Chất điện ảnh trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh

21/06/2023 16:00

Gần gũi, bình dị, giàu chất thơ... là những yếu tố khiến truyện của Nguyễn Nhật Ánh được các nhà làm phim chọn chuyển thể lên màn ảnh.


"Cô gái đến từ hôm qua" do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh

Ngày 19.6, nhà sản xuất công bố tin tức ban đầu về dự án phim điện ảnh Ngày xưa có một chuyện tình. Phim được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Sau Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc, lại thêm một "mối tình tay ba" dữ dội và trưởng thành nữa của Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh rộng. Không tự nhiên những câu chuyện của ông lại được các nhà làm phim quan tâm và chuyển thể nhiều đến thế.

Câu chuyện cảm xúc, nhiều hoài niệm

Mỗi đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh khi ra mắt đều tạo thành hiện tượng văn hóa, xuất bản. Đọc văn của ông, ta luôn thấy một lối viết đặc biệt, hấp dẫn, đến từ sự hóm hỉnh, trong sáng, đầy ắp sự tử tế và lòng yêu thương.

Là tác phẩm hướng tới thiếu nhi, nhưng những truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh đều có thể chạm tới cả tâm hồn người lớn. 

Giữa cái ác, cái giả đang bủa vây trong cuộc sống thường nhật, văn chương của Nguyễn Nhật Ánh khiến ta vẫn có lòng tin: cái thiện, cái tốt, cái đẹp luôn tồn tại trong cuộc đời và trong quan hệ giữa con người với con người.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng khéo léo mang những lát cắt hoài niệm của một thời áo trắng chưa xa lên màn ảnh trong Cô gái đến từ hôm qua (2017). Phim mang màu sắc tươi tắn, hài hước của một thế hệ thích "yêu chậm nhưng mãnh liệt". Phần âm nhạc giàu cảm xúc cũng là điểm nhấn đáng chú ý của tác phẩm.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn thành công nhất ở Việt Nam. Sách của anh thường xuyên được tái bản, và cả ba bộ phim chuyển thể từ truyện của anh đều rất ăn khách. 

Khán giả ra rạp không hẳn chỉ vì muốn xem phim cao trào, kịch tính, có nhiều khán giả vẫn yêu thích sự lãng đãng. Vì nếu không, các bộ phim chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã không thu hút sự quan tâm lớn đến như vậy. 

"Tôi nghĩ có thể chính yếu tố nhẹ nhàng, không cao trào kịch tính, cùng sự lưu luyến của những tình cảm đầu đời, của một thời hồn nhiên trong trẻo trong truyện Nguyễn Nhật Ánh là yếu tố thu hút khán giả ra rạp" - anh đánh giá.

Trong khi đó, đạo diễn Victor Vũ khá thành công với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) lẫn Mắt biếc (2019).

Trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Victor Vũ bám chắc cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ hình ảnh đậm chất thơ để đưa khán giả bước vào thế giới của những đứa trẻ trong một ngôi làng. Với cách chuyển cảnh mượt mà, diễn xuất chắc tay, phim nêu bật câu chuyện về tình anh em, tình yêu thời học trò, đưa khán giả quay về thời tuổi thơ êm đẹp.


"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" chân thực và bình dị

Còn Mắt biếc chân thực và có hồn, không đẹp một cách thái quá hay mang nặng tính sắp đặt. Câu chuyện được sắp xếp tự nhiên, dù không có cao trào nhưng vẫn tạo được dấu ấn, níu chân người xem ở lại đến cuối cùng.

Khi bắt tay chuyển thể tác phẩm này, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: "Nhiều tác phẩm văn học giàu về nhân vật nhưng về câu chuyện lại không có nhiều điểm nhấn, cấu trúc hay chỉ là một chuỗi tâm sự, nội tâm. Việc của nhà làm phim chính là tìm ra đường dây chính, nổi bật nhất để xây dựng mọi thứ xung quanh đường dây đó".

Nguyễn Nhật Ánh có đối tượng độc giả đa dạng

Về lý do truyện của Nguyễn Nhật Ánh được nhiều nhà làm phim ưa thích, nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng (từng sản xuất các phim chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh như Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) chia sẻ rằng độc giả của Nguyễn Nhật Ánh rất đông, không chỉ có những người lớn tuổi mà còn rất nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.

Người trẻ (đặc biệt là nhóm dưới 25 tuổi) mê mẩn vùng không gian tuổi thơ, tình yêu đầu đời và hơi thở quê nhà, gia đình trong câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là nhóm đối tượng chính của người xem phim rạp.

"Do độc giả lúc nào cũng bắt gặp chính họ trong các câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh, vì thế tác phẩm của ông thường được các nhà làm phim chú ý để đưa vào sản xuất" - anh đánh giá.


"Mắt biếc" gây sốt năm 2019 dưới bàn tay chỉ đạo của đạo diễn Victor Vũ

Đạo diễn Lê Anh Tuấn (thạc sĩ, giảng viên khoa truyền hình - Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) lại nêu ý kiến rằng truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất giàu hình ảnh, chạm được đến những điều đẹp đẽ, nhẹ nhàng trong tâm hồn.

"Truyện của Nguyễn Nhật Ánh khi lên phim thường thành công chủ yếu nhờ yếu tố cảm xúc, mang đến cho khán giả những giá trị nhân văn, thay vì những điều đao to búa lớn" - đạo diễn nhìn nhận.

Trong khi đó, đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Lương Hằng bày tỏ: "Nhiều thế hệ người Việt hiện đại, trong đó có cả nhà làm phim lớn lên cùng văn chương của Nguyễn Nhật Ánh nên nó trở thành một phần hoài niệm lớn. 

Văn của chú Ánh cũng thường kể về những con người, ký ức của một thời cũ, đặc biệt là tình yêu lãng mạn cổ điển, như những lá thư tay, vượt qua những khoảng cách về không gian, thời gian... - điều mà chúng ta quá thiếu trong cuộc sống hiện đại nhiều thay đổi. Tôi nghĩ điều gì mình thiếu thì nhu cầu tìm lại sẽ lớn, nhất là với phim ảnh - nơi có sức mạnh biến những ký ức, mộng tưởng thành hiện thực".

Ngoài ra, theo Nguyễn Lương Hằng, văn chương của Nguyễn Nhật Ánh là nguồn chất liệu giàu có và đầy tính gợi, tạo được không gian cho các nhà làm phim sáng tạo về mặt điện ảnh.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất điện ảnh trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh