Chế phẩm bổ trợ cho lúa mùa

06/08/2016 13:40

Lúa mùa có thời gian sinh trưởng ngắn, lại chịu ảnh hưởng lớn của sâu bệnh và thời tiết bất lợi (mưa lớn, bão giông, hạn hán).



Mặt khác, trong nhiều năm gần đây, việc cung cấp dinh dưỡng cho lúa mùa chỉ dựa vào nguồn phân bón hóa học, ít phân chuồng làm cho đất trồng ngày càng cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trung, vi lượng. Thời tiết diễn biến bất thường, có nhiều hiện tượng cực đoan xảy ra khiến cho cây lúa chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, nông dân cần sử dụng các chế phẩm bổ trợ cho lúa, nhất là lúa vụ mùa.

Các chế phẩm này gồm 2 nhóm: Nhóm phân bón và nhóm có nguồn gốc là các chất điều tiết sinh trưởng.

- Nhóm phân bón bao gồm phân bón đa lượng (đạm, lân, kali) và các nguyên tố vi lượng (sắt, kẽm, đồng, bo, mangan, silic...). Hiện nay, các nhà sản xuất thường phối hợp nguồn dinh dưỡng này trong cùng một sản phẩm để phun qua lá cho lúa. Phân bón qua lá có tác dụng rất tốt khi bộ rễ yếu, khi cây lúa đã làm đòng, làm hạt nhằm tăng cường quá trình tổng hợp dinh dưỡng về hạt. Cây lúa cần các dinh dưỡng vi lượng ở mức thấp nhưng có vai trò quan trọng giúp lúa giữ lá xanh, đẻ khỏe, hạt to, lép thấp, chịu úng, chịu rét tốt hơn...

Phân bón qua lá được ưu tiên sử dụng ngay từ giai đoạn mạ (mạ nền kém phát triển) hay lúa bị vàng lá, nghẹt rễ giai đoạn đầu vụ sau gieo cấy. Các chế phẩm phân bón siêu lân + vi lượng sẽ giúp lúa lên nhanh, kéo dài tuổi thọ lá. Thời kỳ trổ bông phân bón qua lá được sử dụng với hàm lượng giàu kali kết hợp các dinh dưỡng vi lượng cần thiết sẽ giúp lúa cứng cây, lá xanh bền, lượng tinh bột được tổng hợp và tích lũy nhiều về hạt làm năng suất cao hơn. Mặt khác, phun phân kali qua lá (kali trắng) thời điểm này còn hạn chế được nấm khô vằn gây hại cuối vụ, nhất là lúa vụ mùa.

- Nhóm các chất điều tiết sinh trưởng:  Là các chất có tác dụng kích thích và tăng cường sự sinh trưởng hoặc phát triển. Khi sử dụng các chất này làm cho lúa sinh trưởng khỏe, có nhiều nhánh, đạt được số lượng hoa tối đa, tăng cường sức sống cho hoa, tăng khả năng thụ phấn, giảm tỷ lệ lép... Các chế phẩm này đòi hỏi người sử dụng phải biết dùng đúng lúc, đúng mục đích, đúng kỹ thuật... mới có được kết quả như mong muốn.

+ Dùng cho lúa đẻ nhánh: Thời điểm cây lúa có 3- 4 lá thật sẽ bắt đầu đẻ nhánh và đẻ nhánh có bông. Phun chế phẩm tăng cường sự đẻ nhánh (MET) sẽ giúp lúa đẻ được nhiều nhánh hơn ngay giai đoạn đầu (8-14 nhánh trong vòng 30 ngày sau phun). Các nhánh được sinh ra sớm rất đều và đều có khả năng thành bông.

+ Tăng cường chiều cao: Một số giống lúa lai có đặc tính trổ bông không thoát, nhất là khi nắng nóng (độ ẩm không khí thấp) làm cho lúa bị nghẹn đòng. Lúa trổ không thoát làm hoa không phơi màu được hết nên bị lép ảnh hưởng đến năng suất. Chế phẩm GA3 nồng độ 30ppm phun khi lúa trổ sẽ giúp lúa trổ thoát dễ dàng.

+ Tăng cường sức sống của hoa: Loại chế phẩm kết hợp giữa GA3 nồng độ thấp, a xít boric và lân, kali tinh khiết được phun khi lúa lai phân hóa đòng sẽ làm cho sức sống của hoa tăng mạnh, nhất là khi gặp thời tiết bất lợi.

TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chế phẩm bổ trợ cho lúa mùa