Dù đây là phiên chất vấn đổi mới đầu tiên nên cần phải qua thực tế để đánh giá, nhưng bước đầu đã tạo được sự đột phá trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu trong phiên chất vấn sáng 1.11. Ảnh: TTXVN
Trong những kỳ họp gần đây, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được chú trọng hơn, chất lượng và hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, hoạt động chất vấn đã có sự đổi mới toàn diện theo tinh thần “hỏi ngắn, đáp gọn”.
Các điểm mới của hoạt động chất vấn tại kỳ họp này là: sau khi các báo cáo của Chính phủ được trình bày, các đại biểu Quốc hội không thảo luận riêng từng báo cáo mà dành toàn bộ thời gian để hỏi và đáp; không quy định danh sách cứng số bộ trưởng ngồi “ghế nóng”, đại biểu có thể chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ; không chất vấn theo nhóm vấn đề mà đi thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đều phải trả lời; Thủ tướng Chính phủ chỉ báo cáo làm rõ thêm vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ vào cuối phiên; thời gian dành cho hỏi 1 phút, trả lời 3 phút và tranh luận trong 2 phút.
Những điểm mới của phiên chất vấn trong kỳ họp này có nhiều ưu điểm. Câu hỏi chất vấn ngắn gọn, dể hiểu, rõ ràng, trúng vấn đề, thẳng thắn; lựa chọn những vấn đề vì lợi ích của số đông quần chúng trong xã hội để hỏi và yêu cầu trả lời, không tập trung truy cứu trách nhiệm, không nặng về ý kiến cá nhân, chỉ chọn một vấn đề để chất vấn sâu. Người bị chất vấn trả lời ngắn gọn, rõ ràng, tập trung vào vấn đề được hỏi, không trả lời vòng vo hay xem đây là một cơ hội để giải trình về những khó khăn hoặc báo cáo thành tích của bộ, ngành mình; nắm chắc vấn đề được chất vấn, mạnh dạn nhận trách nhiệm. Trong 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đã thể hiện rõ những ưu điểm nổi bật đó, được các đại biểu hào hứng, đa số cử tri đồng tình, tin tưởng.
Dù đây là phiên chất vấn đổi mới đầu tiên nên cần phải qua thực tế để đánh giá, nhưng bước đầu đã tạo được sự đột phá trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Để thực hiện tốt việc chất vấn của mình, các đại biểu cần rèn luyện một số kỹ năng như: phân tích, tổng hợp, tư duy, diễn đạt, xác định vấn đề; kỹ năng phát triển vấn đề và kiểm soát tình huống khi chất vấn... Kỳ vọng với tinh thần đổi mới, các kỳ họp của Quốc hội ngày càng có những thay đổi tích cực để đưa ra các quyết sách và thực thi để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Trường Chính trị tỉnh)