Hiếu và thằng bạn ngáo đá đi lại suốt đêm trên đường, bạn nghĩ ''sao ngủ được'', còn Hiếu nghĩ ''làm sao để cứu đời mình''.
Sáng học lớp 12, chiều học lớp tiếng Hàn, tối học tiếng Anh, xen giữa lúc rảnh, Nguyễn Hữu Hiếu, 22 tuổi, lại mang sách vở ra để cày ngoại ngữ.
"Tôi đặt mục tiêu phải học cả phần tiếng Anh, tiếng Hàn của kỳ sau", Hiếu, quê Trung Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa, hiện học tại một trung tâm giáo dục ở Hà Nội, nói. Cậu đang gắng lấy lại kiến thức càng nhanh càng tốt, sau 7 năm nghỉ học đi theo tiếng gọi của ma túy.
Nguyễn Hữu Hiếu sau giờ học sáng 30.10, sau hơn 2 năm dứt ra khỏi ma túy |
Ngày đó, cậu thiếu niên từng vào lớp chuyên, đoạt giải nhì toán cấp tỉnh trên máy casio, đột nhiên sa ngã khi vào lớp 10. Một ngày, giáo viên báo về Hiếu trốn học, vài hôm, lại có tin Hiếu đánh nhau, đi bar, say rượu... Những trận đòn không khiến cậu chồn chân. Năm lớp 11, Hiếu nghỉ hẳn, từ đó lông bông.
Sự bất cần của Hiếu có một phần nguyên nhân từ gia đình, khi cha mẹ chỉ mải làm ăn, luôn đáp ứng vật chất, ngược lại thiếu quan tâm tình cảm. Hơn thế, giai đoạn này bố mẹ Hiếu trục trặc hôn nhân. Hiếu thường xuyên thấy mẹ khóc trong tuyệt vọng, một bữa cơm mà mỗi người ăn một bận.
Chán nản, Hiếu nghĩ chỉ có bạn là tốt, là giúp được mình. Cậu trượt dài trên con đường sa ngã và dính vào ma túy năm 17 tuổi. "Nhiều bữa đi làm về tôi nhìn con nằm co quắp, gầy như một con mèo hen, cảm tưởng chỉ một gạt tay là ngã", chị Lê Thị Thu, 42 tuổi, mẹ Hiếu kể.
Những lời khuyên răn không hề có tác dụng. Bố Hiếu bất lực nói: "Nuôi con chó còn có giá trị hơn nuôi mày". Người mẹ từng chỉ mặt con nói: "Tao mang nặng đẻ đau, giờ mày có cũng như không".
Tuổi 20, Hiếu nhận ra bất cứ nơi nào mình đi đều bị mọi người khinh bỉ. Không còn bạn bè, người thân, không có ước mơ, đã vài lần cậu tìm tới cái chết. "Có lần tôi mua thuốc ngủ uống thật nhiều để chết, nhưng ngủ ba ngày rồi tự tỉnh. Một số lần khác tôi đứng trên lan can, định nhảy xuống".
Hiếu tham gia một hoạt động tình nguyện đầu năm 2019 |
Một đêm tháng 4.2017, Hiếu cùng một cậu bạn nghiện suốt đêm đi lại trên một con đường chưa đầy 500 m. Hiếu bán mất xe của mẹ, không còn mặt mũi về nhà. Người bạn của cậu cũng tương tự.
"Trời thì mưa, tiền thì hết, hai đứa ướt như chuột lột. Sau cơn ngáo đá, thằng bạn nghĩ làm sao để ngủ được, còn tôi cứ hiện lên câu hỏi 'tại sao cuộc đời mình như thế này', 'mình chỉ là một người thất bại', 'làm sao để mình thoát được'... ", Hiếu nhớ lại.
Đó là lần đầu tiên sau 5 năm lầm lạc Nguyễn Hữu Hiếu thực sự khát khao làm lại. Bỗng chốc, Hiếu nhớ đến lời của dì, rằng ra Hà Nội, dì sẽ giúp cai nghiện.
Vay bạn 200 nghìn đồng, Hiếu không nói với ai về ý định làm lại cuộc đời. Tháng 5.2017, cậu được dì đưa đến Hội Liên hiệp Thanh niên quốc tế (IYF) - tổ chức do giáo sư Park Ock Soo sáng lập ở Hàn Quốc năm 2001, dạy cho thanh niên về Mind Education (định hướng tinh thần). Một nhánh hoạt động của tổ chức này là giúp định hướng lại cho những người bị nghiện ma túy, nghiện game...
Tới đây, chàng trai tóc vàng hoe, dặt dẹo, nhưng đi tới đâu cũng thấy có người nở nụ cười và bắt chuyện. Mỗi ngày từ một đến hai lần, cậu được thầy cô trong trung tâm trò chuyện riêng. Chẳng ai bảo cậu "phải cai nghiện đi", "phải làm lại cuộc đời", mà hỏi Hiếu "nay có khoẻ không?", "vào đây đã quen chưa?"... Dần dần Hiếu mở lòng về bản thân và gia đình thì các giảng viên bắt đầu nói với cậu về Mind Education.
