Thấy chị Hoàn xuống nhận hàng về, bóc hàng xong nhưng có vẻ tức giận, chị Dung liền hỏi:
- Hàng không đẹp hay sao mà chị có vẻ không vui vậy?
- Đây không đúng hàng chị đặt mua. Chị đặt một loại họ giao một loại. Em hỏi như thế có bực không cơ chứ? Mà cái sàn thương mại điện tử này không cho xem hàng trước khi nhận nên không biết thế nào được...
- Ơ, em tưởng bên ấy họ có chính sách cho hoàn tiền ạ?
Nghe vậy, chị Ngọc bên cạnh góp lời:
- Ôi. Để được giải quyết những trường hợp này cũng mệt lắm. Tuần trước chị cũng mua một món hàng qua sàn ấy nhưng bên bán gửi nhầm hàng. Chị đặt một sản phẩm giá 200 nghìn đồng nhưng lại giao cho chị sản phẩm có 70 nghìn đồng thôi. Liên hệ để yêu cầu trả hàng và hoàn tiền, họ cũng đồng ý nhưng lại làm ăn kiểu "lập lờ đánh lận con đen". Họ đưa yêu cầu chấp nhận hoàn tiền 20 đồng, chị không để ý thế là nhấn chấp nhận. Vậy là giá trị món hàng 200 nghìn đồng, nhận về 20 đồng. Chị khiếu nại tiếp thì được sàn trả lời đã chấp nhận yêu cầu hoàn tiền rồi thì không thể giải quyết nữa. Vừa mất tiền vừa mua bực vào người.
- Em thì bữa trước cũng mua một thỏi son từ một cửa hàng trên mạng nhưng nhận hàng mới thấy kết son không giống trên website của hãng. Em báo để đổi trả thì bị chặn tương tác luôn - chị Dung nói.
- Thời gian trước, em gái em mua hàng trên một sàn thương mại điện tử. Không biết họ bảo mật thông tin khách hàng kiểu gì mà bị lộ địa chỉ nên khoảng nửa tháng sau đó, ngày nào cũng có một số đơn hàng từ các cửa hàng khác nhau gửi đến. Vì không mua nên dì ấy đều từ chối nhận hàng nhưng như thế cũng bực mình lắm vì nhiều khi đang nghỉ trưa cũng có người gọi điện giao hàng- chị Ngọc kể.
Nghe đến đây, chị Hoàn nói:
- Đấy. Mua hàng trên mạng đúng là rất tiện, nhưng nếu người bán không có tâm và các sàn thương mại điện tử không quản lý chặt chẽ, không có các biện pháp thiết thực bảo vệ quyền lợi khách hàng thì khi gặp những trường hợp thế kia chắc chị em mình hoặc "ngậm bồ hòn làm ngọt" hoặc "chờ được vạ thì má đã sưng"...
HẢI ĐĂNG