Hằng ngày, hằng giờ những người thợ khoan nổ mìn phải treo mình trên những vách núi cao chót vót, chịu đựng cái nắng nóng như thiêu như đốt và không ít hiểm nguy...
Người thợ treo mình trên vách đá với nhiều vất vả, hiểm nguy
Cheo leo vách núiMới hơn 6 giờ sáng, khi mặt trời vẫn chưa ló khỏi dãy Áng Bát, anh Nguyễn Văn Hưng cùng anh em trong tổ khoan nổ mìn của Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương đã tất bật cho một ngày làm việc mới. "Mấy hôm nay trời nắng, chúng tôi phải bắt đầu ca làm việc buổi sáng sớm hơn, ca buổi chiều muộn hơn bình thường để tránh nóng", anh Hưng giải thích.
Đường lên đỉnh núi khá xa. Từ khu nhà điều hành, các anh phải đi qua bãi chế biến đá, leo lên một con dốc nhỏ vào trong áng rồi theo con đường mòn nhỏ chạy luồn qua những căn nhà, những vườn cây ăn quả bỏ hoang mới lên tới đỉnh núi. Mới đi được nửa quãng đường, anh Nguyễn Văn Tuân, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường của công ty yêu cầu tôi dừng lại vì quy định không cho người chưa học qua lớp an toàn vào khu vực cấm. Vật nài mãi cũng không được, tôi đành ngậm ngùi xuống núi quan sát anh em làm việc qua dụng cụ chuyên dùng của cán bộ giám sát. Dù ngoài dự kiến nhưng tôi hiểu anh em muốn giữ an toàn cho tôi vì đoạn đường lên đỉnh núi thường xuyên có đá rơi do rung chấn, có thể gây nguy hiểm cho người không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản.
Vừa xuống đến chân núi, tôi đã nghe những tiếng lục cục vang lên không ngớt. Trên vách đá cheo leo, những công nhân khoan nổ mìn tay cầm xà beng đang cậy, gỡ đá om, đá dập sau ca nổ mìn trước. Sau mỗi nhát xà beng, từng viên đá lớn lăn lông lốc từ trên cao xuống. "Muốn khoan, nổ mìn an toàn, trước hết công nhân phải tiến hành cậy, gỡ đá om, đá dập sau ca nổ mìn trước. Chỉ khi bề mặt vách núi được dọn sạch sẽ, người thợ khoan nổ mìn mới có thể tiến hành công việc. Đây là yêu cầu bắt buộc trong mỗi ca làm việc", anh Tuân giải thích.
Đá xám, quần áo bảo hộ lao động của công nhân cũng màu xám nên các anh như lẫn vào vách đá. Mặc dù đã có ống nhòm chuyên dụng nhưng phải rất cố gắng tôi mới có thể quan sát được công việc của người thợ đá ở khoảng cách hơn 100 mét. Ngọn Áng Bát đã mòn vẹt, bờ dốc thẳng đứng. Trên vách đá, những người thợ treo mình trên những sợi dây an toàn được buộc chặt vào cột sắt cắm sâu vào vách núi phía trên. Đôi chân thoăn thoắt di chuyển. Đôi bàn tay hoạt động liên tục. Từng tảng đá lớn nhỏ được xả ra, rơi ầm ầm xuống chân núi.
Hơn 20 năm trong nghề là chừng đó thời gian anh Nguyễn Văn Hưng làm thợ khoan nổ mìn. Tranh thủ giờ giải lao, lau vội mồ hôi bám đầy bụi đá, anh Hưng tâm sự: "Thợ khoan nổ mìn được xếp vào nhóm công việc nặng nhọc nhất của công ty. Không phải ai cũng có thể làm được việc này vì nó đòi hỏi người công nhân phải có sức khỏe, sự kiên trì, tính tuân thủ kỷ luật lao động rất cao". Quả thực, nếu không có sức khỏe tốt, người thợ không thể treo mình trên vách đá cao vài chục mét suốt mấy giờ đồng hồ trong cái nóng như nung của ngày hè. Nóng từ trên trời hắt xuống cộng với hơi nóng từ vách đá bốc ra khiến người thợ như đứng trên lò than, quần áo luôn ướt đẫm mồ hôi. Mắt ai cũng cay xè vì bụi đá.
"Đứng trên vách đá cao vài chục mét, vừa phải giữ thăng bằng, vừa sử dụng chiếc búa khoan nặng gần 20 kg là công việc không hề dễ dàng đối với người sức yếu. Người thợ phải thực sự khéo léo, cẩn trọng trong từng bước đi, từng mũi khoan. Mỗi ca làm việc, một người thợ phải khoan từ 4 - 5 lỗ, mỗi lỗ sâu khoảng 4,5 mét vào vách đá. Vì thế, sau khi xuống núi, đôi bàn tay mỏi nhừ, rã rời như không còn cảm giác!", anh Hoàng Hữu Chiêm, người cũng đã có 8 năm làm thợ khoan nổ mìn đứng bên cạnh góp chuyện.
