17 loại tinh dầu và 5 loại toner đã được chàng trai quê Thanh Hoá đưa ra thị trường sau 3 năm khởi nghiệp.
Trường trên cánh đồng thu hoạch cây mùi già. Ảnh: NVCC
23 tuổi, xin bảo lưu Đại học Kinh tế quốc dân khi đang học năm thứ 3, Dương Ngọc Trường giờ đây đã sở hữu một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại tinh dầu và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp từ chính những cây cỏ được trồng trên quê hương mình.
Từ nhỏ, Trường vốn là một cậu bé năng động và có suy nghĩ không đi theo lối mòn. Những năm học phổ thông, cậu đã biết làm fanpage trên Facebook để bán lại kiếm tiền. Đến khi lên Hà Nội học đại học, kết hợp với một số người quen ở quê, Trường đã bắt đầu mày mò lập nghiệp.
Ban đầu, cậu trồng rau sạch, kiên quyết không phun thuốc trừ sâu. Rau xấu mã, mang ra chợ không bán được, Trường lỗ mấy chục triệu. Đó là bài học đầu tiên trên con đường lập nghiệp của chàng trai 18 tuổi lúc ấy.
Không nản chí, cậu tiếp tục mày mò sản xuất miến dong không hoá chất với một người quen ở quê. Sau dự án này, Trường lại sản xuất rượu hạt cau với một người bạn nhưng đều không làm cùng nhau được lâu.
Khao khát làm nông nghiệp sạch của Trường không bị dập tắt bởi những dự án dở dang đầu đời ấy. Trường nói: “Nông nghiệp với tôi vừa là niềm đam mê, vừa là nỗi đau”.
“Tôi sinh ra ở miền Trung - nơi có những năm có đến 4-5 trận lụt. Tôi nhớ có những trận lụt nước ngập cả nóc, nhà chẳng còn gì. Cả làng, cả xã mất mùa”.
Ngày ấy, bố mẹ Trường trồng mía, trồng dưa, phải phun thuốc trừ sâu rất nhiều. Có lần bố cậu phải nhập viện vì thuốc. Ông dặn con trai: “Làm nông nghiệp rủi ro, vất vả lại độc hại. Tốt nhất, con nên ra Hà Nội làm công việc bàn giấy”.
Thế nhưng, lời can ngăn của bố lại thôi thúc Trường phải làm gì đó cho quê hương - một thứ gì đó mang lại giá trị nhưng lại phải hạn chế những rủi ro về thiên tai và phải tuyệt đối an toàn cho sức khoẻ người trồng cũng như người tiêu dùng.
Một ngày hè năm 2017, khi đi qua cánh đồng xã bên thấy người dân đang thu hoạch cây sả, chỉ lấy củ, vứt lá đi, Trường lập tức nảy ra ý tưởng chiết xuất tinh dầu sả. Cậu đi tìm mua máy chiết xuất, thử nghiệm để cho ra sản phẩm rồi rao bán trên mạng. Thấy thị trường có nhu cầu cao, cậu vay bạn bè 300 triệu đồng để đầu tư cho máy móc. Ban đầu, toàn bộ sản phẩm được làm tại nhà chỉ với 4 nhân công.
Lần này, Trường chỉ làm một mình nên phải dành nhiều thời gian ở quê. Cậu lập tức xin bảo lưu khi đang học năm thứ 3 ngành kinh tế tài nguyên môi trường.
Giai đoạn đầu, vô vàn khó khăn ập đến, từ vốn cho tới công nghệ, chất lượng sản phẩm. Có những mẻ không đạt chất lượng, cậu phải tiêu huỷ hàng chục lít tinh dầu. Nhưng Trường cũng nhanh chóng nghiên cứu, tìm các chuyên gia trong ngành, học hỏi các nhà sản xuất đang làm tinh dầu tốt nhất ở Việt Nam, các chuyên gia từng du học ở Pháp về ngành này. “Họ đã giúp đỡ tôi khá nhiều”, Trường nói.
