"Chất thép" trong thơ Hồ Chí Minh

19/05/2019 10:06

Đặc điểm lớn nhất trong thơ Hồ Chí Minh là mang “chất thép” của thời đại cách mạng vô sản, đó là “chất thép” của ý chí cách mạng tiến công và niềm tin thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời là người đặt nền móng vững chắc đầu tiên cho thi ca cách mạng Việt nam. Với hàng nghìn tác phẩm báo chí, văn chính luận và 250 bài thơ, nhưng không bao giờ Người nhận mình là nhà thơ, nhà văn. Bác làm thơ chỉ nhằm mục đích tuyên truyền cho nhiệm vụ cách mạng, nhưng chính thực tế phong phú, sinh động của đời sống cách mạng đã tạo ra cảm hứng đẹp trong thơ của Người.

Đặc điểm lớn nhất trong thơ Hồ Chí Minh là mang “chất thép” của thời đại cách mạng vô sản, đó là “chất thép” của ý chí cách mạng tiến công và niềm tin thắng lợi. Người khẳng định “chất thép” được xem như là nhân tố hàng đầu của nội dung và thi pháp hiện đại. Trong “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Người viết:

                             “ Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp

                               Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông

                              Nay ở trong thơ nên có thép

                              Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Với quan niệm như vậy nên trong thơ Hồ Chí Minh dù được viết trong hoàn cảnh nào: nhà tù, trong rừng núi chiến khu Việt Bắc, hay trên cương vị Chủ tịch nước thì đều mang “chất thép” chiến đấu. Thơ Hồ Chí Minh với nhiều loại hình thơ ca: thơ tuyên truyền, thơ chúc mừng, thơ gửi tặng… sáng tác ra trong những văn cảnh khác nhau, nhưng phản ánh một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn của người chiến sĩ cộng sản, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất… Đồng chí Trường Chinh đã khẳng định: “Trong thơ của Hồ Chủ Tịch, mỗi câu mỗi chữ đều mang chất thép, đều toát ra tư tưởng, tình cảm của một chiến sĩ vĩ đại”.

 “Nhật ký trong tù” là tập thơ lớn của Hồ Chí Minh thể hiện tấm lòng người chiến sĩ cách mạng vượt lên mọi thử thách trong cảnh tù đầy, thể hiện mãnh liệt khát vọng tự do trong hoàn cảnh mất tự do, trân trọng, yêu thương con người khi con người bị đọa đầy đau khổ. Những bài thơ ghi lại chân thực tình cảm hằng ngày mà biết bao tâm huyết sâu nặng với dân với nước. “Chất thép” ở đây thể hiện rất đa dạng, nhiều bài thơ, câu thơ “chất thép” không thể hiện trực tiếp:

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Để tìm "chất thép" trong bài thơ này phải tìm từ cảm hứng, tức là làm thơ trong hoàn cảnh ở trong tù bị kìm kẹp khổ cực, nguy hiểm nhưng vẫn có cảm hứng làm thơ, thể hiện sự ung dung và tinh thần của người cách mạng, đó là tinh thần cách mạng tiến công.

Những vần thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh giục giã khí thế chiến đấu của dân tộc, có tầm nhìn xa, thấy rộng, phân tích sáng suốt mọi tình huống và luôn mang theo tinh thần lạc quan cách mạng. Người có cảm hứng với tương lai, đoán định và tin tưởng ở ngày mai, chính Người là hiện thân cho tương lai:

“Trong ngục giờ đây còn tối mịt,

Ánh hồng trước mặt đã bừng soi”

Thơ của Hồ Chí Minh là đỉnh cao thanh khiết của tâm hồn cao thượng, mang vẻ đẹp của ánh mặt trời. Chất liệu thi ca trong thơ Người không phải bao giờ cũng là những cảnh tươi đẹp, mà có cả những chuỗi ngày trong tù ngục với những đêm mất ngủ, ngày thiếu ăn, tiếp xúc với nhiều loại người phức tạp trà trộn dưới đáy sâu của xã hội. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, gian truân vất vả, hay trong cảnh đời gió bụi thì tâm hồn Người vẫn sáng trong. Thơ Hồ Chí Minh phản ánh nhiều mặt bản chất của hiện thực cách mạng trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Nhưng vượt lên tất cả là “chất thép” trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khí thế sục sôi cách mạng của quần chúng, cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu thanh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người  Thơ của Người phản ánh sâu sắc khí thế cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, là bức tranh miêu tả và tạo ra không khí giục giã khẩn trương, là lời kêu gọi hành động như: “Bài ca du kích”; “Bài ca công nhân”; “Dân cày”; “Ca đội tự vệ”… Với những bài thơ đó, chúng ta không còn phân biệt được lời thơ, khúc hát hay mệnh lệnh chiến đấu. Thơ bừng lên, tỏa sáng, vẻ đẹp và chính những lời thơ của Người đã xuống đường hòa trong dòng thác đấu tranh của quần chúng trong Cách mạng Tháng Tám. Những bài thơ cách mạng động viên quần chúng kết đoàn đấu tranh vì độc lập tự do của Người đã chỉ ra sứ mệnh cao đẹp nhất, sức mạnh cụ thể mà thi ca có thể đảm nhiệm như một trách nhiệm tin cậy. Trong kháng chiến, Người có nhiều vần thơ đầy sức mạnh cỗ vũ như là “Đăng sơn” với lời thơ hào hùng, như một thiên tráng ca, ca ngợi sức mạnh và khí thế quân ta:

                                     “Chống gậy lên non xem trận địa

                                    Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây,

                                    Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu đẩu

                                    Thề diệt xâm lăng lũ sói cày”

Thơ Hồ Chí Minh còn dạy cho ta bài học về xây dựng con người. Sự rèn luyện gian khổ, thậm chí đến đau đớn để gạt bỏ con người cũ, để chắt lọc ra “chất thép":

                               "Gạo đem vào giã bao đau đớn,

                                  Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

                                  Sống ở trên đời người cũng vậy

                                  Gian nan rèn luyện mới thành công”

Đọc thơ của Bác, khiến chúng ta như đứng trước tấm gương trong, những suy nghĩ chật hẹp, những lo toan nhỏ nhặt như tạm lắng xuống và được quên đi. Người cũng ít chú ý và không nói tới mình, càng trở nên vị tha, cao thượng biết bao. Người càng giản dị, gần gũi, yêu thương mọi người, tấm lòng của Người càng bao la, rộng mở. Thơ của Người thể hiện sâu sắc, người chiến sĩ cộng sản mang tinh thần thép nhưng lại chứa chan tình cảm và thấm đẫm tình người.

“Chất thép” trong thơ Hồ Chí Minh được thể hiện vừa trực tiếp, vừa ẩn vào bên trong. Phong cách thơ thể hiện “chất thép” nhưng không phải là thép, Người chiến sĩ trong thơ không phải là chiến sĩ mà là thi sĩ. Thơ của Người đã thể hiện một phong cách hết sức độc đáo, bởi vậy, làm cho thơ của Người trở lên vĩ đại, mang phong cách một nhà văn hóa lớn của nhân loại.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Chất thép" trong thơ Hồ Chí Minh