Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hải Dương lần thứ III

23/08/2010 06:25

Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hải Dương lần thứ III, Báo Hải Dương giới thiệu một số gương điển hình tiêu biểu của tỉnh trong các lĩnh vực giáo dục, làm kinh tế và công an.


Người dẫn dắt đội tuyển vật lý Trường Nguyễn Huệ



Thầy giáo Bùi Tiến Luận
Trong số các môn học văn hóa ở cấp THCS, vật lý là môn tương đối khó với nhiều học sinh. Giúp học sinh yêu thích và học giỏi vật lý là một thử thách với nhiều giáo viên. Thầy giáo Bùi Tiến Luận, giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ (Cẩm Giàng) đã  vượt qua thử thách đó bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc. Thầy Luận đã 12 năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 4 năm liền đưa đội tuyển vật lý của huyện Cẩm Giàng đứng trong tốp đầu toàn tỉnh và trên 80% số học sinh của Trường Nguyễn Huệ đạt điểm khá, giỏi môn vật lý khi thi tuyển sinh vào THPT.

Bí quyết để thành công trong giảng dạy môn vật lý của thầy Luận rất đơn giản, đó là: luôn chuẩn bị chu đáo đồ dùng và giáo án trước khi lên lớp, đặt câu hỏi hợp lý cho học sinh, nêu gương trước học sinh về tinh thần tự học và sáng tạo. Xác định vật lý là môn thực nghiệm, cần các thí nghiệm trực quan để học sinh hiểu rõ bản chất của từng hiện tượng, ngay từ khi chưa thực hiện chương trình thay sách giáo khoa, thầy Luận đã có ý thức tự làm đồ dùng phục vụ giảng dạy,  hạn chế thấp nhất các tiết dạy “chay”. Nhiều  học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ vẫn còn nhớ mô hình “cần cẩu hút sắt vụn” do thầy Luận tự tạo khi học về máy biến thế và dòng điện. Từ năm 2003, khi các thiết bị dạy học của trường được đầu tư đồng bộ, thầy Luận dành nhiều thời gian tự tìm hiểu về tính năng, tác dụng, các sự cố thường gặp  của từng thiết bị, đồ dùng  môn vật lý qua các tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các sách kỹ thuật khác. Trước mỗi giờ lên lớp, thầy Luận cẩn thận kiểm tra lại từng thiết bị, bảo đảm giờ học không bị ngắt quãng vì sự cố xảy ra khi thí nghiệm. Điều quan trọng là học sinh luôn được tự mình thực hành dưới sự hướng dẫn của giáo viên, do đó ghi nhớ kiến thức tốt hơn và  yêu thích môn học hơn.

Là giáo viên vừa phụ trách đội tuyển học sinh giỏi, vừa tham gia giảng dạy các lớp đại trà, thầy giáo Bùi Tiến Luận luôn quan tâm, nắm chắc lực học của từng học sinh để có phương pháp dạy học phù hợp. Với học sinh đại trà, thầy khơi gợi, khích lệ học sinh tích cực suy nghĩ bằng những câu hỏi đơn giản; với học sinh giỏi, thầy Luận chú ý phân dạng bài tập và hướng dẫn cách giải ngắn gọn nhất cho từng dạng bài, qua đó giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự liên hệ cách làm các bài tập cùng dạng. Trong quá trình giảng dạy, thầy Luận luôn chú ý liên hệ giữa lý thuyết và thực tế, động viên học sinh tích cực, chủ động trong học tập.

Trong gần 17 năm công tác, thầy Luận nhiều năm được phân công làm giáo viên chủ nhiệm. Ở cương vị nào, thầy Luận cũng thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh để cùng động viên, giúp đỡ các em cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều học sinh khó khăn đã được thầy tham mưu với nhà trường miễn học phí, được hỗ trợ về tài liệu, sách giáo khoa phục vụ môn học; học sinh có biểu hiện ham chơi được thầy nhắc nhở kịp thời... Với những việc làm cụ thể, thầy giáo Bùi Tiến Luận đã nêu gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước của ngành giáo dục nói chung và huyện Cẩm Giàng nói riêng. Thầy Luận vinh dự là một trong những đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ III.

Phụ nữ nông thôn làm kinh tế giỏi


Chị Phạm Thị Ánh hướng dẫn lao động đóng gói hương

Chúng tôi về xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) gặp chị Phạm Thị Ánh, hội viên phụ nữ thôn Xuân Nẻo. Không khó khăn lắm khi tìm đến nhà chị, bởi nhiều người dân trong xã đều biết tiếng chị là người giỏi vượt khó vươn lên làm giàu. Nhìn cơ ngơi khang trang 3 tầng với đầy đủ đồ dùng, thiết bị đắt tiền, trị giá hàng tỷ đồng, chúng tôi thật nể phục tài làm giàu của gia đình chị.

