Chật vật vì thiếu phòng học

31/10/2018 10:00

Hiện nhiều trường trong tỉnh còn khó khăn về cơ sở vật chất rất cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành.


Để bảo đảm đủ phòng học cho trẻ, Trường Mầm non Hiệp An (Kinh Môn) phải ngăn đôi 7 phòng thành 14 phòng nên diện tích mỗi phòng không đủ theo quy định

Thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giúp các trường từng bước bảo đảm điều kiện dạy học. Tuy nhiên, ngoài số lượng trường học đạt chuẩn vượt chỉ tiêu thì vẫn còn không ít trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất.

Mượn địa điểm để học

Những năm qua, do số lượng trẻ tăng nhanh nên nhiều trường thiếu phòng học, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hết năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh còn khoảng 193 phòng học tạm, 299 phòng học bán kiên cố. Riêng bậc mầm non của tỉnh còn thiếu 350 phòng học. Không ít trường còn nhiều điểm lẻ phải sử dụng nhà văn hóa, nhà cấp 4 chật chội, xuống cấp, thiếu sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh... Cùng với đó, phần lớn các trường phải bố trí số lượng trẻ/nhóm, lớp vượt quy định.

Nhiều năm nay, hầu như năm nào Trường Mầm non Hiệp An (Kinh Môn) cũng tăng 1 - 2 lớp. Năm học này, trường có 20 nhóm, lớp với 533 trẻ. Để bảo đảm đủ phòng học cho trẻ, trường phải ngăn đôi 7 phòng thành 14 phòng. Do đó, mỗi phòng chỉ rộng 25 - 30 m2. Trong khi đó, số trẻ ở mỗi lớp khá đông, bình quân 30 trẻ/lớp. Trường còn thiếu 10 phòng học mới đủ diện tích và số trẻ/lớp theo quy định. 

Cũng vì tăng 2 lớp trong 2năm học gần đây nên Trường Tiểu học An Sinh (Kinh Môn) phải mượn nhà đa năng của UBND xã để bố trí 3 phòng học cho toàn bộ học sinh khối 4. Các phòng học này đều có các điều kiện cần thiết bảo đảm việc dạy học và an toàn cho học sinh. 

Năm học mới đã bắt đầu được 2 tháng. Trong 3 tháng hè, nhiều địa phương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số phòng học mới, song tình trạng thiếu phòng học vẫn xảy ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Sở Giáo dục và Đào tạo đang tổng hợp tình hình thiếu phòng học trong toàn tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, hiện TP Hải Dương còn thiếu 55 phòng học, huyện Kinh Môn thiếu 36 phòng, Kim Thành còn 9 lớp phải học nhờ ngoài nhà trường... Nhiều trường phải sử dụng phòng học cấp 4, phòng học tạm. Nhiều phòng học chưa bảo đảm điều kiện học tập và an toàn. 

Không chỉ thiếu phòng học, nhiều trường hiện không có nhà hiệu bộ, chưa đủ phòng bộ môn, phòng chức năng. Không ít trường có phòng làm việc của ban giám hiệu, tổ chuyên môn sử dụng nhà cấp 4 đã xuống cấp hay cải tạo lại nhà kho, khu vực nhà xe để làm việc. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Hưng (Kim Thành) cho biết: "Hiện nay, hệ thống phòng chức năng, phòng bộ môn của trường rất thiếu thốn. Ngoài phòng làm việc của hiệu trưởng, phòng y tế, phòng tin học có chỗ riêng, còn lại đều phải dùng chung. Nhưng phòng hiệu trưởng, phòng y tế cũng rất chật chội và ở dãy nhà cấp 4 đã xây từ hàng chục năm nay. Đặc biệt, thư viện của trường cũng là nơi làm việc của Phó Hiệu trưởng, nơi họp hội đồng sư phạm, các tổ chuyên môn". 

Ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục

Tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn đã tác động không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các trường và bảo đảm an toàn cho trẻ, học sinh.

Bà Vũ Thị Năm, Phó Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Bậc mầm non là đối tượng đặc biệt nên việc thiếu phòng chức năng và phòng học không bảo đảm yêu cầu ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục, an toàn cho trẻ. Những phòng học chật hẹp không chỉ làm cho giáo viên rất vất vả trong quản lý, chăm sóc mà rất khó tổ chức hoạt động học, vui chơi cho trẻ, nhất là hoạt động tập thể. Đặc biệt, ở những nơi học nhờ, học tạm do không được thiết kế, cải tạo theo quy chuẩn nên ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ".

Những trường thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành, sinh hoạt, học tập, trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn của cán bộ quản lý và giáo viên. Các trường sẽ rất khó thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng đồ dùng dạy học. Học sinh thiếu điều kiện để tiếp cận với phương pháp dạy học hiện đại, hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích nên ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện.

Từ thiếu thốn về cơ sở vật chất dẫn đến việc xây dựng và giữ danh hiệu trường chuẩn quốc gia gặp khó khăn. Nhiều trường lo lắng vì quy mô trường lớp tăng, trong khi đó cơ sở vật chất, đội ngũ không đáp ứng đủ dẫn đến số lượng trẻ, học sinh/lớp vượt quy định nên nguy cơ mất chuẩn rất cao. Ở những địa bàn điều kiện kinh tế còn hạn chế thì các trường rất khó đạt chuẩn. Ông Vũ Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Việt Hưng (Kim Thành) nhận định: "Trường tiểu học, THCS xã đặt chỉ tiêu đạt chuẩn từ nhiều năm nay nhưng chưa được. Nguyên nhân chính là nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực tại chỗ thì địa phương không có đủ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường. Thời gian tới, nếu xã thực hiện thành công việc đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 10 tỷ đồng thì cũng chỉ đủ đầu tư cho 1 trường, trường còn lại không biết lấy kinh phí ở đâu".

Hiện nay, một số trường đang được địa phương đầu tư xây dựng để khắc phục việc thiếu phòng học. Nhưng những trường ở nơi khó khăn rất mong nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp để có cơ sở vật chất bảo đảm yêu cầu.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Chật vật vì thiếu phòng học