Chăn nuôi lại gặp khó

05/04/2013 07:30

Từ năm 2012 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi đó giá bán sản phẩm giảm mạnh nên người chăn nuôi trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.


Giá lợn siêu nạc hiện nay chỉ từ 37-40 nghìn đồng/kg, các loại lợn khác từ 32-35 nghìn đồng/kg

Không ít gia đình lấy chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính đã phải bỏ trống chuồng, vì càng nuôi, càng lỗ.

Mặc dù đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Xoan ở thôn Trung, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) vẫn đang phải nuôi cá trong ao. Gia đình chị có 5 sào ao, nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi. Hiện nay, cá trắm đạt trọng lượng trung bình 3 kg/con, cá trôi cũng trên 1 kg/con, nhưng chị chưa yên tâm tát ao. Chị cho biết: "Cách đây nửa tháng, hàng xóm nhà tôi gạn ao, lúc đầu giá thỏa thuận với người mua là 60 nghìn đồng/kg cá trắm, nhưng khi bắt lên người mua chỉ trả 55 nghìn đồng. Mặc dù giảm 5 giá nhưng vẫn buộc phải bán vì ao đã gạn hết nước, nếu thả lại cá sẽ chết. Hiện nay, cá đang mùa sinh sản, hầu hết đều đang mang trứng, nếu bán thì giá rất rẻ. Vì vậy, tôi đang chờ mưa rào xuống, cá sẽ đẻ hết trứng, sau đó phải "vỗ béo" một thời gian rồi mới gạn ao để bán. Nếu bán cá trắm với giá 60-65 nghìn đồng/kg, cá trôi 30- 35 nghìn đồng/kg, nhiều khả năng tôi mới hòa vốn, đó là chưa kể công chăm sóc, cắt cỏ".

Cùng khu chăn nuôi của nhà chị Xoan, có nhiều gia đình cùng đầu tư chăn nuôi với quy mô hàng nghìn con gà, 5-7 sào cá cũng đang rất lo lắng về đầu ra. Anh Nguyễn Văn Tiệp, cùng xóm với chị Xoan cho biết: "Theo quy luật của những năm trước, ra ngoài Tết, giá các loại gia súc, gia cầm vẫn giữ ở mức ổn định. Nhưng năm nay, thị trường diễn biến khác hẳn. Ra Tết chưa được bao lâu, giá bán gà, vịt, lợn đã xuống thấp. Trước Tết, giá gà công nghiệp có lúc lên đến 45-46 nghìn đồng/kg, chúng tôi được lãi khoảng 40 nghìn đồng/con. Số lãi này đủ để bù vào những thiệt hại trong năm 2012. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng thêm trung bình 8.000 đồng/bao, tùy từng loại, còn giá bán gia cầm lại giảm hơn 10 nghìn đồng/kg. Cuối tháng 3, tôi bán 3.000 con gà công nghiệp với giá chỉ có 32 nghìn đồng/kg nên không có lãi. Hiện tại, tôi vẫn còn trên 5.000 con gà trắng cũng sắp đến kỳ xuất chuồng nhưng thời tiết đang dần chuyển sang mùa hè nắng nóng, chắc chắn giá bán sẽ không cao, thậm chí còn thấp hơn hiện nay".

Giá lợn cũng đang xuống thấp khiến người chăn nuôi nản lòng. Từ trước Tết, gia đình ông Chu Trọng Thứ ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đầu tư nuôi 100 con lợn thịt, dự kiến đến đầu tháng 4 sẽ được bán. Ông Thứ nhận định, nhiều người chỉ đầu tư nuôi để bán đúng dịp Tết nên gia đình ông cố nuôi thêm một ít để bán ngoài Tết, mong được thêm chút lãi, nhưng mọi sự không như ông tính toán. Ông Thứ cho biết: "Đầu tháng 3, có người đã trả tôi 45 nghìn đồng/kg, nhưng tôi không bán, cố chờ tăng thêm 1-2 giá, nhưng càng chờ thì giá càng giảm". Hiện giá lợn siêu nạc chỉ khoảng 40 nghìn đồng/kg, những loại khác giá còn thấp hơn, giảm so với trước Tết từ 12-15 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá cám cho lợn lại tăng trung bình 20 nghìn đồng/bao, giá thuốc thú y cũng tăng. Để có thể nuôi được 1 con lợn đạt trọng lượng 100 kg thì phải tốn gần 4 triệu đồng tiền thức ăn, vắc-xin phòng, chống dịch bệnh. Nếu tính chi tiết cả tiền thuê nhân công, hao phí chuồng trại, điện nước... thì với giá bán hiện tại, ông Thứ sẽ lỗ khoảng 300-350 nghìn đồng/con.

Theo ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi tỉnh ta hiện nay là giá sản phẩm xuống thấp. Qua khảo sát, giá lợn siêu nạc dao động từ 37-40 nghìn đồng/kg, các loại lợn khác từ 32-35 nghìn đồng/kg, gà Chí Linh 42-45 nghìn đồng/kg, gà công nghiệp 32 nghìn đồng/kg và gà ri từ 75-80 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân giá bán xuống thấp là do nhu cầu sử dụng thịt của người dân không còn nhiều như trước đây. Khẩu phần ăn của nhiều gia đình đã giảm thịt, tăng rau và các loại thủy, hải sản. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi phải trải qua nhiều đại lý, khi đến tay người sử dụng thì giá bị đẩy lên cao, dẫn đến chi phí cho chăn nuôi lớn. Người chăn nuôi thường không đáp ứng đủ yêu cầu của ngân hàng, nên không được vay, dẫn đến thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Ít người chăn nuôi đầu tư theo chiều sâu, biết phân tích, nhận định đúng về thị trường. Người chăn nuôi vẫn còn tâm lý khi giá thành cao thì ồ ạt tái đàn, dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Chăn nuôi phân tán vẫn chiếm đa số nên chưa chú trọng đến khâu bảo đảm vệ sinh, an toàn dịch bệnh, dẫn đến nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh cao.

Tỉnh ta đang tiếp tục thực hiện Đề án "Phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015", trong đó thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay với những người đáp ứng đủ yêu cầu.  Đến nay, đã có gần 600 hộ đăng ký vay tổng số vốn trên 45 tỷ đồng, đã giải ngân được trên 15 tỷ đồng. Tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ 100% tiền vắc-xin tiêm phòng, cung cấp 1 phần thuốc tiêu độc khử trùng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh. Các ngành, các cấp tích cực nghiên cứu, lai tạo nhiều giống mới cho năng suất, giá bán cao như lợn siêu nạc, gà mía lai, đông cảo... để cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi tập trung sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường để nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường.   

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăn nuôi lại gặp khó