Chặn ngay nạn phá hoại cây xanh ven đường

08/01/2017 06:07

25% số cây xanh đã trồng bị phá hoại, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến mục tiêu phủ xanh hành lang toàn bộ các tuyến đường tỉnh...



Nhiều cây xanh trên hành lang đường tỉnh 393 đoạn qua xã Phạm Kha (Thanh Miện) bị phạt ngọn


Thời gian qua, hàng loạt cây xanh trồng trên hành lang giao thông (HLGT) đã bị một số đối tượng xấu phá hoại. Để ngăn chặn hành vi này cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.


25% số cây xanh bị phá

Người đi trên tỉnh lộ 393 đoạn qua các xã Lê Lợi, Phạm Trấn (Gia Lộc), Phạm Kha, Hồng Quang, Đoàn Tùng (Thanh Miện) có thể dễ dàng nhận thấy hàng cây bạch đàn xơ xác, tan hoang do bị những đối tượng xấu đốt gốc, bẻ cành, chặt ngọn. Cây thấp, cây cao xen kẽ lẫn lộn do phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Có đoạn đường không một cây nào sống sót như đoạn dẫn lên cầu Đáy phía xã Lê Lợi hay đoạn qua xã Phạm Trấn, Hồng Quang. Tại đoạn qua xã Phạm Kha, nhiều cây bạch đàn cao 3 - 4 m, thân to bằng bắp tay bị phạt ngọn, chết khô.

Cây xanh cũng bị phá hoại không thương tiếc trên nhiều tuyến đường khác như tỉnh lộ 391, 392 đoạn qua huyện Tứ Kỳ. Ông Phạm Đăng Oanh, Hạt trưởng Hạt 3 (Công ty CP Cầu đường bộ Hải Dương) cho biết, thời gian gần đây, nhiều cây xanh trên đường 391 bị đốt gốc, điển hình như đoạn qua xã Quang Phục, thị trấn Tứ Kỳ. Tình trạng này tái diễn nhiều lần nhưng chưa được xử lý triệt để. Nguyên nhân do người dân xả rác tràn lan, tập kết rơm rạ ngay dưới gốc cây rồi lợi dụng đêm tối để đốt nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Tại tỉnh lộ 392 đoạn qua các xã Minh Đức (Tứ Kỳ), Nghĩa An (Ninh Giang), tình trạng phá hoại cây xanh cũng diễn ra phổ biến. Do không thể khắc phục được nên đơn vị quản lý đã ngừng trồng mới trên đoạn đường này.

Việc trồng cây xanh trên HLGT được Sở Giao thông vận tải triển khai từ năm 2014. Đến nay, HLGT của 13 tuyến đường tỉnh đã được phủ xanh. Theo kết quả kiểm đếm cuối năm 2016, có 88.718 cây xanh trồng trong các năm từ 2014 đến 2016 còn sống và phát triển. 24.716 cây bị mất, phá hoại, trong đó có 23.189 cây bạch đàn, 1.147 cây keo và 380 cây phi lao. Như vậy, lượng cây bị mất, phá hoại chiếm hơn 1/4 tổng số cây đã trồng, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến mục tiêu phủ xanh HLGT toàn bộ các tuyến đường tỉnh. Tình trạng phá hoại cây xanh diễn ra ở hầu hết các tuyến đường trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất trên các tuyến 388, 389, 389B, 391, 392, 393.

Cần xử lý nghiêm

Theo đánh giá của Công ty CP Cầu đường bộ Hải Dương, cây xanh thường bị nhổ bỏ hoặc chặt ngọn. Trong quá trình thu hoạch lúa, hoa màu, người dân tập kết rơm rạ bên lề đường và đốt ngay dưới gốc cây. Ngoài ra, nhiều tuyến đường biến thành nơi tập kết rác thải trên nền đường và phần đất của đường bộ gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh. Một số đường còn trở thành nơi chăn thả gia súc nên cây xanh cũng bị phá hoại nghiêm trọng.

Đầu năm 2016, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải  chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương quan tâm bảo vệ, chăm sóc cây xanh. Tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về lợi ích của việc trồng cây hai bên HLGT, tự giác chăm sóc, bảo vệ cây. Chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đường bộ truy tìm, xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại cây xanh. Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cầu đường bộ Hải Dương cho biết, trồng cây xanh trên HLGT giúp ngăn chặn hành vi lấn chiếm hành lang, tạo cảnh quan môi trường, bảo đảm an toàn giao thông. Cây xanh cũng làm chậm quá trình xuống cấp mặt đường, góp phần bảo vệ công trình giao thông. Vì vậy, tình trạng phá hoại cây xanh cần phải được ngăn chặn kịp thời. Trong đó, chính quyền địa phương phải thể hiện vai trò nòng cốt, chủ lực. Ngoài tuyên truyền, vận động, UBND các xã, phường, thị trấn cần tích cực phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ truy tìm, xử lý nghiêm những đối tượng phá hoại cây xanh.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn ngay nạn phá hoại cây xanh ven đường