Sáng 12-11, Quốc hội họp tại hội trường bắt đầu phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
Nóng vấn đề hàng tồn kho, giá xăng dầuBộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn đầu tiên với hàng loạt câu hỏi của các đại biểu liên quan đến hàng tồn kho, xăng dầu, chất lượng hàng nông sản, dự án thủy điện...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về trách nhiệm của Bộ Công thương trong vấn đề quy hoạch, năng lực sản xuất yếu kém dẫn đến hàng tồn kho xây dựng còn nhiều và doanh nghiệp Việt đang "thua" ngay trên sân nhà, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết giải quyết hàng tồn kho là vấn đề cấp bách đã được Chính phủ, Quốc hội đưa vào tại kỳ họp thứ 3 và đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến ngày 1-10, số lượng hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế tạo còn khoảng 20%, giảm 6% so với thời điểm ngày 1-6. Tồn kho mặt hàng này cũng giảm so với cùng thời điểm năm 2011 và 2010. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp để giải phóng các mặt hàng sắt thép, than đá, phân bón... tồn kho. Riêng về tồn kho vật liệu xây dựng, bất động sản, Chính phủ sẽ đẩy mạnh các dự án đầu tư công để giải phóng.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng tồn kho như trên ngoài việc thị trường sụt giảm còn do yếu kém trong khâu quy hoạch, dự báo và một phần hạn chế của doanh nghiệp chưa chủ động trong sản xuất.
Tại phiên chất vấn, rất nhiều đại biểu tập trung xoáy mạnh vào vấn đề xăng dầu không đạt tiêu chuẩn, cơ chế điều hành xăng dầu chưa phù hợp, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” và cơ quan chức năng liệu có hạn chế được vấn đề này trong năm tới? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận cơ chế điều hành xăng dầu về tăng, giảm giá còn nhiều bất cập liên quan đến Nghị định 84 và điều này gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc quản lý chất lượng xăng dầu được đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công thương trong thời gian tới.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: "Giá xăng dầu thường lên nhanh, giảm chậm, nhưng ngày 11-11, giá xăng giảm 500 đồng/lít. Việc giảm này là ngẫu nhiên hay là sự phối hợp giữa hai Bộ Tài chính, Công thương trước phiên chất vấn?". Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi giá thế giới giảm thì giá trong nước cũng sẽ giảm theo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bổ sung: "Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng, giảm 12 lần, trong đó có 6 lần giảm và 6 lần tăng. Cái hay là giá giảm thường rơi vào trước kỳ họp Quốc hội". “Trong 5 lần giảm giá trước có tới 3 lần giảm trước kỳ họp Quốc hội. Anh em trong tổ điều hành giá xăng dầu thường đùa mỗi khi Quốc hội họp là giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định nếu có điều kiện giảm là chúng tôi giảm ngay chứ không cần phải đợi”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về xăng dầu tạm nhập tái xuất, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận vừa qua có hiện tượng lợi dụng kẽ hở “tạm nhập tái xuất” để trục lợi, buôn lậu và không nộp thuế cho Nhà nước.
Về việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) “lỗ nặng, lương cao”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói chưa nhận được báo cáo chính thức của Kiểm toán Nhà nước mà cũng chỉ biết thông tin qua báo chí. Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2011, Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng, còn lương bình quân tại tập đoàn trên 6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011 lương bình quân của Chủ tịch Tập đoàn là 58 triệu đồng/tháng, Ủy viên HĐQT là 42 triệu đồng, Trưởng Ban Kiểm soát 41 triệu đồng và Phó Tổng giám đốc 40 triệu đồng/người/ tháng. Mức lương này cũng đã giảm khá nhiều so với mức trung bình của năm 2010 (năm Petrolimex có lãi). Theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, vấn đề lương, thưởng tại Petrolimex sẽ được các thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành có liên quan tiếp tục làm rõ.