Trường tại showroom thứ 2 sắp khai trương ở Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Điều đặc biệt ở sản phẩm tinh dầu của Trường là nguyên liệu hoàn toàn được trồng và sản xuất ở Việt Nam. Tới nay, cậu đã cho ra thị trường 17 loại tinh dầu, gồm có: sả, quế, tràm, vỏ bưởi, vỏ quýt… Gần đây, Trường nghiên cứu và làm thêm sản phẩm “toner” chăm sóc da mặt gồm có 5 vị. Hầu hết các loại cây cỏ được chiết xuất đều được trồng ở Thanh Hoá, một số Trường thu mua ở Bắc Kạn.
“Điều mà tôi tự tin nhất chính là sự an toàn của sản phẩm. Tôi muốn chứng minh rằng không phải cứ phun hoá chất mới kiếm được tiền từ làm nông nghiệp. Một phần nữa, tôi muốn thay đổi cái nhìn của thị trường nước ngoài về hàng Việt Nam. Chúng ta hay chê hàng Trung Quốc, nhưng ra nước ngoài, thậm chí hàng Việt Nam còn không được đánh giá cao bằng hàng Trung Quốc. Tôi muốn góp phần thay đổi điều đó”.
Hiện tại, các sản phẩm tinh dầu và toner của công ty được phân phối qua các kênh bán lẻ, bán sỉ cho các đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch, các bệnh viện, bán cho doanh nghiệp để điều chế mùi hương…
Thời điểm trước khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nền kinh tế, mỗi tháng doanh thu của Trường dao động từ 600 triệu tới 1 tỷ đồng. Nhưng sau giai đoạn Covid khiến thị trường nước ngoài đóng cửa, thị trường trong nước đình trệ, mỗi tháng doanh nghiệp của cậu chỉ thu về từ 200-300 triệu đồng. Từ số nhân công làm việc lên tới 50 người, bây giờ 2 nhà xưởng sản xuất chỉ còn 20-30 người làm việc.
Tuy vậy, doanh nghiệp của Trường vẫn đang có những bước tiến đáng kể khi chỉ vài ngày nữa thôi, công ty sẽ khai trương showroom thứ 2 ở Hà Nội. Đây là một bước đệm để sản phẩm của Trường sẵn sàng vươn ra thế giới. “Hiện tại, sản phẩm cũng đã được bán cho thị trường nước ngoài nhưng vì năng lực có hạn nên mới thông qua một công ty trung gian”.
Trường (bên trái) trò chuyện cùng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong một sự kiện về doanh nghiệp với chuyển đổi số. Ảnh: NVCC |
Trường kể, thời gian đầu khi làm đủ thứ về nông nghiệp, cậu đã từng phải thuyết phục bố mẹ rất nhiều. “Ngày ấy có mấy vụ tự tử, trong đó có cả người quen của gia đình. Nhân cơ hội đó, tôi đã nói với bố mẹ rằng ‘bố mẹ thấy không, khi người ta làm mà không có mục đích thì sống cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Bố mẹ nhìn xem, mấy em chẳng có mục tiêu, sinh ra đã được lập trình sẵn. Các em không muốn như thế nên mới giải thoát cho mình. Con làm những thứ con cảm thấy có giá trị thì con mới có động lực cố gắng’”.
Trường cũng chia sẻ, về việc học dở dang, cậu không mấy bận tâm, bởi vì dù đi học hay không cũng đều “phục vụ mục đích cuối cùng là làm cái gì đó có giá trị cho cộng đồng”. “Quan điểm của tôi là học để làm được gì, chứ không phải học để lấy cái bằng. Việc đi ra ngoài làm thực chất vẫn là mình đang đi học. Mặc dù không còn học trên ghế nhà trường nữa, nhưng tôi vẫn đang học các kỹ năng khác mỗi ngày, như: quản trị doanh nghiệp, marketing...".
Theo Vietnamnet