Nhu cầu sở hữu những bản sao của các tác phẩm hội họa nổi tiếng là lý do nghề chép tranh tồn tại. Hiện nay, chép tranh được xếp vào nghề "hái ra tiền".
Họa sĩ Lê Bảo Tứ, người có tiếng trong giới chép tranh
Thu nhập caoQua lời giới thiệu của anh bạn họa sĩ, chúng tôi gặp anh Phạm Ngọc Toàn, một người chuyên kinh doanh tranh tại đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương). Cửa hàng của anh la liệt những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, trừu tượng... lớn, bé. Anh Toàn mở cửa hàng này từ năm 2005. Tranh chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu, phóng tác theo ý tưởng của khách hoặc chép lại từ các tác phẩm nghệ thuật của các danh họa theo yêu cầu. Ngoài ra, cửa hàng còn cung cấp tranh cho các cửa hàng bán lẻ. Không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh, anh Toàn còn bán tranh sang Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... Chỉ gần chục bức tranh đã được hoàn tất, anh Toàn cho biết đây là tranh của một gia đình đặt làm để treo phòng khách. Giá cả tùy theo kích thước và độ khó, trung bình mỗi bức giá 1 triệu đồng. Hiện cửa hàng của anh có 5 họa sĩ làm việc liên tục. Anh Toàn là người nhận các mối hàng, nêu ý tưởng cho thợ vẽ. Thợ làm việc tại cửa hàng đều là những người tốt nghiệp các trường mỹ thuật, có tranh treo trong các triển lãm của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng. Thu nhập mỗi thợ mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng.
Đối với những họa sĩ tên tuổi thì thu nhập từ chép tranh và giá mỗi bức tranh chép thường khá cao. Họa sĩ Lê Bảo Tứ (TP Hải Dương) làm nghề chép tranh từ năm 1993. Anh là người đi đầu trong nghề chép tranh ở tỉnh ta và khá nổi tiếng trong giới chơi tranh. Khách hàng của anh thường là giới có tiền. Giá cả được định là 2,5 triệu/m2. Tuy nhiên, giá thực tế thường phụ thuộc vào độ phức tạp và thời gian để hoàn thành bức vẽ. Nếu khách muốn chơi sang, tiền khung tranh cũng khá tốn kém. Họa sĩ Lê Bảo Tứ cho biết, anh đã từng chép một bức tranh khổ lớn cho một vị khách trong thời gian 2 tháng với giá 50 triệu đồng.
Theo một họa sĩ là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, chép tranh là một trong những nghề có thu nhập cao thu hút rất nhiều sinh viên các trường mỹ thuật và một số họa sĩ tham gia. Nhiều người đã coi nghề chép tranh như một thứ nghề chính kiếm sống. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng chục họa sĩ chuyên sống bằng nghề chép tranh. Trong đó có những người chuyên nghiệp, chép những tranh khó với giá bán mỗi bức hàng chục triệu đồng. Từ nghề chép tranh, nhiều họa sĩ trở lên khá giả.
Lắm công phuĐể trở thành người chép tranh chuyên nghiệp, có thương hiệu là cả một quá trình rèn giũa cộng với tài năng. Họa sĩ Lê Bảo Tứ sinh năm 1975, năm 9 tuổi, anh đoạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh của thị xã Hải Dương và được vào học vẽ tại Cung Thiếu nhi. Trong 5 năm học ở đây, lần nào có cuộc thi vẽ, anh cũng có giải. Từng học mỹ thuật tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Bảo Tứ đã sống bằng nghề chép tranh. Nhờ tranh mà anh có tiền xây nhà. Trước kia, anh mở gallery trong phố, giờ nhận làm ở nhà. Với bộ tranh bằng đá quý chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, 400 đại biểu Quốc hội khóa XI và chân dung lãnh tụ nhiều nước trên thế giới, năm 2010, anh đã được Liên hiệp Các hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam tặng danh nhiệu “Bàn tay vàng”. Từ đó, anh càng được nhiều người trong giới chơi tranh biết đến. Anh Tứ cho biết, để làm nghề chép tranh, trước hết người chép phải nắm vững chuyên môn, có năng khiếu bởi chép tranh là một quá trình tái tạo lại tác phẩm. Người chép tranh giống như một người thợ, tay nghề giỏi, có tâm hồn, sản phẩm làm ra mới tốt được. Người chép tranh còn phải có kiến thức về phong thủy. Chỉ một bức tranh chép, anh Tứ cho biết, phía trên là chữ ký của tác giả, phía dưới là chữ ký của người chép. Tính đến nay, anh đã dạy vẽ cho gần 1.000 học trò, trong đó khoảng 50 người chuyên làm nghề chép tranh ở nhiều tỉnh thành. Nhiều học trò sau này đi trang trí nội thất như: vẽ giả gỗ, giả đá, thiết kế non bộ. Hiện có 2 học trò cộng tác chép và vẽ tranh cùng anh.
Họa sĩ Phạm Quang Huynh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết: Nghề chép tranh ra đời từ nhu cầu sở hữu những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng mà không phải ai cũng có cơ hội để tiếp cận bản chính. Đây là nghề quý, đáng trân trọng vì qua bàn tay của những người thợ chép, các tác phẩm nghệ thuật độc bản có cơ hội được đến với rộng rãi công chúng. Để làm được nghề này không thể thiếu tài năng, kiến thức hội họa và niềm đam mê sáng tạo. Về hình thức, có thể chép lại tranh trên toan hoặc vẽ lên tường nhà. Là họa sĩ, hầu như ít nhiều ai cũng từng tham gia chép tranh. Có họa sĩ chép tranh của chính mình khi bức vẽ đó mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Song đa phần việc chép tranh được tiến hành với các tác phẩm nghệ thuật đã được khẳng định của các tác giả có tên tuổi. Một số họa sĩ lấy chép tranh là nghề chính. Tham gia chép tranh đông đảo nhất là các sinh viên mỹ thuật làm việc cho các cửa hàng. Họ vừa có thu nhập ổn định, lại vừa có dịp rèn nghề...
NGỌC HÙNG