Chất lính trên thương trường

27/01/2012 22:06

Họ đã khắc phục khó khăn, vươn lên trở thành những doanh nhân thành đạt.


Những lúc thư giãn của cựu chiến binh Hoàng Phi Thường

Dám nghĩ dám làm

Hai lần bị thương, mất 81% sức khỏe, tưởng rằng cựu chiến binh (CCB) Hoàng Phi Thường ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) sẽ cam chịu. Nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, khi sức khỏe hồi phục, ông Thường quyết tâm thi đỗ vào đại học và được cử sang Liên Xô đào tạo. Về nước, ông công tác ở một đơn vị kỹ thuật ở Bộ Quốc phòng, sau đó chuyển ngành về Cục Thuế tỉnh. Với bản tính năng động, năm 1994, ông xin nghỉ hưu trước tuổi và thành lập Xí nghiệp Thương mại, du lịch và xây dựng 27-7. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", thời gian đầu, xí nghiệp chủ yếu hoạt động kinh doanh du lịch. Làm ăn có lãi, tích lũy được vốn, kinh nghiệm, ông mở thêm hoạt động mua bán ô-tô, dịch vụ vận tải và xây dựng.

Trở về quê hương với 61% sức khỏe bị mất, mong muốn gia đình có đời sống kinh tế ổn định, CCB
Trên thương trường, những người lính năm xưa cũng luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Họ đã khắc phục khó khăn, vươn lên trở thành những doanh nhân thành đạt.
Hoàng Trung Thành ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) lại tìm cách đi cho riêng mình. Ông lăn lộn, bươn trải nhiều nơi học nghề cơ khí thủy lợi, kỹ thuật chế tạo máy. Năm 1999, ông Thành thành lập Công ty TNHH Cơ khí chế tạo máy và cơ điện, xây dựng thủy lợi Hà Thành, chuyên sản xuất máy bơm nước, máy đóng mở, nâng hạ cánh cống, đường ống cấp, thoát nước. Để mở rộng thị trường, ông cất công hàng tháng trời vào miền Trung, miền Nam tìm khách hàng, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Hiện nay, công ty của ông sản xuất thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ cho công trình thủy lợi, thủy điện.

Cũng như bao nữ dân quân du kích, kết thúc chiến tranh, CCB Lê Thị Minh ở thị trấn Kinh Môn (Kinh Môn) xây dựng gia đình, tham gia sản xuất tại quê hương. Đến nay, bà đã có 40 năm gắn bó với nghề sản xuất vôi. Nhìn hòn đá, bà có thể biết sẽ cho chất lượng vôi tốt hay xấu. Năm 2003, bà Minh đứng ra thành lập Công ty TNHH Minh Thắng với phương tiện sản xuất, kinh doanh là 4 lò vôi, gần 10 xe ô-tô, tàu thủy làm dịch vụ vận tải. Không dừng ở đó, năm 2010, bà Minh đầu tư 13 tỷ đồng mua khu đất 12.000m2 ở xã Long Xuyên mở dịch vụ cân điện tử, sửa chữa ô-tô, nhà hàng; mua và liên doanh gần 20 lò vôi, xe ô-tô tải.

Vượt lên khó khăn


Thương trường khốc liệt chẳng kém chiến trường. Các CCB Hoàng Phi Thường, Hoàng Trung Thành, Lê Thị Minh gặp phải không ít khó khăn, gian khổ, có lúc tưởng như khó đứng vững. Bằng bản lĩnh người lính, họ đã kiên cường trụ vững, vượt qua khó khăn. Ông Thường nhớ lại: Năm 2008, khủng hoảng kinh tế, Nhà nước thắt chặt tín dụng, xí nghiệp lại đang xây dựng một loạt công trình. Do không vay được vốn của ngân hàng để duy trì sản xuất và chịu sức ép phải bàn giao công trình đúng thời hạn, xí nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Quyết tâm không để doanh nghiệp phá sản, công nhân thất nghiệp, ông Thường cùng gia đình, anh em trong đơn vị bàn nhau chỉ còn cách tất cả mọi người chung tay góp vốn cứu xí nghiệp. Mọi người ủng hộ, người ít thì 5 - 10 triệu đồng, người nhiều vài trăm triệu đồng. Có được vốn, xí nghiệp tiếp tục triển khai xây dựng, bàn giao công trình đúng hạn.
Để có vốn mở rộng sản xuất, ông Thành phải bán đất, bán vườn, vay ngoài với lãi suất cao để mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng. Không may khi công ty vừa thành lập được mấy tháng, vào cuối năm 1999, trên đường chở máy bơm đi các tỉnh miền Trung, ông bị tai nạn gãy cả 2 chân. Thời gian ông nằm điều trị công việc đình đốn, nợ đến hạn hối thúc. Có lúc ông định buông xuôi, đã nghĩ đến việc giải thể công ty. Khi khỏi bệnh, được gia đình, anh em CCB, công nhân động viên, ông lấy lại niềm tin lao vào sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và từng bước vượt qua khó khăn.

Ngày đầu thành lập công ty, trong tay chỉ có vài trăm triệu đồng, bà Minh cũng phải cầm cố nhà, lò vôi để lấy vốn đầu tư. Bên cạnh khó khăn do thiếu vốn sản xuất, cạnh tranh trong tiêu thụ vôi diễn ra quyết liệt. Nghề sản xuất vôi rất vất vả nhưng rủi ro cao, nếu kỹ thuật đốt kém sản phẩm dễ bị hỏng. Có thời điểm giá than lên cao, đốt than tốt thì không có lãi, dùng than giá rẻ thì chất lượng vôi không bảo đảm. Do vậy, bà luôn phải tính toán làm sao vừa bảo đảm chất lượng vôi ra lò, vừa có lãi và giá cả hợp lý.

Bí quyết của thành công

Qua tiếp xúc với những CCB, chúng tôi được biết bí quyết thành công của họ là kiên trì tạo dựng uy tín. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả gây dựng, đến nay, Xí nghiệp Thương mại, du lịch và xây dựng 27-7 có cơ ngơi khang trang, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Xí nghiệp của ông Thường dù khó khăn đến đâu cũng bảo đảm chất lượng, bàn giao công trình đúng thời hạn. Xí nghiệp hiện có gần 100 đầu xe ô-tô, máy xúc, máy ủi hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh vận tải, dịch vụ du lịch, thi công xây dựng. Xí nghiệp tạo việc làm cho gần 300 công nhân, trong đó 40 lao động chính là thương binh, CCB, cựu quân nhân, con em thương binh, liệt sĩ. Thu nhập của mỗi lao động đạt 2,5 - 6 triệu đồng/tháng.

Với phương châm: “Chất lượng công trình và tiến độ là trên hết”, ông Thành và cán bộ, nhân viên công ty không quản ngại ngày đêm sản xuất, vận chuyển hàng đến tận nơi lắp đặt kịp thời... Ngoài việc giữ uy tín với khách hàng, công ty cũng tạo dựng niềm tin với công nhân, người lao động. Năm bị tai nạn, ông Thành phải bán chiếc xe máy là phương tiện đi lại duy nhất của mình để trả lương cho công nhân về ăn Tết. Hiện nay, công ty có 50 kỹ sư, công nhân trực tiếp sản xuất, chủ yếu là CCB, con thương binh, liệt sĩ. Lương công nhân ổn định 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Từ khi chuyển sang hoạt động độc lập đến nay, CCB Lê Thị Minh luôn kiên trì, nỗ lực phấn đấu vươn lên. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", làm đến đâu chắc đến đấy, nên công ty của bà từng bước đi lên vững chắc.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất lính trên thương trường