"Chúng tôi không thể lơ là, chủ quan được vì chỉ cần sơ suất là có thể mất mạng bất cứ lúc nào." Anh NGUYỄN VĂN HƯNG, thợ khoan nổ mìn có hơn 20 năm trong nghề |
|
"Mệt mỏi, nặng nhọc nhất là lúc cậy, gỡ đá sau mỗi đợt nổ mìn. Thợ phải dùng xà beng để làm sạch vách núi bảo đảm không để sót bất kỳ hòn đá nào có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những người thợ trong ca làm việc sau. Trong quá trình này, người thợ phải liên tục di chuyển giữa các vách núi, dùng xà beng cậy, gỡ những tảng đá còn ngoan cố bám lại trên vách đá. Di chuyển nhiều lại không có máy móc hỗ trợ nên công việc này thực sự rất vất vả", anh Chiêm cho biết thêm.
An toàn là bạnDùng tay giật mạnh sợi dây an toàn đã được buộc chặt vào cột sắt trên đỉnh núi, anh Nguyễn Văn Hưng cẩn thận luồn sợi dây treo vào trong chiếc thắt lưng to bản bằng da rồi từ từ leo lên vách núi. Ở đây, trước mỗi ca làm việc, một yêu cầu bắt buộc đối với những người thợ là kiểm tra độ an toàn của thiết bị lao động. "Sợi dây treo bằng ni lông bện bằng cước được cố định bằng cọc giáo khoan chốt chặt trên đỉnh núi. Gặp trời mưa dây ngậm nước trơn trượt hoặc quá trình cọ sát vào vách núi sẽ bị mòn, dễ đứt. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, nếu thấy dấu hiệu không an toàn sẽ báo cáo để công ty thay dây mới. Chúng tôi không thể lơ là, chủ quan được vì chỉ cần sơ suất là có thể mất mạng bất cứ lúc nào", anh Hưng nói.
Theo anh Nguyễn Văn Tuân, trước mỗi ca làm việc, cán bộ giám sát yêu cầu công nhân kiểm tra đồ bảo hộ, phòng hộ lao động như dây da, dây treo, cọc giáo, gương khai thác... Tất cả phải đủ điều kiện an toàn thì tổ giám sát mới cho công nhân thực hiện công việc. "Đặc biệt, dây treo, cọc giáo phải được thay mới thường xuyên. Dây treo trước khi đưa vào sử dụng đã được thực nghiệm kiểm tra chất lượng, bảo đảm không để xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào", anh Tuân cho biết thêm.
Đối với những người thợ đá, tuân thủ kỷ luật lao động là yếu tố đầu tiên bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc. Để trở thành người thợ khoan nổ mìn, sau khi trải qua các lớp đào tạo bắt buộc, thợ đá phải có một thời gian dài đi theo công nhân lành nghề để được kèm cặp, giúp đỡ. Khi nào thực sự cứng cáp, vững vàng, công nhân mới được giao việc. "Khi mới vào nghề, tôi phải tham dự lớp đào tạo bắt buộc kéo dài 45 ngày do công ty tổ chức. Ngoài ra, chúng tôi phải thường xuyên tham dự các lớp tập huấn về quy định, kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp. Sau các khóa học, chúng tôi cũng chưa được làm việc ngay mà phải theo những người thợ cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm để học hỏi thêm. Chỉ đến khi làm việc thực sự thành thục chúng tôi mới được phép leo lên vách núi", anh Hưng cho biết.
Quả thực, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt những quy định an toàn trong lao động, người thợ đá có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Trên vách đá cheo leo, ở độ cao hàng trăm mét, tính mạng người thợ chỉ được níu giữ bằng một sợi dây an toàn gắn chặt vào vách núi. "Sợi dây an toàn được thiết kế đặc biệt. Nếu trượt chân hoặc tuột tay, sợi dây sẽ cọ xát vào bộ quần áo bảo hộ và được dây da giữ chặt lại. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng mỗi lần như vậy người thợ cũng trầy xước chân tay, xây xẩm mặt mày", anh Chiêm cho biết thêm.
Đang dở câu chuyện với chúng tôi, anh Hưng, anh Chiêm đã vội vã thu dọn đồ nghề vì nhận được tín hiệu tạm dừng công việc của cán bộ giám xát. Anh Chiêm giải thích: "Trời sắp mưa rồi, chúng ta tạm nghỉ thôi! Theo quy định của công ty, mỗi khi trời có dấu hiệu chuyển mưa, người thợ phải dừng tất cả công việc lại. Mưa sẽ làm dây treo bị ướt, vách đá trơn trượt rất dễ gây tai nạn. Đặc biệt, trên núi cao thường xuyên có giông lốc, sấm chớp, không bảo đảm an toàn cho công nhân trong quá trình làm việc. Đây là yêu cầu bắt buộc tất cả công nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt".
- Công việc nặng nhọc thế này thu nhập của các anh có khá không? - tôi hỏi.
- Cũng tạm được chú ạ! - anh Hưng trả lời! - Do công việc nặng nhọc, độc hại nên công ty thực hiện chế độ đãi ngộ tương đối tốt. Trung bình, mỗi công nhân khoan nổ mìn có thu nhập từ 12 - 14 triệu đồng/tháng, cao gần gấp đôi so với thu nhập bình quân của công nhân trong công ty, đủ lo cho cuộc sống gia đình. Vì thế, dù có nặng nhọc, vất vả, hiểm nguy nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành công việc!
Gần 11 giờ trưa, các công nhân đội khoan nổ mìn kết thúc ca làm việc buổi sáng. Họ ăn vội bát cơm rồi lăn ra ngủ lấy sức cho ca chiều. Đối với họ, đã theo nghề phải sống chết, tận tâm, tận lực với nghề.
VỊ THỦY