Ngay đầu đề bài thơ "Chớ hái hoa trong bệnh viện" như một lời kêu gọi - như một nội quy. Nhưng khi đọc cả bài thơ, người đọc sẽ cảm nhận thấy tính nhân văn sâu sắc của tác giả.
Chế Lan Viên là nhà thơ chính luận, tầm tư duy sâu rộng về đất nước, con người, sứ mệnh của dân tộc. Tính thời đại của thơ ông thể hiện rất rõ trong các bài thơ Chim lượn trăm vòng, Người thay đổi đời tôi, Tổ quốc bao giờ đẹp như thế này chăng. Không dừng ở đó, Chế Lan Viên còn viết về tình yêu, tình bạn, tình đồng chí và đặc biệt là tình người mang tính nhân văn sâu sắc. Trong bài "Chớ hái hoa trong bệnh viện", nhà thơ viết: "Em đến, mùa xuân hoa viện đẹp/ Tiễn em, muốn tặng đóa hoa chơi/ Chớ hái! Phòng bên anh bạn ốm/ Trông hoa hàng tháng để khuây người!".
Đằng sau 4 câu thơ trên là một câu chuyện: Là một bệnh nhân ở bệnh viện, Chế Lan Viên quan sát thấy ở phòng bên có một bệnh nhân, nhưng người ấy không được may mắn như ông, hằng ngày không có người thân đến thăm nom. Nhìn bệnh nhân phòng bên cô quạnh, Chế Lan Viên rất thương cảm.
Một lần, người yêu nhà thơ tới thăm. Lúc tiễn người yêu về, khi đi qua vườn hoa trong bệnh viện, nhà thơ định ngắt một bông hoa để tặng, nhưng rồi nhà thơ chợt nghĩ đến hình ảnh của bệnh nhân phòng bên ngày ngày ngắm những bông hoa ấy, ông đã ngừng tay: "Chớ hái! Phòng bên anh bạn ốm/ Trông hoa hàng tháng để khuây người!".
Tư tưởng nhân văn vốn tiềm thức trong nhà thơ một cách thường trực nên chợt nghĩ "hái hoa" đồng thời cũng kịp "chớ hái" vì "phòng bên anh bạn ốm...". Một ý nghĩa, một việc làm vì tình người, vì mọi người. Bởi vậy, làm sao nhà thơ có thể "đang tâm" vì người yêu của mình mà ngắt bông hoa kia được!
Chế Lan Viên nhiều năm phải điều trị ở bệnh viện, vì vậy ông hiểu hơn ai hết nỗi buồn, nỗi cô quạnh của người bệnh khi phải xa người thân. Mặc dù được sự chăm sóc chu đáo của các y, bác sĩ, nhưng cũng không thể sẻ chia hết được nỗi buồn trong họ. Và chính cỏ cây, hoa lá trong khuôn viên bệnh viện đã giúp tinh thần họ thư thái.
Ngay đầu đề bài thơ "Chớ hái hoa trong bệnh viện" như một lời kêu gọi - như một nội quy. Nhưng khi đọc cả bài thơ, người đọc sẽ cảm nhận thấy tính nhân văn sâu sắc của tác giả. Bài thơ bốn câu ngắn ngủi mà tình người bao la, tình nhà thơ bao dung như hương sắc của mùa xuân vậy.
LÊ HỒNG THIỆN