Cháu bé thập tử nhất sinh do nhiễm tụ cầu vàng

28/11/2017 11:07

Cháu A. được chuyển lên tuyến trên, các bác sĩ kết luận bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.

Cháu A. phải trải qua 3 lần phẫu thuật và nhiều phác đồ điều trị mới bình phục

Sau khi được phẫu thuật viêm ruột thừa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tình trạng sức khỏe của cháu B.Q.H.A. (sinh năm 2009, ở phường Tân Bình, TP Hải Dương) xấu đi. Cháu A. được chuyển lên tuyến trên, các bác sĩ kết luận bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Cháu phải trải qua hơn 1 tháng điều trị với những lần phẫu thuật thập tử nhất sinh để giành giật sự sống.

Đối mặt với thần chết

Theo lời kể của chị P.T.H. (mẹ của cháu A.), khoảng 12 giờ ngày 27.9, cháu A. bị đau bụng. Gia đình đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được chẩn đoán viêm ruột thừa. Khoảng 21 giờ, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cho cháu A. Sau khi phẫu thuật, cháu A. tiếp tục nằm viện để theo dõi sức khỏe. Đến ngày 30.9, cháu A. bị sốt cao 39-39,5 độ C, dùng thuốc hạ sốt nhưng không giảm. Tối 30.9, cháu được chỉ định xét nghiệm nuôi cấy máu. Ngày 1.10, cháu A. dừng sốt, ngày 2.10 cháu được ra viện.

 Sau khi về nhà, sức khỏe của cháu A. không có dấu hiệu gì bất thường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh không có thông báo chính thức về kết quả xét nghiệm nuôi cấy máu của cháu A. Ngày 4.10, chị H. tình cờ biết kết quả xét nghiệm của con dương tính với vi khuẩn tụ cầu vàng (lúc này chị chưa biết về mức độ nguy hiểm của loại vi khuẩn này).

Ngày 5.10, cháu A. bị sốt trở lại, chị H. đưa con vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các bác sĩ kết luận cháu bị tràn dịch phổi và phải nhập viện trở lại. Lúc này, gia đình chị H. muốn đưa con lên tuyến trên nhưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định có thể chữa được bệnh cho con chị. Mãi sau bệnh viện mới đồng ý cho cháu A. chuyển viện.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã dùng những loại thuốc kháng sinh chuyên dành cho vi khuẩn tụ cầu vàng để điều trị cho cháu A. nhưng không hiệu quả. Ngày 9.10, bác sĩ thông báo tình trạng của cháu A. rất xấu. Cháu bị áp xe phổi, áp xe gan, viêm ruột do bị nhiễm tụ cầu vàng - một loại vi khuẩn kháng kháng sinh cực kỳ nguy hiểm. Loại vi khuẩn này nhiễm vào máu đi đến đâu sẽ tàn phá nội tạng đến đó và có thể dẫn đến tử vong. Sau đó, cháu A. đã phải trải qua các lần phẫu thuật xử lý áp xe phổi, áp xe gan và chọc hút dịch phổi. Lần phẫu thuật nào cháu A. cũng trong tình trạng thập tử nhất sinh. Các bác sĩ phải liên tục thay đổi phác đồ điều trị với những loại kháng sinh mạnh nhất để vô hiệu hóa vi khuẩn tụ cầu vàng. Các loại kháng sinh này đều phải mua ở nước ngoài với chi phí rất tốn kém. Đến ngày 25.10, cháu A. mới có dấu hiệu hạ sốt, sức khỏe dần có tiến triển tốt. Khoảng nửa tháng sau, cháu A. bình phục và được ra viện. Tuy nhiên, phổi phải của cháu bị xẹp, gan có vết sẹo lớn và ổ thâm nhiễm nên phải tiếp tục điều trị bằng thuốc. Cháu A. phải luyện tập phục hồi chức năng và sẽ mất từ 3-5 năm sức khỏe mới hồi phục hoàn toàn.

Đáng lo ngại

Theo chị H., bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định cháu A. trải qua 3 lần phẫu thuật thành công một phần do có nền tảng sức khỏe tốt. Khi đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngoài việc kết luận cháu bị viêm ruột thừa, các bác sĩ cũng không hề nói cháu A. có bất thường nào khác về sức khỏe. Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám không thấy trên người cháu A. có vết xước nào trong khi vi khuẩn tụ cầu vàng chủ yếu thâm nhập vào cơ thể qua vết xước và vết thương hở. Vì vậy, chị H. cho rằng có thể cháu A. đã bị nhiễm loại vi khuẩn này trong chính quá trình phẫu thuật viêm ruột thừa.

Chị H. thắc mắc tại sao Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành xét nghiệm nuôi cấy máu và đã có kết quả nhưng lại không thông báo chính thức về việc cháu A. đã bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Nếu như ngay khi có kết quả xét nghiệm nuôi cấy máu, bệnh viện thông báo cho gia đình chị H. biết và có các biện pháp điều trị, xử lý kịp thời thì có lẽ tình trạng bệnh tật của cháu đã không có những diễn biến phức tạp, khó lường và đe dọa đến tính mạng như vậy.

Vụ việc 4 trẻ sơ sinh tại tỉnh Bắc Ninh tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện đang làm nóng dư luận. Nhìn lại vụ việc của cháu A., dư luận cũng không khỏi lo ngại đến vấn đề nhiễm khuẩn ở các bệnh viện trong tỉnh. Gia đình chị H. và dư luận rất cần lời giải đáp chính thức từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cháu bé thập tử nhất sinh do nhiễm tụ cầu vàng