Trong những bài giảng, Hiếu ngộ ra nhiều điều từ câu chuyện về động cơ và cái phanh. Theo đó, động cơ như nhu cầu, còn cái phanh là khả năng kiềm chế của con người. Cái phanh phải thắng động cơ mới là chiếc xe an toàn. Tức là khả năng kiềm chế phải mạnh hơn nhu cầu để khi cần thiết chế ngự lại.
"Vì trước kia tôi không có cái phanh trong lòng nên bị chìm vào ma túy. Nhưng khi tôi phát hiện được cái phanh đó thì đã dừng lại được", Hiếu bộc bạch.
Để luyện cho "cái phanh" của mình tốt, Hiếu tập làm những việc mình không thích, thay vì làm điều mình thích. Cậu bắt đầu từ việc ăn mướp đắng, sầu riêng, lao ra trời mưa làm việc... Cậu cũng học nhảy, ngoại ngữ và tham gia nhiều hoạt động tình nguyện.
Có hôm phải xách hồ từ tầng 3 lên tầng 5, Hiếu bủn rủn chân tay, ngồi phịch xuống nghỉ. Một học viên nhắc nhở vài lần mà vẫn thấy Hiếu ngồi đó, cuối cùng đấm cậu chảy máu mũi.
"Bị đánh, hỏa trong người tôi sôi lên. Xung quanh có rất nhiều gậy, gộc, cuốc, xẻng, rất dễ trả thù. Nếu là tôi của trước đây, chỉ cần bàn bên nói to, tôi đã đánh nhau nhập viện. Nhưng lúc này, tôi khựng lại nghĩ về ''cái phanh'' thầy dạy. Tôi đã giải thích với anh ấy mình đang trong thời kỳ cai nghiện nên rất mệt mỏi để mong anh hiểu", cậu chia sẻ.
Hiếu cũng được thầy nói về việc cởi mở tấm lòng với người khác. Như nước đọng lại sẽ bốc mùi, tấm lòng khi bị cô lập cũng sẽ mắc bệnh. Con người khi hiểu nhau rồi sẽ thương nhau. Hiếu đã không còn giận người nửa tiếng trước đánh cậu chảy máu mũi nữa.
"Đêm ấy, lần đầu tiên sau khoảng hơn nửa tháng vào đây tôi nhớ bố mẹ. Tôi hiểu được bố mẹ yêu tôi, thương tôi và cũng đau lòng vì tôi", Hiếu nói.
Nếu như giai đoạn mới vào, Hiếu từng có ý định bỏ trốn mỗi khi lên cơn thèm thuốc, nhưng dần dần Hiếu đã luyện cho mình khả năng kiềm chế mạnh mẽ. Chính "cái phanh" này đã giúp cậu chiến thắng các cơn nghiện. Ba tháng vào đây, Hiếu không còn cơn thèm thuốc nữa.
Giáo sư Nam Jin Hyang,Giám đốc IYF tại Việt Nam, một trong những người thầy đã đưa phương pháp Mind Education thay đổi cuộc đời Hiếu |
Tháng 8.2017, biết tin mẹ phải nằm viện ở Hà Nội, Hiếu vượt qua cảm giác ngại ngùng, tội lỗi để đến gặp bố mẹ. Cậu hỏi thăm "Mẹ đói không, ăn gì con mua, mẹ mỏi ở đâu con bóp cho"...
Từ người nghiện 40 kg, Hiếu tăng lên 53 kg. "Con béo lên, tinh thần phấn chấn. Con bảo muốn quay lại con đường học. Con muốn trở thành người tốt", chị Thu hạnh phúc nói.
Tết 2019, sau một năm đi Philippines dưới sự hỗ trợ riêng của giáo sư Nam Jin Hyang, Giám đốc IYF tại Việt Nam, Hiếu trở về nhà với một con người khác, tinh thần khác. "Chỉ trong một năm, giao tiếp tiếng Anh của Hiếu tốt hơn cả những sinh viên ngoại ngữ học bốn năm. Cậu ấy có ngữ điệu tiếng Anh rất hay", giáo sư Nam Jin Hyang, nói.
"Ngày sinh nhật con, con gọi cho tôi nói 'Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ vì đã sinh ra con. Nếu không có mẹ thì đã không có con ngày hôm nay'. Nước mắt tôi cứ ào ra. Không hiểu họ dạy dỗ thế nào, mà khiến con biết nói ra những lời như thế", mắt đỏ hoe, chị Thu khoe.
22 tuổi, Hiếu đi học lại lớp 12. Chàng trai từng đạt giải toán trên máy casio giờ phải nhờ bạn chỉ cho cách giải phương trình..., nhưng Hiếu không ngại. Cậu đã có mục tiêu rõ ràng. Cậu sẽ đi du học và thực hiện ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch để được khám phá thế giới.
Theo VnExpress