Với việc Hội nghị TW Đảng lần 7 bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Kim Ngân (59 tuổi) và ông Nguyễn Thiện Nhân (60 tuổi), Bộ Chính trị khóa XI hiện có 16 ủy viên.
Sau 10 ngày làm việc, cùng với việc thảo luận nhiều nội dung quan trọng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương cũng vừa được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, thạc sĩ kinh tế, vừa được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI. Ảnh Hoàng Hà |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (59 tuổi, quê Bến Tre), thạc sĩ kinh tế, cử nhân chính trị, ủy viên Trung ương Đảng khóa 9, 10 và 11, Bí thư Trung ương Đảng khóa 11, đại biểu Quốc hội khóa 12.
Bà từng là Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại. Năm 2007, bà Ngân được bầu làm Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội. Một trong những dấu ấn đáng kể mà bà Ngân để lại là cuộc giải cứu lao động Việt Nam tại Lybia năm 2011.
"Trong cuộc giải cứu này không có chuyện mặc cả tiền bạc, điều kiện với các nước trong khu vực mà mục đích là nhanh chóng đưa người lao động về nước an toàn" - lời tuyên bố khi bắt đầu chiến dịch giải cứu lao động khỏi Lybi của nữ Bộ trưởng không chỉ trấn an hàng nghìn gia đình thân nhân lao động mà nó còn đem lại kết quả: toàn bộ hơn 10.000 lao động Việt Nam về nước an toàn trong một tháng sau đó.
Đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch Quốc hội từ giữa năm 2011, bà được đánh giá cao ở sự thông minh, sắc sảo, quyết đoán trong các phiên điều hành Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là phiên thảo luận kinh tế - xã hội cuối năm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Giáo sư kinh tế, vừa được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI. Ảnh: Hoàng Hà
Ông Nguyễn Thiện Nhân (60 tuổi, quê Trà Vinh), giáo sư kinh tế, tiến sỹ điều khiển học, thạc sĩ quản lý cộng đồng; cao cấp lý luận chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, đại biểu Quốc hội khóa 10, 12, 13.
Ông là Phó chủ tịch UBND TP HCM trước khi trở thành Bộ trưởng GD&ĐT năm 2006. Tháng 8/2007, ông được bổ nhiệm Phó thủ tướng (kiêm Bộ trưởng Giáo dục cho tới năm 2010) và tiếp tục được phê chuẩn giữ chức vụ này tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 năm 2011.
Nói đến ông Nguyễn Thiện Nhân, nhiều người nói đến dấu ấn "Hai không" khi ông làm Bộ trưởng Giáo dục. Sau vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực thi tốt nghiệp THPT năm 2006 ở tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), đầu năm học 2006 - 2007 ông đưa ra cuộc vận động: "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích".
Ngoài ra ông Nhân còn đưa ra cuộc vận động "Năm không": "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp, và đào tạo không theo nhu cầu xã hội"; trình Chính phủ về việc tăng học phí, tăng tính tự chủ cho các trường đại học. Ông cho hay, sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương.
Trên cương vị là Phó thủ tướng, ông Nhân thể hiện là người có khả năng diễn thuyết, hay khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ông cũng thể hiện phong thái tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh khi tiếp xúc với các đối tác, quan chức nước ngoài.
Nguyễn Hưng (VnE)