"Cháy" hàng nông sản tại Lễ hội vải thiều

10/06/2018 11:50

48 gian hàng nông sản của các địa phương, doanh nghiệp trưng bày tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018 đều được bán hết. Một số gian hàng hạn chế bán để người dân đến tham quan.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà tham quan các gian hàng tại lễ hội. Ảnh: Thành Chung

Vải, ổi không có để bán

Ngay từ 8 giờ sáng ngày 10.6, hàng nghìn người dân trong huyện và du khách thập phương đã đổ về chật cứng Quảng trường Thanh Bình - trung tâm thị trấn Thanh Hà dự Lễ hội vải thiều và tham quan, mua sắm các loại hoa quả trưng bày tại lễ hội. Các gian hàng được trang trí khá công phu, thu hút rất nhiều người dân, khách thập phương đến tham quan mua sắm.

Nổi bật tại khu trưng bày vẫn là các gian hàng của các xã, thị trấn của huyện Thanh Hà với sản phẩm chủ lực vải thiều.


Người mua vải sử dụng điện thoại truy xuất nguồn gốc qua tem QR trước khi mua

Trước kia, xã Thanh Sơn - quê hương cây vải tổ là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất huyện nhưng gần chục năm trở lại đây, xã Thanh Thủy mới là địa phương có diện tích trồng vải đứng đầu huyện với 327 ha, trong đó 80% diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Vụ vải năm nay, xã có 15ha canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Ông Ngô Xuân Khải, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy trực tiếp có mặt tại gian hàng của xã cho biết: Gian hàng của xã hôm nay chỉ có vải thiều, đây là nông sản chủ lực của xã. Để giới thiệu tới khách hàng, xã đưa 5 tạ vải xuống lễ hội nhưng chỉ trong 1 giờ đã bán hết. "Vải thiều của chúng tôi mang đến lễ hội chủ yếu để giới thiệu với khách hàng và tặng các đại biểu chứ không có ý định bán nhưng người dân hỏi mua nhiều quá nên đành phải chiều lòng. Trong khi giá vải ở nhiều nơi có thể thấp nhưng thời điểm này giá vải tại Thanh Thủy bán ra ở mức 15.000 đồng/kg. Tại lễ hội, xã chúng tôi còn ký biên bản ghi nhớ với Công  ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ bán 20 tấn vải xuất khẩu sang thị trường Mỹ", ông Khải nói.


Ngoài vải, ổi trồng ở các xã Liên Mạc, Thanh Lang, Thanh Xuân của huyện Thanh Hà được nhiều người mua

Nhiều du khách về dự Lễ hội vải thiều đều ra về với cả chục kg vải trong tay. Anh Bùi Văn Hoan ở TP Hải Dương cho biết ở TP Hải Dương vải bán rất nhiều, giá rẻ hơn nhưng anh vẫn mua 20kg vải tại lễ hội. "Sau khi truy xuất qua tem QR xác định đúng là vải thiều Thanh Hà trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm nên tôi yên tâm mua", anh Hoan nói.

Cụ Trần Duy Phong (70 tuổi) ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) đạp xe gần 10 km đến tham quan các gian hàng nông sản tại lễ hội cũng kịp mua 10 kg vải thiều về làm quà cho các cháu.

Ngoài vải thiều, gian hàng của xã Liên Mạc với sản phẩm chủ lực là ổi cũng được người dân mua rất đông. Mỗi năm, người dân xã Liên Mạc bán ra thị trường vài nghìn tấn ổi. Để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, ngoài việc lựa chọn các giống ổi thơm ngon, phần lớn diện tích trồng ổi của xã được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Quả ổi bán ra thị trường được dán tem truy xuất nguồn gốc. Giống ổi lê mà người dân trồng quả không to nhưng cùi dày, ruột mỏng, đặc biệt ổi ngọt, có mùi thơm mát như lê. Chính vụ, ổi lê có giá 6.000-8.000 đồng/kg. Trái vụ, loại ổi này có giá từ 12.000-25.000 đồng/kg.


Chuối đỏ được trồng tại xã Tân An - loại quả khá mới lạ với người dân và du khách

Xuất hiện tại lễ hội năm nay có loại chuối rất lạ, quả rất to, ruột đỏ do người dân xã Tân An trồng. Mỗi nải chuối đỏ khoảng 14-16 quả, giá 100.000 đồng. Đây là giống chuối mới do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhân giống và được một gia đình ở xã Tân An mang về trồng thí điểm một sào. Loại chuối này đang được một số người dân trong huyện nhân giống trồng.

