Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu và việc Trung Quốc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nga, châu Âu đang tìm kiếm các đồng minh ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ.
Với hàng loạt hoạt động ngoại giao đã và đang diễn ra, các nhà lãnh đạo châu Âu đã gửi đi thông điệp rõ ràng về tầm quan trọng của khu vực đối với “chiến lược địa chính trị châu Âu”.
Thủ tướng Olaf Scholz vừa kết thúc chuyến công du đầu tiên đến châu Á kể từ khi lãnh đạo nước Đức hồi cuối năm 2021. Tuy nhiên không giống như người tiền nhiệm Angela Merkel, nhà lãnh đạo Đức đã không chọn Trung Quốc, mà thay vào đó là Nhật Bản.
Không chỉ Đức, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu thời gian qua cũng tăng cường các nỗ lực ngoại giao tại châu Á. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen dự kiến tuần tới sẽ có mặt tại Tokyo để đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh EU- Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên bộ đôi này cùng nhau tới Đông Á kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Liên minh châu Âu hồi cuối năm 2019.
Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia châu Á, cùng với Hàn Quốc và Singapore tham gia vào các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ nhằm vào Nga. Theo Cựu Đại sứ Liên minh châu Âu tại Nhật Bản Deitmar Schweisgut, mặc dù không thể so sánh với liên minh Nhật- Mỹ, song châu Âu vẫn đóng vai trò như một sự đảm bảo bổ sung đối với quốc gia châu Á.
Cùng với Nhật Bản, Ấn Độ cũng là một điểm đến ưu tiên của các nhà lãnh đạo châu Âu kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, với một loạt các chuyến thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo hai bên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen tuần trước đã tham dự Đối thoại Raisina, một sự kiện chính sách đối ngoại quan trọng ở Ấn Độ và đã gửi đi cảnh báo rõ ràng về “quan hệ đối tác không có giới hạn giữa Bắc Kinh và Moscow".
“Những gì xảy ra ở Ukraine sẽ có tác động đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và điều đó đã xảy ra. Các quốc gia hứng chịu hai năm đại dịch Covid-19 lại ngay lập tức phải đối phó với tình trạng gia tăng của các mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc, năng lượng và phân bón, hậu quả trực tiếp từ cuộc chiến tại Ukraine. Do đó, kết quả của cuộc chiến sẽ không chỉ quyết định tương lai của châu Âu mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới", bà Ursula Von Der Leyen nói.
Một cuộc xung đột bất ngờ tại châu Âu đã buộc Liên minh châu Âu phải có cách tiếp cận mới với Trung Quốc, đối tác dường như không thể phá vỡ của Nga. Trong 2thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường giàu tiềm năng của các tập đoàn đa quốc gia châu Âu, bất chấp những cảnh báo về đe dọa an ninh quốc gia hay tấn công mạng. Theo chuyên gia Janka Oertel tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, trong khi đối phó với cuộc chiến tại Ukraine, châu Âu cũng phải tiếp tục tập trung vào cách tiếp cận với khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, bởi vì tương lai của trật tự toàn cầu không chỉ được quyết định ở Ukraine.
Tuy nhiên, điều này là không hề dễ dàng. Bất chấp áp lực của châu Âu, Ấn Độ vẫn quyết tâm duy trì quan điểm trung lập và bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc về chiến dịch đặc biệt của Nga. Ấn Độ vẫn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn của Nga, trong khi giữa Ấn Độ và Liên minh châu Âu vẫn thiếu một hiệp định thương mại tự do có thể tạo sự gắn kết cho quan hệ hai bên.
Theo VOV