Chị Ánh kể, chị cũng như nhiều phụ nữ nông thôn khác, đi lên từ hai bàn tay trắng. Những năm đầu thập niên 90, chị làm cô giáo mầm non tại thôn nhà, chồng làm nông nghiệp, 2 con còn nhỏ, sản xuất bấp bênh. Để bảo đảm cuộc sống gia đình, vợ chồng chị đã phải chạy chợ thêm. Tuy phải thức khuya, dậy sớm, nhưng cuộc sống cũng không thoát khỏi khó khăn. Đã có lần chị vay mượn tiền dồn hết cho chồng đi lao động ở Hàn Quốc với hy vọng được đổi đời. Nhưng vì muốn nhanh có tiền để trả nợ, anh trốn ra ngoài làm nên mới đi được 2 tháng đã bị trục xuất về nước. Trước tình cảnh ấy, chị đã quyết định nghỉ dạy học mẫu giáo để tập trung phát triển kinh tế. Nhưng ở nơi đồng quê quanh năm cấy cày, biết làm gì để bớt đi đói nghèo, đó là điều mà nhiều đêm vợ chồng chị trăn trở. Nhớ lại cái thời gia đình bố mẹ chị còn công tác ở Quảng Ninh, thấy người ta làm hương bằng rễ cây hương bài cho thu nhập khá, chị về nhà làm thử, lấy nhãn hiệu "Hương thơm Hồng Thái". Mới đầu, chưa biết hiệu quả ra sao nên chỉ mình chị làm. Ngày ngày chẻ nan, xe hương, phơi khô, đóng gói, rồi lại mang ra chợ bán. Với đồng vốn "ăn đong", bán hết đợt hương này, chị mới làm đợt khác. Phương châm của chị là đặt chất lượng lên hàng đầu. Bởi thế, dù mới làm nhưng hương ra đến đâu bán hết ngay đến đó. Vừa làm chị vừa rút kinh nghiệm từ cách pha chế nguyên liệu đến việc xe hương tròn đều, đóng gói cẩn thận, cải tiến mẫu mã và quan trọng hơn nữa là chất lượng hương bảo đảm, cộng với giá cả phù hợp với người dân nông thôn. Do vậy, không chỉ người dân khu vực mà thậm chí có cả khách tỉnh ngoài cũng đến "ăn hàng" nhà chị. Sản lượng tiêu thụ của cơ sở từ đó tăng nhanh. Chị Ánh đã xây xưởng, mở rộng sản xuất và tuyển thêm lao động. Đối với phụ nữ lớn tuổi, trẻ em lúc rảnh rỗi, người khuyết tật, chị quan tâm nhiều với tâm lý chia sẻ khó khăn, tạo việc làm cho họ. Xưởng sản xuất luôn luôn bảo đảm việc làm thường xuyên cho 70 - 80 lao động với mức thu nhập 2,5 - 2,7 triệu đồng/người/tháng, lúc cao điểm có tới 200 người làm, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. "Hương thơm Hồng Thái" giờ đã đi đến tất cả các tỉnh trong nước và xuất cả ra nước ngoài. Kinh tế gia đình khá giả, chị Ánh cùng chồng tiếp tục nghĩ cách làm thêm để tăng thu nhập và có điều kiện tạo việc làm cho người lao động. Mấy năm gần đây, chị xây dựng thêm cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chuyên làm gạch chèn, tạo việc làm cho 4 lao động, thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2009, vợ chồng chị lại thành lập doanh nghiệp tư nhân xây dựng và thương mại Hồng Thái, chuyên xây dựng các công trình điện biến áp, trường học... Mặc dù, doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, các cấp chính quyền và đoàn thể địa phương, bước đầu đã hoạt động khá thuận lợi. Từ các ngành nghề của gia đình, chị Ánh đã cùng chồng tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và khu vực lân cận.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, chị còn là người phụ nữ nhiệt tình tham gia nhiều phong trào của hội và công tác nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ xây Đền Liệt sĩ huyện Tứ Kỳ, xây đình làng thôn Xuân Nẻo, làm đường bê-tông và giúp một số hội viên nghèo với tổng số tiền khoảng 50 triệu đồng. Một số hộ khó khăn hoặc cơ nhỡ, chị đều sẵn lòng giúp đỡ. Chị vinh dự vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen phụ nữ điển hình tiên tiến thời kỳ đổi mới. Chị Ánh tự nhủ sẽ tiếp tục phấn đấu làm giàu chính đáng, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp đỡ người nghèo vươn lên cải thiện đời sống, góp phần làm giàu quê hương...