Theo quan sát của chúng tôi, đến 9h30 cùng ngày, tất cả các mặt hàng vải, ổi, chanh, quất, gạo nếp... của nông dân huyện Thanh Hà đều bán hết. Nhiều khách hàng không mua được vải, ổi phải xuống tận vườn mua.

Các nông sản khác được dịp quảng bá

Tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018, gian hàng của huyện Kinh Môn nổi bật với các loại cây trồng thế mạnh gồm hành, tỏi, sắn dây. Toàn huyện có 3.600 ha trồng hành, tỏi. Tại thời điểm này, hành có giá từ 25.000-28.000 đồng/kg; tỏi có giá 30.000 đồng/kg. Huyện có 352ha sắn  dây, sản lượng bột đạt 1.8000 tấn/năm. Ngoài ra, Kinh Môn mang đến lễ hội nếp cái hoa vàng, mủa, bí, trứng đà điểu...


Hành, tỏi Kinh Môn được rất nhiều người dân và du khách mua

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng mang nhiều sản phẩm tới lễ hội để giới thiệu với người dân và du khách thập phương. Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên giới thiệu sản phẩm của Công ty CP Nông sản Hưng Việt ở xã Gia Tân (Gia Lộc) cho biết doanh nghiệp đến lễ hội chủ yếu để giới thiệu đến khách hàng những loại rau, củ, quả sạch. "Tâm lý của người dân luôn cho rằng rau, quả sạch thường có giá đắt nhưng các sản phẩm của chúng tôi giá chỉ cao hơn giá rau bán tại chợ khoảng 10%. Lý do giá không cao là do chúng tôi chủ động được giống, quy trình khép kín nên chi phí không cao", chị Hà nói.

Mỗi ngày, Công ty CP Nông sản Hưng Việt xuất khẩu khoảng 300 tấn rau, củ, quả sang 15 nước, gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Pháp... Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp cho các bếp ăn công nhân trong khu công nghiệp ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội mỗi ngày 30 tấn rau, củ, quả các loại.


Dưa Hokkaido 06 và dưa Hoa Kim HT-08 được Công ty TNHH Thương mại Cicimart giới thiệu tại lễ hội

Công ty TNHH Thương mại Cicimart ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) cũng có những loại rau quả rất đặc biệt như dưa Hokkaido 06 có xuất xứ từ Nhật Bản được trồng tại Hải Dương, dưa Hoa Kim HT-08, bí ngô, bầu, đỗ đen, củ cải Hà Lan... Chị Lê Thị Nguyệt, Giám đốc điều hành công ty cho biết: Doanh nghiệp hiện có hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng rau lấy lá, củ, quả ở xã Gia Lương (Gia Lộc). Ngoài ra, doanh nghiệp còn liên kết với nông dân trong và ngoài tỉnh trồng rau sạch để bán trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Gian hàng công nghệ duy nhất được Viettel chi nhánh Hải Dương giới thiệu đến khách hàng gồm sản phẩm du lịch ảo và kính thực tế ảo. Chiếc kính thực tế ảo của doanh nghiệp mang đến lễ hội được gắn với một chiếc điện thoại thông minh có thể giúp mọi người khám phá các khu du lịch từ xa dễ dàng.


Gian hàng công nghệ của Viettel chi nhánh Hải Dương được nhiều bạn trẻ khám phá

Gian hàng công nghệ thu hút rất đông các bạn trẻ đến trải nghiệm. Em Nguyễn Thị Khánh Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Thanh Hà cho biết em từng đến khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương nhưng chưa khám phá hết. Qua chiếc kính thực tế ảo, chỉ mất gần 30 phút, em đã khám phá những nơi của khu di tích.

Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018 đã khép lại thành công, mở thêm cơ hội để quảng bá quả vải đặc sản Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương đến người tiêu dùng trên cả nước và bạn bè quốc tế.

Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018 có 48 gian hàng trưng bày 50 mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, huyện Thanh Hà có 20 gian hàng. 11 huyện, thị xã, thành phố còn lại mỗi địa phương có 2 gian hàng và 6 gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản trong tỉnh.

Ban tổ chức cũng bố trí 6 gian nhằm phục vụ cho ký kết giao thương giữa các doanh nghiệp tiêu thụ và đại diện đơn vị sản xuất nếu đạt được thỏa thuận ngay tại lễ hội. Các cơ quan truyền thông, báo chí được sắp xếp 6 gian để có thể tác nghiệp thuận lợi.

PHƯƠNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Cháy" hàng nông sản tại Lễ hội vải thiều