Chàng trai vượt lên nỗi đau bằng thơ

25/07/2020 20:05

Chất độc da cam chỉ làm cho thể xác Thịnh biến dạng nhưng không đánh gục được tâm hồn nhạy cảm, tinh thần cầu tiến của cậu. Thịnh tự học và tự khai sáng trí tuệ mình bằng văn chương chữ nghĩa.


Anh Nguyễn Hữu Thịnh đã tìm thấy niềm vui cuộc sống khi đến với thơ

Tôi gặp Nguyễn Hữu Thịnh lần đầu tiên tại lễ trao Giải Văn học nghệ thuật Côn Sơn năm 2016, khi ấy Thịnh cùng tôi lên nhận giải C. Hình ảnh thi sĩ ngồi trong xe lăn được bố đưa lên nhận giải đã khiến tôi xúc động. 

Nguyễn Hữu Thịnh (sinh năm 1981) ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng). Khi sinh ra, cậu bé Thịnh cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Lên 8 tuổi, Thịnh đổ bệnh, toàn thân lên cơn co giật, chân tay run rẩy, lưỡi líu lại không nói được. Bố mẹ đã đưa cậu đi nhiều bệnh viện chữa trị, dốc hết tiền bạc chỉ mong con khỏi bệnh. Nhưng chất độc da cam từ người bố từng là lính Trường Sơn năm xưa đã để lại trong Thịnh đến giờ phát tác và không chữa trị được. “Cảm giác như bị găm một viên đạn cuối cùng vào trúng tim khi chứng kiến con trai mình từ một cậu bé lanh lợi suốt ngày chạy nhảy, luôn cười nói vui vẻ giờ người co quắp lại, dần liệt đôi chân và một cánh tay, cánh tay còn lại chỉ cử động được mấy ngón”, bố Thịnh nói.

Bệnh viện trả về. 8 tuổi, cậu đã phải bỏ học. Thịnh bị cột mình trên chiếc giường nhỏ và những bức tường, mọi sinh hoạt cá nhân đều dựa vào người khác. Khi bố Thịnh về nghỉ chế độ, ông chính là đôi chân, đôi tay của cậu. 

Chất độc da cam chỉ làm cho thể xác Thịnh biến dạng nhưng không đánh gục được tâm hồn nhạy cảm, tinh thần cầu tiến của cậu. Khi tôi hỏi Thịnh làm thơ từ khi nào thì Thịnh kể dù giọng nói rất khó khăn: “Bác hàng xóm là thầy giáo dạy toán hay sang chơi, dạy tôi đánh cờ và làm thơ. Có tập sách nào bác cũng đem cho đọc". Sau này, một thầy giáo dạy văn cấp ba đọc được thơ Thịnh cũng hay đến chơi, trò chuyện, tiếp cho cậu niềm đam mê với văn thơ, góp ý cho Thịnh. Cứ như vậy, Thịnh tự học bằng cách đọc sách, bồi bổ tâm hồn bằng những tập thơ, cậu tự khai sáng trí tuệ mình bằng văn chương chữ nghĩa. Cậu làm thơ và không ngừng tìm kiếm, mài giũa để có những câu thơ hay.

Những bài thơ của Thịnh biểu lộ tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu con người, tình yêu đôi lứa luôn dạt dào cảm xúc, độc đáo trong cách diễn đạt, trau chuốt và tinh tế trong lối dùng từ. Đọc thơ Thịnh sẽ chẳng ai nghĩ đó là những bài thơ được viết ra từ một người khuyết tật, sẽ không ai biết được tác giả của những tập thơ ấy là người bị nhiễm chất độc da cam. 

Thịnh đã có 4 tập thơ: “Thương lắm mai sau” (năm 2010), “Hoài khúc Tương Thi” (năm 2014), “Gọi phía mùa thu” (năm 2017), “Khúc mùa” (năm 2019). Trong hành trình lặng lẽ đến với thơ và song hành cùng thơ, Thịnh phải liên tục chống chọi với những cơn bạo bệnh ập đến bất ngờ và ở lại dai dẳng bên cậu. Có những khoảng thời gian Thịnh phải ở trong bệnh viện khá dài nhưng vẫn có thơ ở bên. Thịnh tìm đến thơ, vịn vào thơ để sống, thơ giúp cậu thăng hoa trong cuộc sống, giúp Thịnh kết nối bạn bè. 

Nhờ sự yêu thương giúp đỡ của các anh chị em văn nghệ sĩ và bạn bè, Thịnh đã có một chiếc xe lăn mới. Chiều chiều Thịnh có thể tự lái xe lăn ra đồng ngắm cảnh hay đi lên thị trấn Cẩm Giang chơi, đi thăm ga Cẩm Giàng, vào thăm khu vườn nhà Thạch Lam. Khi tôi hỏi Thịnh vì sao có nhiều bài thơ về tình yêu, trong sáng, lãng mạn, dù có chia tay buồn đấy mà không bi lụy, sướt mướt, Thịnh cười chia sẻ: “Thì em có người bạn trên mạng ấy, bạn ấy cũng thích thơ, chúng em quý nhau, hay làm thơ tặng nhau”. Thấy Thịnh cởi mở, tôi hỏi nửa đùa nửa thật: “Hay là người yêu đấy, nàng thơ phải không?”. Bố Thịnh trêu: “Yêu ai thì báo bố mẹ, tới tháng 8 làm đám cưới”. Thịnh cười, lật quyển sổ đọc cho tôi nghe bài thơ mới làm...

NGUYỄN THU HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chàng trai vượt lên nỗi đau bằng thơ