Khắc tinh của tội phạm


Trung tá Vũ Văn Hợi
Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Trung tá Vũ Văn Hợi, đội trưởng đội truy nã, thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) đã có nhiều chiến công, được đồng nghiệp khen ngợi.

Với 52 năm tuổi đời, 33 năm công tác trong ngành, anh Hợi đã từng công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 1995, anh được phân công về công tác tại đội truy nã, 2 năm sau anh được cấp trên tín nhiệm giao làm đội trưởng. Ở cương vị nào, anh cũng luôn gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tận tình giúp đỡ đồng nghiệp. Nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự nói chung và công tác truy bắt đối tượng truy nã nói riêng hết sức khó khăn, gian khổ và không ít nguy hiểm. Anh luôn chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong đội tập trung rà soát, tổ chức xác minh đối tượng truy nã. Từ năm 2007 đến nay, anh đã cùng cán bộ, chiến sĩ trong đội tổ chức xác minh hơn 2.000 lượt đối tượng truy nã, thu thập 6 thông tin của đối tượng truy nã có mối quan hệ, địa chỉ ở các tỉnh phía Nam và một số tỉnh biên giới phía Bắc. Hằng năm, anh chủ động tập hợp địa chỉ đối tượng trốn, đặc biệt là các đối tượng trốn ở các tỉnh phía Nam, vùng sâu, vùng xa, trực tiếp đi xác minh, bắt giữ.

Công tác bắt đối tượng truy nã ngày càng khó khăn, phức tạp bởi hầu hết các đối tượng đều lẩn trốn vào các vùng sâu, vùng xa, biên giới và các tỉnh phía Nam, miền Trung - Tây Nguyên, thậm chí ra nước ngoài. Có những đối tượng trốn lâu năm, có chỗ ở ổn định, tạo vỏ bọc bằng việc thay tên, đổi họ nên rất khó phát hiện. Trước tình hình đó, anh đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ phục vụ việc truy bắt đối tượng, trong đó đặc biệt coi trọng biện pháp phát động quần chúng nhân dân ở khu dân cư, nơi đối tượng cư trú giúp đỡ. Từ năm 2007 đến nay, anh đã trực tiếp bắt giữ, vận động hơn 110 đối tượng có lệnh truy nã, trong đó có 31 đối tượng đặc biệt nguy hiểm; triệt phá 1 chuyên án, bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Đặng Văn Phương. Phương sinh năm 1958, trú tại xã Kim Đính (Kim Thành), bị truy nã về hành vi giết người, trốn khỏi nơi giam giữ năm 1993. Sau khi bỏ trốn, Phương ẩn trốn tại tỉnh Quảng Nam, sau đó lấy vợ. Sau 15 năm ẩn trốn, y đã mua 3 khẩu súng ngắn, 2 quả bom bi dùng để chống trả lực lượng truy bắt. Từ năm 2007 - 2008, Phương về Hải Phòng ẩn náu, có nhiều hành vi đe dọa người dân xung quanh, thậm chí đốt nhà chị gái để xin tiền, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Nhận được tin báo, anh Hợi cùng một số đồng nghiệp phối hợp với Công an TP Hải Phòng vây bắt đối tượng. Do tính toán trước các tình huống nên khi bị bắt, Phương không kịp chống trả. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 2 quả bom bi, 14 viên đạn K54, 1 điện thoại di động, 3 gói thuốc chuột Phương khai dùng để tự sát nếu bị công an bắt giữ.

Qua nhiều năm công tác, bắt giữ hàng trăm đối tượng truy nã, anh  Hợi đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Theo anh, trong truy bắt đối tượng truy nã, người chiến sĩ công an cần kiên trì, khôn khéo và dũng cảm. Để công tác truy nã có hiệu quả đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa nhiều lực lượng như cảnh sát khu vực, công an xã, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền và nhân dân địa phương.

Với những thành tích trên, Trung tá Vũ Văn Hợi đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba; nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, được tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, anh vừa vinh dự được Tỉnh ủy tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự…

NGUYÊN ANH - THU LAI - VŨ TRANG

(0) Bình luận
Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hải Dương lần thứ III