Sáng 12.12, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe báo cáo của lãnh đạo một số sở, ngành.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Sở Xây dựng
Các đại biểu HĐND nghe ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo kết quả việc chỉ đạo về đảm bảo chất lượng nguồn nước và cung ứng nước sạch cho nhân dân theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 9.12.2016 của HĐND tỉnh. Theo báo cáo, đến hết tháng 11.2017, toàn tỉnh đã có 18 công trình khai thác nước sông nội đồng để sản xuất nước sạch chuyển sang sử dụng nước sông lớn hoặc mua nước qua đồng hồ tổng. Tuy nhiên, vẫn còn 9 trạm cấp nước chưa chuyển đổi nguồn nước, gồm 4 trạm của Tứ Kỳ, 2 trạm của Gia Lộc, 2 trạm của Thanh Miện và 1 trạm của Thanh Hà. Các trạm này sử dụng nguồn nước của các sông Cửu An, Đĩnh Đào, Sông Sặt và Sông Hương. Các con sông này đang bị ô nhiễm, chất lượng nguồn nước không bảo đảm.
Đến hết tháng 10.2017, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn Hải Dương đã xét nghiệm 581 mẫu nước thành phẩm tại bể chứa công trình và vòi nước hộ gia đình. Qua xét nghiệm, có 97% số mẫu bảo đảm tiêu chuẩn, 3% số mẫu chưa đạt một số chỉ tiêu về độ đục, hoặc dư lượng clo..., tuy nhiên chưa đến mức gây ảnh hưởng cho sức khỏe.
Gần 50% số dự án phải điều chỉnh quy hoạch
Tiếp đó, HĐND tỉnh nghe ông Phạm Quang Hưng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Công tác lập, triển khai, điều chỉnh, quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng các khu đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016”.
Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh có 46 dự án khu đô thị mới, khu dân cư mới được phê duyệt và triển khai thực hiện với tổng quy mô hơn 1281 ha. Việc lập, điều chỉnh, trình phê duyệt và triển thực hiện các quy hoạch bảo đảm theo quy trình và căn cứ pháp lý và nhu cầu thực tiễn phát triển của các địa phương, góp phần cải tạo cảnh quan đô thị, tạo thêm không gian ở và khai thác quỹ đất hiệu quả. Chính quyền các cấp và các chủ đầu tư thực hiện công khai các quy hoạch tương đối đầy đủ.
Qua điều tra xã hội học cho thấy, 72% hộ dân được hỏi cho rằng thông tin về quy hoạch các dự án mà hộ biết là do cơ quan nhà nước cung cấp, công bố. Trong đó, có 66,6% cho rằng đã bảo đảm công khai, minh bạch; 24,5% cho rằng việc công bố thông tin tuy công khai nhưng chưa minh bạch. Cũng trong giai đoạn này, qua 190 cuộc thanh tra, kiểm tra 272 đơn vị của ngành xây dựng, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 1.665 triệu đồng, thu hồi 3.067 triệu đồng và đề nghị giảm trừ quyết toán 38 tỷ đồng. Các kiến nghị của Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh khóa XV về nội dung này đã được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo kịp thời.
Tuy nhiên, qua giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế như: Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, có nơi phải điều chỉnh nhiều lần. Chất lượng lập dự án quy hoạch xây dựng một số khu dân cư, khu đô thị mới còn thấp, thiếu tính hiện đại. Việc đấu nối hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước còn chậm. Đa số các dự án chậm tiến độ. Có 22 trong tổng số 46 dự án phải điều chỉnh, trong đó, một số dự án trong thời gian ngắn điều chỉnh rất nhiều lần. Có tình trạng nhà thầu thi công cố tình kéo dài thời gian thực hiện dự án để trì hoãn các thủ tục thanh quyết toán với ngân sách nhà nước.
Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề về công tác nghiệm thu, quyết toán và bàn giao các khu đô thị trên địa bàn tỉnh; xác định nhiệm vụ nghiệm thu quyết toán toàn bộ khu đô thị phía Tây, khu đô thị Hà Hải TP Hải Dương hoàn thành trong năm 2018 là một tiêu chí phát triển kinh tế xã hội của năm 2018. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm soát, thẩm định chặt chẽ quy trình, thủ tục chấp thuận đầu tư; phân cấp mạnh hơn cho chính quyền cấp huyện trong quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý dự án, cấp phép xây dựng.
NHÓM PV