Cũng như những lần chất vấn trước, vấn đề xuất khẩu gạo cũng được nhiều đại biểu quan tâm và đặt nhiều câu hỏi. Đại biểu Trần Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay dẫn đầu thế giới nhưng giá xuất khẩu còn thấp do chưa có thương hiệu. “Ngành công thương đã làm gì và đến bao giờ gạo Việt Nam mới có thương hiệu vững chắc?”, bà Bé chất vấn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, năm nay dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu 7,5 - 7,6 triệu tấn gạo. Lý do gạo Việt Nam xuất khẩu còn thấp so với Thái Lan là do chủng loại gạo chưa tốt, điều hành xuất khẩu còn hạn chế, xuất hiện một số nước bán giá thấp gây áp lực đối với giá xuất khẩu. Để kéo giá gạo xuất khẩu lên cao, vừa qua, Chính phủ đã chủ động ký nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn. Mới đây là hợp đồng xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo (giao hàng đến hết năm 2013) cho In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và nửa triệu tấn cho Ma-lai-xi-a. Ngoài ra, để gạo xuất khẩu được giá, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết cũng cần sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xúc tiến thương mại. Đây là vấn đề mà Việt Nam đang có ít kinh nghiệm.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, từ năm 2005 - 2010, mỗi năm Chính phủ dành ra 105 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại. Năm nay, Chính phủ dành ra khoảng 100 tỷ đồng cho việc xúc tiến mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Tập đoàn Sông Đà và số tiền vi phạm hơn 10 nghìn tỷ đồngSau phần trả lời vắn tắt về thất thoát xây dựng và "gỡ băng" thị trường bất động sản, phiên chất vấn của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng bắt đầu nóng với loạt câu hỏi về sai phạm ở Tập đoàn Sông Đà. Nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thông tin về việc xử lý sai phạm ở Tập đoàn Sông Đà, đặc biệt trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm tài chính gây thất thoát hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng
Về vấn đề này, người đứng đầu ngành xây dựng cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận với từng tổ chức và cá nhân. Với Chủ tịch Tập đoàn Dương Khánh Toàn, Ủy ban kết luận là không kỷ luật. "Qua kiểm tra, đánh giá vi phạm thì thấy không đến mức phải xử lý kỷ luật", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích. Thanh tra Chính phủ cũng đã lập đoàn thanh tra và kết luận về các sai phạm tại đây. Theo đó, "số tiền hơn 10 nghìn tỷ đồng là do có những vấn đề về nguyên tắc chứ không phải tiền thất thoát. Số tiền này không phải đã mất đi mà là do vi phạm nguyên tắc", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Làm rõ vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, sau đợt thanh tra đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã gửi kết luận lên Thủ tướng Chính phủ. Tháng 9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Vi phạm tài chính ở đây lên tới 10 nghìn 676 tỷ đồng, gồm gần 50 khoản mục cụ thể, xoay quanh 5 nhóm chính. Đó là sử dụng quỹ sắp xếp doanh nghiệp sai mục đích, không hạch toán vốn nhà nước khi cổ phần hóa, không tính dự phòng tổn thất, đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ và chậm nộp ngân sách 30 tỷ đồng.
Theo người đứng đầu Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Sông Đà sau khi nhận kết luận thanh tra đã có phương án khắc phục sai phạm khoảng 5.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại hiện đang chờ ý kiến các bộ. Nhưng việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân thì chưa làm.
Liên quan đến câu hỏi về tình trạng thất thoát trong xây dựng cơ bản, điển hình là vụ đổ tháp truyền hình ở Nam Định, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, thiệt hại sơ bộ ước tính khoảng 50 tỷ đồng. "Đây là tháp được mua từ nước ngoài về. Nhưng Bộ vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân tháp đổ. Chúng tôi đang chỉ đạo cơ quan chức năng của Nam Định làm rõ nguyên nhân, có thể do thiết kế tháp sai, do nhà thầu thi công lắp ráp chưa đúng quy định...".
Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, những công trình sắp tới ngày càng có chất lượng tốt hơn. "Sự cố xảy ra với công trình dân tự xây là chủ yếu. Còn với công trình bằng vốn Nhà nước, vốn trọng điểm quốc gia thì ít có sự cố. Tất nhiên là có chuyện sai phạm như ở cầu Cần Thơ, Thủy điện Sông Tranh, tháp truyền hình Nam Định nhưng không phải chiếm tỷ lệ lớn", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Hôm nay 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp tục trả lời chất vấn. Tiếp đó, theo dự kiến, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ đăng đàn. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân theo dõi.
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)