“Chém gió” trên mạng xã hội cũng thành... bác sĩ

06/06/2017 07:11

Hiện nay nhiều người quá chủ quan khi chia sẻ và vận dụng kiến thức trong các hội, nhóm trên mạng xã hội để tự chữa bệnh cho con, có thể gây nguy hiểm cho trẻ.



Nhiều bà mẹ trẻ thường chia sẻ ảnh con bị bệnh trên các trang mạng xã hội để xin tư vấn của mọi người và áp dụng


Nhiệt tình tư vấn

Con mới được 3 tháng tuổi, bị nổi mụn kê, chị Nguyễn Thu Xuân ở đường Lê Viết Hưng, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) rất lo lắng. Vì chưa có kinh nghiệm chăm con nên chị thường xuyên lên internet tìm hiểu thông tin và tham gia nhiều nhóm cha mẹ trên mạng xã hội. Hằng ngày, chị tắm nước chanh loãng cho con theo lời bà nội của bé nhưng không khỏi. Chị quyết định chụp hình ảnh da mặt của con đưa lên nhóm "Bé bắt đầu ăn dặm kiểu Nhật" mà chị tham gia để tìm lời khuyên từ các bà mẹ "bỉm sữa" trong hội. Chị nhận được rất nhiều câu trả lời tư vấn. Người thì bảo: "Con nhà mình cũng bị như này. Mình bôi lọ Tratrison của Traphaco 2 hôm là đỡ hẳn" kèm theo hình ảnh của lọ thuốc. Người mách chị Xuân nên lấy các loại lá tắm cho con như bài thuốc dân gian họ áp dụng cho con họ đã khỏi... Không chút đắn đo, chị Xuân quyết định đun các loại lá để tắm cho con trước, nếu không đỡ sẽ mua thuốc bôi sau.

Ngày nào chị Xuân cũng nhờ mua một bó lá thập cẩm như bồ công anh, kinh giới, hương nhu, hạt mùi… về tắm cho con. Sau mấy hôm tắm cho bé, chị Xuân thấy da con không hề đỡ nổi mụn như các bà mẹ chia sẻ với nhau mà còn mẩn đỏ hơn, các mụn nước bắt đầu xuất hiện. Lúc này, chị mới vội vàng bế con vào Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị viêm da và kê thuốc bôi. Bác sĩ phải nhắc lại nhiều lần rằng chị phải tắm cho con bằng nước đun sôi để nguội tránh gây nhiễm trùng cho bé.

"May đưa con đi khám sớm, chứ cứ nghe lời khuyên của mấy bà mẹ bỉm sữa trên mạng không may con sốt cao, co giật thì mình ân hận cả đời."


Chị Nguyễn Thanh Loan ở xóm Tân Lập, xã Nam Đồng (TP Hải Dương) cũng nhận được một bài học nhớ đời từ việc học cách chữa bệnh cho con trên mạng xã hội. Con gái chị được 9 tháng tuổi, cả ngày chơi ngoan nhưng đến đêm cháu lại bị sốt, có lúc sốt khá cao trên 39 độ. Sau khi chia sẻ lên một nhóm trên mạng xã hội mà chị là thành viên, chị nhận được lời tư vấn cứ yên tâm con sốt mọc răng, chỉ cần uống các loại lá con sẽ đỡ sốt. Thấy phần nhiều mọi người "comment" (bình luận) như vậy nên chị Loan khá yên tâm và áp dụng đúng như thế. Tuy nhiên, con gái chị chỉ hạ sốt một chút rồi lại sốt lại theo từng cơn. Đến ngày thứ 3 thấy con vẫn sốt, chồng chị sốt ruột quá nên đã đưa con tới bệnh viện để khám. Bác sĩ kết luận cháu bị sốt virus, kê cho thuốc giảm sốt và một số loại thuốc bổ sung vitamin khác. Chị Loan chia sẻ: "May đưa con đi khám sớm, chứ cứ nghe lời khuyên của mấy bà mẹ bỉm sữa trên mạng không may con sốt cao, co giật thì mình ân hận cả đời".

Đừng quá tin


Chỉ cần gõ cụm từ "Hội cha mẹ" lên phần tìm kiếm của trang mạng xã hội Facebook, sẽ nhanh chóng có rất nhiều kết quả với những hội nhóm cha mẹ ở cả 3 miền đất nước với đủ nhu cầu như "Hội các bà mẹ bỉm sữa", "Hội bố mẹ và các bé"... Các nhóm, mạng xã hội là nơi các bà mẹ chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm chăm con. Nhưng việc chia sẻ cách chữa bệnh cho con, rồi áp dụng các cách chữa bệnh của người khác cho con mình thì không nên.

Hiện nay, chưa có số liệu thống kê về những vụ việc đáng tiếc do các bà mẹ, ông bố áp dụng cách chữa bệnh cho con theo lời khuyên của "bác sĩ" mạng. Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít trẻ mắc bệnh nặng hơn khi cha mẹ áp dụng biện pháp chữa bệnh kiểu này.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Chung, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thời buổi công nghệ thông tin phát triển nên nhiều bà mẹ cũng áp dụng kiến thức mạng trong việc nuôi con. Tuy nhiên, không thể thấy con người khác bị bệnh đó, dùng thuốc đó hết bệnh thì con mình cũng dùng được. Bởi mỗi trẻ có thể trạng khác nhau, tiền sử bệnh khác nhau, không thể tùy tiện áp dụng các loại thuốc, các cách chữa bệnh cho con theo kiểu truyền miệng như vậy được.

Ở bệnh viện, sau khi thăm khám cho từng cháu, chẩn đoán bệnh, việc sử dụng phác đồ điều trị, kê đơn thuốc như thế nào thì các bác sĩ cũng phải tùy thuộc vào mức độ bệnh, cơ địa của trẻ... Các bà mẹ chỉ nên xem nguồn thông tin trên mạng là một kênh để tham khảo, đừng chủ quan áp dụng kinh nghiệm của người khác cho mình. Trong trường hợp con có dấu hiệu bị bệnh, bố mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ trong vài giờ đầu, nếu biểu hiện bệnh ngày càng nặng cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Chém gió” trên mạng xã hội cũng thành... bác sĩ