Dù thời gian đã làm lành vết thương nhưng những vết sẹo, bầm dập vẫn hiện hữu trên thân thể của nhiều vận động viên.
Vận động viên các môn thể thao đối kháng như wushu thường phải đối mặt với khả năng bị chấn thương cao khi tập luyện, thi đấu
Theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, các vận động viên đều hiểu rằng họ luôn phải đối mặt với nguy cơ chấn thương.
Đe dọa cả tính mạngChiều 23.3, Phạm Gia Phái (quê ở xã Lê Lợi, Gia Lộc) cùng các vận động viên (VĐV) đua thuyền canoeing của Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước tỉnh tập trung khởi động, tập luyện theo giáo án. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, khi xuống hồ Bạch Đằng (TP Hải Dương) chèo thuyền được khoảng 3 vòng thì Phái xin huấn luyện viên (HLV) cho ngừng tập bởi lý do sức khỏe. HLV đồng ý ngay sau đó nên Phái chèo thuyền quay về bờ. Khi cách bờ khoảng 40 mét thì bất ngờ thuyền bị mất thăng bằng nên lật khiến nạn nhân rơi xuống nước và thiệt mạng.
Những tai nạn đáng tiếc hay chấn thương luôn là những nguy cơ rình rập các VĐV cả khi tập luyện cũng như khi thi đấu. Mặc dù đã qua nhiều năm nhưng mỗi lần nhắc đến một tình huống tập luyện nguy hiểm đã từng xảy ra, VĐV Nguyễn Văn Huệ (bộ môn điền kinh 10 môn phối hợp) lại sởn gai ốc. Hôm ấy ở buổi tập môn nhảy sào, khi Huệ đang ở độ cao hơn 3 m, bất ngờ chiếc sào gãy làm đôi. Huệ bị rơi tự do. Rất may là anh không rơi vào nửa chiếc sào đang cắm thẳng dưới đất. Dù đã tiếp đất an toàn, chỉ bị sai khớp chân nhưng Huệ không khỏi kinh hoàng, mặt cắt không còn giọt máu. Huệ nhớ lại: "Việc bị gẫy sào trong khi tập là chuyện bình thường, nhưng đây là tình huống nguy hiểm nhất mà tôi gặp phải. Nếu hôm đấy rơi trúng chiếc sào, chắc tôi chả khác nào thịt xiên".
Không chỉ trong tập luyện, chấn thương như bóng ma ám ảnh VĐV cả lúc thi đấu. Những chấn thương gặp phải thời điểm này thường nặng hơn so với khi tập luyện. Đến nay, gần một năm sau khi gặp chấn thương đứt dây chằng chéo sau chân trái trong trận bán kết của giải vô địch quốc gia năm 2016, VĐV Đỗ Minh Cửu (môn wushu) vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Đây là chấn thương nặng nhất anh gặp phải từ ngày vào đội. Hiện anh vẫn trong thời gian tập phục hồi. Những đòn đá không còn dũng mãnh, dứt khoát như trước. Cửu kể: "Lúc ấy em dùng chân luồn vào phía trước đối thủ để ra đòn vật ngã. Nhưng không may đối thủ với hạng 85 kg đã ngã đè lên chân của em đang ở tư thế vắt chéo. Em thấy đau nhói nhưng vẫn cố thi đấu tiếp và vượt qua đối thủ để giành huy chương bạc". Năm 2011, khi đánh giải vô địch quốc gia, VĐV Trần Đình Nam (môn pencak silat) cũng từng gặp phải chấn thương rất nghiêm trọng. Chấn thương gẫy cổ chân trong trận này khiến anh phải nghỉ thi đấu 2 năm.
"Việc bị gẫy sào trong khi tập là chuyện bình thường, nhưng đây là tình huống nguy hiểm nhất mà tôi gặp phải. Nếu hôm đấy rơi trúng chiếc sào, chắc tôi chả khác nào thịt xiên." |
|
10 năm làm VĐV an toàn nhưng khi chuyển sang làm công tác huấn luyện, HLV môn wushu Nguyễn Đức Huấn lại gặp phải chấn thương khá nặng. Cuối năm 2016, trong buổi tập cùng VĐV, anh Huấn đã bị đứt dây chằng chéo trước chân trái. Thật trùng hợp, khi cả hai thầy trò Nguyễn Đức Huấn và VĐV Đỗ Minh Cửu cùng phải nằm điều trị ở bệnh viện trong một thời gian dài.
