Châu bản triều Nguyễn là một bằng chứng khoa học cho thấy chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam.
Châu bản triều Nguyễn. (Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)
Ngày 14-5 vừa qua, tại Hội nghị toàn thể diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc), Tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận khối Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một bằng chứng khoa học cho thấy chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam.
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông và các cộng sự của Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng dày công nghiên cứu, góp phần làm cho giá trị khoa học của khối Châu bản này được biết đến rộng rãi ở trong nước và quốc tế.
- Thưa giáo sư, tại sao quốc tế lại đánh giá cao bản Châu bản triều Nguyễn?
- Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc: Châu bản Triều Nguyễn là những văn bản của Nhà nước và có dấu Châu phê bằng son đỏ của chính nhà vua và các loại ấn của triều đình. Đây là một văn bản chính thức của Nhà nước.
Châu bản triều Nguyễn gồm nhiều loại như là chiếu, khải, chỉ, tấu, quốc thư... Đó là nguồn sử liệu nguyên gốc vô cùng quý giá, phản ánh tư tưởng chính trị, chủ trương, chính sách của Nhà nước trong các hoạt động đối nội và đối ngoại. Đây là nguồn tài liệu nguyên gốc quý hiếm, duy nhất, độc bản còn giữ lại đến ngày nay. Đây không chỉ là tài sản vô giá đối với Việt Nam mà nó còn có giá trị nổi bật toàn cầu.
Đó là cơ sở quan trọng nhất để ngày 14-5, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu, ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tôi tin rằng một ngày không xa, Châu bản Triều Nguyễn sẽ trở thành di sản tư liệu thế giới.
- Giáo sư có thể nói rõ hơn ý nghĩa lịch sử và giá trị pháp lý của Châu bản Triều Nguyễn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam?
- Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc: Châu bản Triều Nguyễn là một tư liệu nguyên gốc và cao nhất của Nhà nước được làm ra trong quá trình hoạt động của Nhà nước. Khi nói đến chủ quyền quốc gia lãnh thổ thì bao giờ cũng nói chủ quyền quốc gia lãnh thổ được thực hiện bằng Nhà nước, bởi Nhà nước và do Nhà nước. Nếu nói về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, Châu bản này bao giờ cũng là tư liệu có giá trị cao nhất.
Trước đây, chúng tôi chưa hiểu lắm về Châu bản triều Nguyễn. Nhưng đến khoảng năm 1993-1994, khi Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho chúng tôi sứ mệnh làm chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về chủ quyền của Việt Nam về Trường Sa, Hoàng Sa thì Châu bản triều Nguyễn đã được nghĩ ngay đến như là một tư liệu quan trọng số một phải tiếp cận.
Châu bản triều Nguyễn có đến 773 tập, sau khi khai thác và đọc toàn bộ, chúng tôi đã tìm ra được 18 châu bản. 18 châu bản này là bộ báo cáo lên vua, báo cáo việc thực thi chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách hết sức cụ thể. Chẳng hạn như việc đưa người ra Hoàng Sa như thế nào, làm những công việc gì, giao việc cụ thể gì. Nhà vua xem những bản báo cáo và quyết định phê chuẩn, đánh giá công trạng, hạn chế của người thực thi các nhiệm vụ của Nhà nước lúc đó tại Hoàng Sa, Trường Sa, từ đó thưởng, phạt. Đó là những tài liệu độc nhất vô nhị ở khu vực Biển Đông. Không có nước nào có loại tư liệu này. Đây là tư liệu cao nhất của Nhà nước, thực thi chủ quyền bởi Nhà nước vì thế trở thành tư liệu di sản-ký ức đặc biệt quý giá.
Trong số những tư liệu mà chúng tôi tập hợp được ở cả trong nước và ngoài nước thì Châu bản triều Nguyễn là tư liệu quan trọng nhất. Đây là tư liệu gốc để các nhà sử học nhà Nguyễn biên tập bộ Đại Nam Thập lục. Đây cũng là bộ sách gốc, có giá trị chuẩn để nghiên cứu và có nhiều nội dung khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ lịch sử xa xưa. Độc bản này hiện được lưu trữ tại Đà Lạt và cũng được công nhận là Di sản tư liệu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Như vậy, những tư liệu quan trọng nhất nói về chủ quyền của Việt Nam về Trường Sa và Hoàng Sa đã được công nhận là Di sản tư liệu, ký ức của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
- Xin giáo sư cho biết ý nghĩa của thời điểm hiện nay Châu bản triều Nguyễn được công nhận tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương?
- Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc: Trong bối cảnh Trung Quốc vừa hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khu vực này trong các tài liệu Châu bản triều Nguyễn đã phản ánh rất rõ chủ quyền của Việt Nam.
Việc vào đúng thời điểm này, ngay tại Quảng Châu (Trung Quốc), Tổ chức UNSECO đã công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản ký ức, tư liệu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là việc làm rất có ý nghĩa. Bản thân Châu bản triều Nguyễn có giá trị rất cao và sự kiện vừa qua Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã làm tăng lên nhiều lần giá trị của bộ tư liệu Châu bản. Nó trở thành một cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền của chúng ta ở khu vực mà tổ tiên ta đã nhiều đời đổ bao xương máu để khẳng định chủ quyền của chúng ta.
- Giáo sư có thể cho biết thêm những bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Trường Sa và Hoàng Sa?
- Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc: Bằng chứng lịch sử có rất nhiều nhưng tôi muốn nhắc tới một bằng chứng gần đây nhất mà mọi người đều biết, đó là Bộ Atlas khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 13-5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ tiếp nhận và công bố Bộ Atlas thế giới khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Công ty cổ phần dược phẩm ECO trao tặng.
Các bản đồ của Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX trở về trước hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây, không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18, điều đó đồng nghĩa với việc khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Đây là Bộ Atlas thế giới hết sức nổi tiếng gồm có 381 tấm bản đồ chi tiết và 7 tấm bản đồ chung, phủ kín gần như toàn bộ quả địa cầu. Bộ Atlas được vẽ bằng phương pháp khoa học rất chi tiết, chính xác. Đó là bản nguyên gốc chưa hề bị sửa đổi, hay bị thay đổi.
Trong bản đồ này, tác giả vẽ rất rõ đảo Hoàng Sa với các tên đảo chính xác cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt quý trong bản đồ là một tấm đã được tác giả ghi rõ tấm bản đồ này là Bản đồ khu vực đằng trong (hay là khu vực miền Trung ở Việt Nam). Việt Nam có 4 tấm và gộp chung của 4 tấm lại gọi là nước Việt Nam (được người phương Tây gọi là Đế chế An Nam). Atlas đính luôn bản giới thiệu về Đế chế An Nam vào cạnh đảo Hoàng Sa, khẳng định Hoàng Sa là một bộ phận của khu vực đằng trong của Việt Nam, thuộc một phần của nước Việt Nam hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc.
TTXVN