Dịch Covid-19 đã khiến những hộ làm nghề mộc gặp nhiều khó khăn. Người buôn gỗ bán chậm, hàng tồn kho lớn.
Đến nay, xưởng sản xuất của anh Bùi Đức Long ở làng nghề mộc Đức Đại, thị trấn Gia Lộc chưa nhận được đơn hàng nào cho năm 2021
Các làng nghề mộc trong tỉnh đang chao đảo vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người theo nghề này lo lắng dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi giá thành và đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Hàng trăm hộ dừng hoạt động
Các hộ làm nghề và người làm thuê tại các làng nghề mộc trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Người buôn gỗ bán chậm, hàng tồn kho lớn. Người chế biến, làm nghề mộc thì ít đơn hàng, doanh thu giảm mạnh. Còn các thợ mộc đi làm thuê thì không có việc, thu nhập bấp bênh. Nhiều hộ theo nghề phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Thực trạng này diễn ra nhiều tháng nay và chưa biết khi nào mới chấm dứt.
Làng mộc Đông Giao ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) là một trong những làng nghề phát triển mạnh trong tỉnh, đem lại nguồn doanh thu lớn cho người dân mỗi năm. Ở đây có khoảng 700 hộ sản xuất, kinh doanh gỗ. Những năm trước, làng nghề hoạt động tấp nập, người làm không hết việc. Sản phẩm ở đây chủ yếu được sản xuất theo xu hướng thị trường và hơn 70% số sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều hộ trong làng giàu lên vì sản xuất, kinh doanh đồ gỗ.
Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 2.2020 đến nay, sản phẩm mộc Đông Giao không xuất khẩu được nên hàng tồn kho khá nhiều. Người dân buộc phải đẩy mạnh tiêu thụ trong nước nhưng lại gặp khó khăn vì không phù hợp với thị hiếu của người dân và giá bán thấp. Một người kinh doanh đồ gỗ lớn ở làng Đông Giao chia sẻ: "Chúng tôi rất lo lắng về ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh. Đại dịch này có nguy cơ làm đứt gãy thị trường xuất khẩu, gián đoạn hoạt động cung ứng hàng hóa của làng nghề và phá vỡ mặt bằng giá của mỗi loại sản phẩm. Vì khó khăn, hàng tồn nhiều nên hiện nay nhiều hộ làm nghề chấp nhận bán sản phẩm không lợi nhuận, thậm chí chịu lỗ để có nguồn thu".
Theo ông Nguyễn Đình Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Lương Điền, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay đã có khoảng 300 hộ dừng sản xuất, 400 hộ còn lại hoạt động cầm chừng. Ước tính các hộ sản xuất, kinh doanh mộc bị thất thu hơn 100 tỷ đồng vì dịch bệnh.
Chưa biết tương lai thế nào
Là người buôn gỗ gần 20 năm nay ở làng nghề mộc Đức Đại, thị trấn Gia Lộc nhưng chưa năm nào anh N.Đ.T. thấy hoạt động kinh doanh lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Những năm trước, trung bình mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 400 m3 gỗ và liên tục nhập hàng về bán. Nhưng từ đầu năm đến nay anh mới bán được khoảng 70 m3 gỗ, còn tồn hơn 300 m3. "Trong 8 tháng qua, có đến 4 tháng cơ sở kinh doanh của gia đình tôi không có doanh thu do không bán được hàng. Trong khi đó, gia đình phải vay ngân hàng hơn 5 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh gỗ. Với thực trạng kinh doanh như hiện nay, không chỉ gia đình tôi mà các hộ buôn gỗ khác trong làng nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn", anh T. chia sẻ.
Anh Nguyễn Xuân Khương ở làng nghề mộc Đức Minh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) làm nghề hơn 10 năm nay. Anh chuyên nhập khẩu các loại gỗ cây về sơ chế, cắt miếng để bán cho các hộ làm nghề. Những năm trước, mỗi năm, anh Khương bán được từ 800 - 900 m3 gỗ nhưng 8 tháng đầu năm nay anh mới bán ra khoảng 200 m3 gỗ. Anh cũng chưa nhận được đơn hàng nào cho thời gian tới. "Từ đầu năm đến nay, khách mua gỗ chủ yếu là khách lẻ mua ít, giá trị thấp. Việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn, doanh thu chỉ đủ bù chi phí mà không có lãi", anh Khương nói.
Là một trong những người làm nghề lâu năm và có xưởng mộc lớn ở thị trấn Gia Lộc, anh Bùi Đức Long đã có thâm niên làm mộc 20 năm nay. Hiện các đơn đặt hàng đủ để người lao động trong xưởng mộc của anh Long làm đến cuối năm. Nhưng sang năm 2021, anh chưa biết xưởng sẽ hoạt động như thế nào. "50% số đơn hàng làm trong năm nay của gia đình tôi được khách đặt từ năm 2019. Các đơn hàng mới giảm hơn 30% so với năm trước. Thường đến khoảng giữa năm trước đã có các đơn hàng cho năm sau nhưng thời điểm này nhà tôi vẫn chưa nhận được đơn hàng nào cho năm 2021", anh Long cho biết.
PHAN ANH