chối. Được khoảng hai năm, nhân ngày giỗ bố tôi, cơm nước xong xuôi, mẹ tôi gọi tất cả vào. Dường như mẹ tôi cân nhắc rất kỹ mãi lâu sau mẹ ngập ngừng nói: "Nguyệt à. Mẹ có chuyện quan trọng muốn nói với con. Đồng ý hay không là quyền của con. Mẹ và vợ chồng em Hà không dám can thiệp". Chị Nguyệt cười: "Có chuyện gì thì mẹ cứ dạy. Vòng vo làm con hồi hộp quá". Mẹ tôi ngồi đắn đo. "Con ạ! Lúc nào mẹ cũng coi con như con gái. Chính vì thế nên mẹ rất lo cho tương lai của con. Con còn trẻ, phải có bầu có bạn. Mẹ quá thấm thía cảnh cô đơn. Gần đây anh Mạnh là thương binh thời chống Mỹ, người cùng làng... ". Lời mẹ tôi bị ngắt lại bởi tiếng kêu thảng thốt của chị Nguyệt: "Mẹ...". Chị bật khóc: "Con xin mẹ. Mẹ đừng nói nữa. Con hiểu lòng mẹ. Nhà con mới mất. Xin mẹ cho con được ở lại chăm sóc mẹ và hương khói cho nhà con". Vợ chồng tôi cùng xúm vào nói mong chị đổi ý cho mẹ tôi vui lòng. Khỏi phải nói người già mong mỏi có cháu bồng cháu bế. Lâu sau chị Nguyệt nói: "Mẹ và cô chú nói vậy thì xin để mãn tang nhà con rồi tính. Con không dám hứa hẹn điều gì với anh Mạnh đâu". Mẹ tôi có vẻ hài lòng. Tôi thoáng nghĩ còn một năm nữa. Trong khoảng thời gian đó đủ để người ta nghĩ khác hôm nay. Tôi chứng kiến có người (cả đàn ông lẫn đàn bà) khi người bạn đời nằm xuống chỉ một hai năm là tính chuyện tái hôn. Lý do thì nhiều lắm. Mấy ai trụ vững nổi. Nhất là chị Nguyệt, một người đàn bà chịu khó, giỏi giang, bất cứ người đàn ông nào cũng thấy rất cần.
Ngày giỗ thứ ba anh Hạ, chị Nguyệt hạ khăn tang. Chị đặt chiếc khăn tang lên bàn thờ và thắp hương khấn vái. Chị khấn gì tôi nghe không rõ. Chỉ thấy đôi vai chị rung lên bần bật, kèm theo tiếng nấc. Lệ thường quê tôi sau khi mãn tang người ta thường đốt hết đồ tang phục. Đằng này chị Nguyệt lại gấp cẩn thận cất đi. Chắc chị muốn giữ làm kỷ niệm. Chị vẫn chưa nguôi nỗi nhớ anh Hạ. Vậy làm sao mẹ tôi, chú Chiến có thể khuyên nhủ được chị đi bước nữa. Vài hôm sau, lựa lúc chị Nguyệt vui vẻ, mẹ tôi bảo: "Mẹ muốn đứng ra gả chồng cho con gái. Anh Mạnh vẫn chờ con đấy". Mắt chị Nguyệt chớp chớp: "Con rất biết ơn mẹ. Nhưng mẹ ơi! Hài cốt nhà con hiện giờ còn nằm ở đâu chưa rõ. Con bụng dạ nào dám lo cho bản thân". Mẹ tôi thở dài: "Thôi tùy mày. Đừng bắt mẹ phải chờ lâu". Nói vậy, nhưng mẹ tôi lại sang thầm thì với chú Chiến. Chú Chiến cười: "Điều này tôi nghĩ đã lâu. Chỉ đợi thằng Thắng nhà tôi nghỉ phép. Bố con tôi sẽ tiến hành tìm kiếm". Mẹ tôi nói: "Tôi chỉ sợ không chờ được. Dạo này tôi thấy trong người yếu lắm". Cuối năm, bố con chú Chiến cơm đùm cơm nắm sang Cam -pu- chia tìm kiếm hài cốt anh Hạ. Hơn hai tháng vô vọng. Không ai biết mộ anh Hạ đặt ở nơi đâu. Mẹ tôi và chị Nguyệt buồn lắm. Mẹ tôi suy sụp hoàn toàn. Chị Nguyệt cuống quýt. Chị không dám ốm. Không dám buồn. Chị nói: "Con xin nghe lời mẹ dạy. Con chỉ mong mẹ khỏe và thanh thản thôi". Như có một sức mạnh diệu kỳ, mẹ tôi bật dậy: "Con Hà đâu rồi. Sang nhà anh Mạnh bảo anh ấy sang tao có chuyện cần bàn". Chị Nguyệt nói giọng run run: "Khi nào mẹ khỏe hẳn con sẽ tự sang bảo anh ấy. Cô Hà không phải sang".
Nhưng mẹ tôi không đủ thời gian đợi niềm vui ấy. Bà mất sau Tết Nguyên đán. Tôi chả hiểu vì sao anh Mạnh cứ lần lữa. Nay viện lý do này, mai đưa lý do khác. Mãi gần đây tôi mới được chính anh Mạnh cho biết. Lúc này đã tìm được hài cốt của anh Hạ... Thì ra chị Nguyệt nói với anh Mạnh như sau: "Rất cám ơn tình yêu của anh. Nhưng tình yêu của em dành tất cả cho anh Hạ hết rồi. Anh hãy vì tình đồng đội với nhà em, sang nói thế nào để mẹ em vui vẻ... ".
Bây giờ không ai còn gọi là chị Nguyệt nữa. Vì tuổi chị đã cao. Con gái nuôi của chị sắp lấy chồng. Người ta gọi là bà bí thư, bà chủ nhiệm bằng cái giọng kính trọng. Đã từ lâu, tôi luôn luôn coi chị là chị ruột của mình.
NGUYỄN SĨ ĐOÀN