Nhiều trạm quan trắc cho kết quả đo chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu. Ứng dụng IQAir sáng 3/12 xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới.
Sau một ngày không khí trở lại ngưỡng tốt và trung bình do tác động của mưa kèm gió mùa, sáng 3/12, bầu trời Hà Nội tiếp tục bị bao phủ lớp sương và bụi mịn.
Lúc 9 giờ, điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hiển thị chỉ số AQI là 167, mức không khí xấu.
Đáng chú ý chỉ số này đang có xu hướng tăng nhanh trong 4 giờ gần đây.
Lúc 6 giờ cùng ngày, AQI của Hà Nội được Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường ghi nhận là 133, sau đó tăng lên lần lượt là 151, 162 và đạt 167 lúc 9 giờ.
Với chỉ số ô nhiễm không khí trên, cơ quan này cảnh báo những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.
Trong khi đó trang thông tin kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ hiển thị chỉ số AQI của Hà Nội là 167, mức có hại cho sức khỏe.
Đặc biệt, điểm đo ở Trường quốc tế Liên Hợp Quốc (quận Tây Hồ) sáng nay AQI đạt ngưỡng cao nhất toàn thành phố là 181.
Trong khi đó AirVisual sáng nay thời điểm 7-8 giờ xếp Hà Nội đứng thứ 3 trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ xếp sau 2 thành phố Karachi và Lahore (Pakistan) với chỉ số 182.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng thời gian qua, mới đây Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành văn bản đề nghị sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn.
Theo cơ quan này, kết quả quan trắc chất lượng không khí tại nhiều điểm thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Hà Nội đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… trong không khí rất lớn cũng góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5.
Do vậy Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị cần thực hiện ngay một số giải pháp.
Tăng cường tần suất quan trắc không khí, vận hành các trạm quan trắc liên tục đồng thời công bố kết quả trên cổng thông tin điện tử để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể tiếp cận và đưa tin khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm có hoạt động ngoài trời vào 5-7 giờ sáng và 14-19 giờ tối.
Tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải, đặc biệt là nguồn từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, khu vực công trình xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Đồng thời cơ quan này đề nghị các sở tài nguyên và môi trường báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, xã vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải; chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh…
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng (trưởng khoa bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi trung ương) cho biết trong những thời điểm ô nhiễm không khí, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp không nên đi ra đường.
Kể cả những hoạt động ngoài môi trường như tập thể dục buổi sáng, đi dạo buổi chiều đều không tốt cho sức khỏe.
"Với những người bình thường nói chung, khi bắt buộc phải lưu thông trên đường, nên tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt. Dù bụi PM2.5 (bụi mịn) khẩu trang thông thường không thể phòng tránh được, nhưng khẩu trang sẽ hạn chế phần nào bụi khói khi bạn lưu thông.
Những người bệnh mạn tính, tim mạch, hô hấp hoặc người có bệnh nền nếu thấy bất cứ triệu chứng ho, khó thở tăng lên, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám", trưởng khoa bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi trung ương khuyến cáo.
Theo Tuổi trẻ