Chật vật lo cơ sở hạ tầng

11/06/2014 05:04

Trong mở rộng thị phần, mỗi doanh nghiệp viễn thông không chỉ chịu sự cạnh tranh quyết liệt của các đơn vị khác mà còn gặp nhiều khó khăn khi thuê cơ sở hạ tầng.



Nhân viên Viễn thông Hải Dương lắp đặt dây cáp ngầm tại đường Đoàn Kết (TP Hải Dương)

Nhiều hệ lụy khi thuê

Tính đến hết tháng 5-2014, toàn tỉnh có gần 100 nghìn thuê bao truyền hình trả tiền, hơn 131 nghìn thuê bao di động trả sau và hàng trăm nghìn thuê bao di động trả trước. Để mở rộng mạng lưới dịch vụ, các doanh nghiệp không ngừng đầu tư nâng cấp và xây dựng mới trạm thu phát sóng (BTS), lắp đặt dây cáp truyền dẫn, đổi mới công nghệ hiện đại... Nhưng do không có cơ sở hạ tầng riêng nên các doanh nghiệp đều phải thuê hệ thống cột điện và mặt bằng đặt trạm BTS với chi phí... không hề rẻ.

Tỉnh ta hiện có 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (THC) hữu tuyến là Công ty TNHH một thành viên THC Hải Dương và Công ty TNHH THC Saigontourist (SCTV). Năm 2013, các doanh nghiệp buộc phải thuê gần 64 nghìn cột điện của Điện lực Hải Dương để kéo dây cáp tới các địa bàn. Mạng lưới cáp truyền hình càng mở rộng thì chi phí thuê cột điện càng tăng. Tùy theo độ cao của cột điện mà giá thuê từ 20 - 120 nghìn đồng/cột/tháng. Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên THC Hải Dương cho biết: “Bình quân mỗi năm, công ty phải bỏ ra hơn 4 tỷ đồng thuê cột điện để treo dây cáp truyền hình. Việc mở rộng mạng lưới dịch vụ và phát triển thuê bao mới cũng gặp nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng”.

Toàn tỉnh ta có 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trên in-tơ-nét là Viễn thông Hải Dương (VNPT) và Công ty CP Viễn thông FPT Hải Dương. Hiện nay, VNPT Hải Dương đang cung cấp các dịch vụ: mạng di động Vinaphone, điện thoại cố định, truyền hình MyTV, mạng in-tơ-nét VNPT. Ngoài dịch vụ mạng di động đang thuê mặt bằng để đặt nhà trạm thì các dịch vụ còn lại của VNPT Hải Dương đều phải thuê cột điện để treo dây cáp.

Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mãi nhưng chi phí thuê cột điện ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh. Điện lực Hải Dương yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải hạ thấp hệ thống dây cáp để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, ngành giao thông lại yêu cầu nâng dây cáp lên khiến doanh nghiệp viễn thông nhiều lúc rơi vào tình huống... khó xử.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.000 trạm BTS đang đặt tại các công trình của Nhà nước hoặc tư nhân. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, bức xạ sóng điện từ của trạm BTS sẽ gây hại tới sức khỏe nên không cho doanh nghiệp thuê mặt bằng hoặc cản trở việc lắp đặt. Do đó, nhà mạng phải mất rất nhiều thời gian để tuyên truyền, giải thích và thuyết phục người dân hợp tác. Ông Lê Văn Hinh, Giám đốc Chi nhánh Mobifone Hải Dương cho biết: “Mobifone Hải Dương hiện có khoảng 300 trạm BTS đặt thuê tại nhà dân, công trình công cộng và VNPT Hải Dương. Trong quá trình lắp đặt, nhiều lúc chúng tôi gặp sự phản đối của một số người dân do chưa nhận thức đầy đủ về tính chất của trạm BTS. Mặc dù đã tuyên truyền, giải thích nhưng một số người không hợp tác nên chúng tôi phải chuyển sang vị trí lắp đặt khác”.

Cần đầu tư lâu dài

Hiện nay, hầu hết các dịch vụ viễn thông sử dụng mạng ngoại vi đều phải thuê hạ tầng. Mạng ngoại vi gồm hệ thống cáp sợi đồng, sợi quang treo nổi hoặc chôn dưới đất. Trước sức ép của giá thuê cột điện cao, các doanh nghiệp viễn thông hướng tới ngầm hóa hệ thống cáp truyền dẫn nhưng đến năm 2013, tỷ lệ này mới đạt hơn 20%. Trong đó, VNPT Hải Dương có tỷ lệ cáp ngầm hóa nhiều nhất (36%), Viettel và FPT chưa đến 1%. Thời gian tới, Chi nhánh Viettel dự kiến xây dựng 4 tuyến ngầm hóa mạng ngoại vi với tổng chiều dài 19,5 km tại TP Hải Dương và huyện Nam Sách. Ngầm hóa mạng ngoại vi nhằm nâng cao hiệu quả mạng lưới và bảo đảm mỹ quan đô thị nhưng kinh phí đầu tư lớn, thậm chí cao gấp nhiều lần so với chi phí thuê hạ tầng. Ngầm hóa cũng đòi hỏi sự chính xác về các yếu tố kỹ thuật như độ sâu, khoảng cách, đường đi, phụ thuộc hệ thống cống ngầm… nên cũng cần đầu tư nhiều thời gian và công sức.

Một trong những biện pháp nhằm giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông là dùng chung cơ sở hạ tầng. Thay vì đầu tư xây dựng trạm BTS mới với chi phí cao, các nhà mạng nhỏ như: Mobifone, Gmobile, S-fone và Vietnamobile đều thuê trạm BTS của Viettel hoặc VNPT Hải Dương. Toàn tỉnh có 228 trạm BTS dùng chung giữa các nhà mạng, chiếm hơn 20%. Theo Quy hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông thụ động và truyền dẫn phát sóng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến 2025, dự kiến đến năm 2020 tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động tăng 80% so với năm 2013, tỷ lệ thuê bao in-tơ-nét đạt 25 thuê bao/100 dân. Với sự phát triển đó, đòi hỏi hệ thống hạ tầng phải được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp thường xuyên. Theo đó, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ ngầm hóa 60% mạng ngoại vi.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông mở rộng mạng lưới dịch vụ và phát triển thuê bao mới, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản, quy chế hướng dẫn về ngầm hóa mạng ngoại vi, tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng, khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng mạng thông tin di động, mạng ngoại vi ứng dụng các công nghệ hiện đại… Sở cũng tăng cường tuyên truyền tới người dân về vai trò của các trạm BTS trong phát triển viễn thông và kinh tế - xã hội. Khi thi công lắp đặt trạm BTS, các nhà mạng cần thực hiện chính xác và đầy đủ các yếu tố kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho người dân.

LÊ XUYỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chật vật lo cơ sở hạ tầng