Không vì thành tích trước mắtGiới thể thao ví chấn thương VĐV gặp phải như một "nấm mồ". "Nấm mồ" vừa có cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu gặp chấn thương nặng sẽ chôn vùi thành tích, tương lai của VĐV, còn nặng có thể dẫn đến tử vong. Nhiều VĐV đang ở đỉnh cao phong độ nhưng đành ngậm ngùi rời bỏ sự nghiệp chỉ vì dính chấn thương. Dễ gặp chấn thương nhất là những môn thể thao có cường độ, khối lượng vận động mạnh hoặc thi đấu đối kháng như cử tạ, điền kinh, đấu kiếm, các môn võ, đua thuyền...
Trước những mối nguy hiểm thường trực đối với VĐV, thời gian qua các Trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao chuyên nghiệp của tỉnh đều chú trọng đến việc phòng ngừa và chữa trị chấn thương cho VĐV. Hiện nay các môn đối kháng, đặc thù, VĐV đều có trang thiết bị bảo hiểm trong quá trình tập luyện, thi đấu. Các HLV đều được trang bị kiến thức về y học thể thao. Do vậy, các HLV cũng chú ý xây dựng giáo án, chương trình tập luyện phù hợp với từng giai đoạn, chu kỳ huấn luyện và trạng thái tâm lý, sức khỏe của VĐV. HLV trưởng đội tuyển pencak silat Vũ Thế Hoàng cho biết: "Vào mỗi buổi tập chuyên môn, ban huấn luyện yêu cầu VĐV thực hiện nghiêm phần khởi động (gồm khởi động tĩnh và động) khoảng 30 phút. Đây là việc làm cực kỳ quan trọng, vừa giúp VĐV hạn chế chấn thương, vừa thực hiện bài tập chuyên môn tốt hơn. Đồng thời, HLV liên tục nhắc nhở VĐV thực hiện các đòn đánh đúng kỹ thuật".
Với mục tiêu hạn chế thấp nhất rủi ro khi thi đấu, ngoài các bài tập kỹ thuật, HLV còn trang bị cho VĐV những cách khống chế, tránh đòn của đối thủ. "Khi đối thủ đá lên mặt, VĐV phải dùng 1 tay be và 1 tay đỡ chân để giảm lực. Nếu dùng cả 2 tay be sẽ bị tay mình đập vào mặt và không an toàn. Còn khi đối thủ dùng đòn khóa và kẹp cổ, VĐV cần tìm cách luồn, chạy chân... Đó là những cách tự bảo vệ mình mà chúng tôi thường phổ biến cho VĐV", HLV Huấn chia sẻ.
Các VĐV được kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Qua đó, giúp ban huấn luyện biết được sự phát triển thể lực, hệ hô hấp, tuần hoàn, xương khớp của từng VĐV để có phương án huấn luyện phù hợp. Trong mỗi buổi tập, thấy VĐV nào sức khỏe, tinh thần kém, HLV sẽ cho nghỉ hoặc chỉ thực hiện những bài tập phù hợp. "Chúng tôi không thể vì thành tích trước mắt mà bỏ qua sự an toàn của VĐV, ép VĐV tập luyện, thi đấu quá sức", HLV Vũ Thế Hoàng cho biết thêm.
Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh khẳng định: "Mỗi khi VĐV gặp chấn thương đều được điều trị kịp thời, bảo đảm mức hồi phục tốt nhất có thể. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất và lo toàn bộ chi phí điều trị. Các VĐV bị nặng được đưa lên bệnh viện trung ương, có người còn ra nước ngoài chữa trị. VĐV không còn khả năng thi đấu sẽ được tạo điều kiện cho đi học để bảo đảm cuộc sống lâu dài".
DANH TRUNG