Nomad Shubham đã chu du khắp nơi từ khi còn là cậu bé tuổi teen và hiện thu hút hàng triệu người xem các clip về du lịch trên mạng.
Yadav với tấm bảng xin đi nhờ xe
Tên thật là Shubham Yadav, chàng trai người Ấn Độ này đã đi đến nhiều nước trên khắp thế giới chỉ với ngân sách eo hẹp. Hiện Yadav thu hút hơn 1,69 triệu người đăng ký trên YouTube và đã đi hơn 55.000 km vòng quanh thế giới chỉ bằng cách đi nhờ xe - một hình thức du lịch dựa vào những chuyến đi miễn phí từ các du khách khác.
Thông thường, hành trang Yadav mang theo gồm 1 ba lô, 4 bộ quần áo, thiết bị quay phim và 1 chiếc lều. Nam thanh niên đã đặt chân đến hơn 40 quốc gia trên thế giới trong vòng chưa đầy 4 năm.
“Tôi chọn tên Nomad Shubham vì tôi bắt đầu kênh YouTube của mình ở Mông Cổ vào năm 2019, ngay sau khi tôi gặp một bộ tộc du mục trên sa mạc,” Yadav nói. “Tôi đã sống như một kẻ du mục trong sa mạc, không có mạng và không biết ngôn ngữ địa phương. Đi được 3 ngày thì hết nước. May mắn thay, tôi đã tìm thấy bộ tộc này và nói chuyện với họ chỉ bằng những cử chỉ tay. "
Kênh YouTube của Yadav cũng giống chủ nhân: đơn giản, ngẫu hứng và tràn ngập những câu chuyện.
“Tôi đã dành nhiều ngày bên lề đường chỉ để chờ được đi nhờ xe” - anh nói. “Một lần ở Kazakhstan, tôi được một người đàn ông cho lên xe mà sau này tôi nhận ra là thị trưởng thành phố. Ông ấy thậm chí còn đưa tôi đến tòa nhà quốc hội địa phương. Những lần khác, tôi phải ngủ ở các trạm xăng ven đường, trạm cứu hỏa hoặc thậm chí là đồn cảnh sát. Tôi không bao giờ lập kế hoạch. Tôi chỉ "phượt" ngẫu hứng và nếu may mắn, ai đó thậm chí sẽ mời tôi đến nhà của họ. Tôi cũng đã được mời đến dự đám cưới. Có lần, tôi thậm chí còn được mời đến một đám tang.”
Đôi khi, Yadav cũng dựa vào Couchsurfing - một trang web kết nối với người dân địa phương cung cấp giường miễn phí cho khách du lịch - hoặc kết nối với tình nguyện viên tại các ký túc xá để đổi lấy chỗ ở. Ngân sách du lịch trung bình hàng ngày của nam thanh niên vẫn là 500 Rs (6 đô la), một số tiền anh có được nhờ dạy kèm các lớp học trực tuyến và kiếm tiền từ kênh YouTube của mình.
Từ bơi trong vùng biển Siberia băng giá dưới 0 độ, lang thang ở Campuchia cho đến cả ngày ngồi co ro trên một chiếc xe tải chở than ở Nga, những chuyến đi của Nomad Shubham là một hành trình đầy ắp những cuộc phiêu lưu say mê dường như không bao giờ kết thúc.
Quay trở lại năm 2017, Yadav, khi đó là một học sinh 16 tuổi đến từ một ngôi làng nhỏ ở bang Bihar, Ấn Độ, nằm trong số hàng nghìn sinh viên đăng ký các lớp luyện thi ở TP Kota, miền bắc Ấn Độ, để chuẩn bị vào học tại các trường cao đẳng danh tiếng nhất ở Ấn Độ. Là con trai của một giáo viên trong trường, Yadav có những hoài bão đơn giản: học chăm chỉ, làm việc chăm chỉ và sử dụng bất cứ số tiền nào có thể tiết kiệm được để bước ra thế giới.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi anh chàng tình cờ thấy một video trên YouTube có tiêu đề “Cách đi du lịch thế giới hầu như không tốn tiền” trong thời gian nghỉ học. Video đầy cảm hứng này do một vlogger du lịch tên là Tomislav Perko thực hiện, nhấn mạnh việc một người có thể du lịch bao xa chỉ đơn giản là đi nhờ xe. “Tôi chưa bao giờ đi du lịch bất cứ đâu cho đến thời điểm đó, nhưng tôi rất muốn. Tôi thậm chí còn không biết quá giang là gì hay nó có thể đưa tôi đi bao xa. Nhưng tôi đã muốn thử.”
“Không thể học tất cả các ngôn ngữ, vì vậy tôi thường dựa vào Google Dịch.” – Yadav cho biết. “Khi nói đến thức ăn, tôi thường bắt chước âm thanh của các loài động vật để hỏi xem chúng tôi đang ăn thịt gì,” anh nói thêm. “Tôi cũng đến những buổi hẹn hò mà tôi chỉ nói chuyện với phụ nữ bằng Google Dịch.”
Yadav cũng nói thêm rằng khái niệm đi nhờ xe vẫn còn tương đối xa lạ ở nhiều quốc gia, người dân địa phương thường cho rằng anh đang chào hàng họ thứ gì đó khi Yadav cầm một tấm biển xin đi nhờ xe. “Tôi nghĩ rằng mình đã đến ít nhất 10 đồn cảnh sát khác nhau vì bị nghi ngờ.”
Nhưng bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn, Yadav tin rằng mọi trải nghiệm đều là những bài học quý giá, trong khi một số người lạ có thể trở thành bạn bè. “Ở Trung Quốc, một cảnh sát đã cho tôi đi nhờ xe và thậm chí đưa tôi về nhà để gặp gia đình. Tôi nghĩ khi bạn đi du lịch như thế này, bạn sẽ nhận ra chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác nhau. Quá giang dạy bạn rằng không bao giờ là quá muộn để nhìn ra thế giới, bất kể bạn đến từ đâu hay bạn có bao nhiêu tiền.”
Theo Tiền phong