Chế độ với thương binh nhiễm chất độc hóa học

14/06/2010 04:41

Hỏi: Chú tôi là thương binh hạng 3/4, đã kết hôn nhiều năm nhưng không có con, gần đây mới biết nguyên nhân vô sinh là do nhiễm chất độc hóa học từ khi còn ở chiến trường. Ðề nghị Tòa soạn cho biết, trường hợp của chú tôi có được hưởng trợ cấp đối với người bị nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến không? Thủ tục để được hưởng trợ cấp bổ sung gồm những gì?

                                                                                        ĐÌNH DÂN(TP Hải Dương)

Trả lời: Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 và Nghị định số 54/2006/NÐ-CP của Chính phủ, điều kiện để được hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8-1961 đến ngày 30-4-1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học; bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hóa học. Như vậy, nếu trường hợp nêu trên đã có thời gian tham gia chiến đấu tại nơi quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học; kết quả khám bệnh tại cơ sở y tế có thẩm quyền cho thấy bị nhiễm chất độc hóa học và hậu quả là không có con, bị suy giảm khả năng lao động là có đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định, ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng và các chế độ khác dành cho thương binh.Thủ tục hưởng trợ cấp bổ sung gồm các giấy tờ sau: Ðơn đề nghị được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Giấy chứng nhận đã tham gia chiến đấu tại vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học; Hồ sơ thương binh hiện có; Kết luận của bệnh viện về việc bị nhiễm chất độc hóa học.

Căn cứ hồ sơ và hoàn cảnh thực tế, UBND cấp xã sẽ xem xét xác nhận thời gian hoạt động kháng chiến, tình trạng bệnh tật và khả năng lao động trên cơ sở ý kiến của trưởng thôn (bản, tổ trưởng tổ dân phố); sau đó, gửi hồ sơ lên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) huyện; Phòng LĐTB-XH huyện kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ đầy đủ thì hoàn tất thủ tục, trình UBND huyện ký công văn kèm theo hồ sơ gửi UBND tỉnh, Sở LĐTB-XH tỉnh; Sở LĐTB-XH tỉnh tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, rà soát, lập danh sách; sau đó thống nhất với Sở Tài chính, trình UBND tỉnh quyết định, báo cáo Bộ LĐTB-XH cấp kinh phí chi trả. Kết quả được thông báo và chuyển về cho Phòng LĐTB-XH huyện trả trợ cấp.





(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chế độ với thương binh nhiễm chất độc hóa học