Mùa nắng nóng trẻ dễ bị ho, cảm, cha mẹ cần có phương pháp chăm sóc ban đầu đúng để giúp trẻ mau khỏi và tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu trẻ sốt cao nhiều ngày, kèm khó thở nên cho trẻ đến bệnh viện.
Tại sao trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp mùa nắng nóng?
Thời tiết nóng bức, trẻ biếng ăn, biếng bú hơn, sức đề kháng giảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như: cảm lạnh, viêm mũi họng... với triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, ho khan, ho có đờm.
Đổ mồ hôi trộm
Theo các chuyên gia Nhi khoa, trẻ dưới 5 tuổi thân nhiệt cao do hoạt động nhiều, hệ thần kinh giao cảm mạnh, nhịp tim và nhịp thở nhanh. Đặc biệt, trẻ sơ sinh hay đổ mồ hôi trộm bởi hệ thần kinh thực vật điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện. Vào buổi tối, vừa đi vào giấc ngủ, cơ thể bé thoát nhiệt bằng cơ chế đổ mồ hôi trộm ở vùng đầu, sau gáy, vùng lưng dễ thấm ngược trở lại gây nhiễm lạnh. Vì vậy, mẹ nhớ bật điều hòa không khí để làm mát phòng và lau, thấm mồ hôi cho bé ngủ ngon hơn.
Sử dụng điều hòa không đúng cách
Mùa hè, nhiều mẹ không cho con nằm điều hòa sợ bị ốm, càng khiến trẻ nóng bức đổ mồ hôi trộm. Thực ra, trẻ bị cảm ho, nghẹt mũi do cha mẹ sử dụng điều hòa không đúng cách. Bởi khi bật điều hòa độ ẩm không khí trong phòng thấp, khiến niêm mạc mũi họng của chúng bị khô, dễ dàng cho virus, vi khuẩn tấn công. Vì vậy, mẹ cần duy trì độ ẩm không khí trong phòng và vệ sinh máy điều hòa thường xuyên. Cách này giúp mũi của bé được làm ẩm, không bị nghẹt mũi sau khi ngủ dậy. Theo các chuyên gia, tùy theo một số điều hòa có công suất khác nhau, nhưng nên để điều hòa ở nhiệt độ 27-28 độ và kèm theo 1 chiếc quạt tản gió nhẹ. Bên cạnh đó, mẹ nên để chậu nước hay thiết bị tạo độ ẩm để tránh khô niêm mạc mũi của trẻ.
Mùa hè trẻ cũng dễ bị cảm, ho, nhiễm lạnh không kém mùa đông
Không rửa tay cho bé thường xuyên
Trong thời điểm dịch bệnh nhạy cảm, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nghỉ học ở nhà, đều có nguy cơ lây nhiễm từ người thân đi ra ngoài về. Hơn nữa, trẻ nhỏ vốn hiếu động, thích chạm, cầm nắm đồ vật trong nhà đều có thể tồn tại virus gây bệnh và trở thành trung gian truyền bệnh. Khi bàn tay trẻ chứa siêu vi hoặc mầm bệnh sẽ xâm nhập vào đường hô hấp thông qua 3 cửa ngõ: mắt, mũi, miệng. Cha mẹ nhớ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
3 bước chăm sóc trẻ cảm, ho nhanh khỏi tại nhà
Trẻ bị cảm lạnh sẽ xuất hiện dấu hiệu ban đầu như: hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho có đờm. Trẻ càng nhỏ thì diễn biến bệnh càng nhanh chuyển sang viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa… Trong khi, các triệu chứng trên sẽ nhanh khỏi nếu cha mẹ có phương pháp phòng và chăm sóc trẻ sóc trẻ tại nhà, không cần đến bệnh viện.
Vệ sinh mũi cho bé đúng cách
Các chuyên gia y tế thường khuyên cha mẹ không nên tự ý rửa mũi cho con vì dễ khiến bé viêm tai giữa, thậm chí bị sặc rất nguy hiểm. Thay vào đó, mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý vào mũi bé rồi dùng dụng cụ hút hoặc bắc sâu kén để vệ sinh sạch gỉ mũi. Khi mũi của bé thông thoáng, dịch mũi không chảy xuống họng gây ho, thì bệnh sẽ nhanh khỏi hơn.
Thoa dầu tràm khuynh diệp
Trẻ bị cảm, ho, đờm dai dẳng thì sử dụng dầu tràm- khuynh diệp là giải pháp giúp làm ấm cơ thể. Mẹ có thể thoa dầu tràm khuynh diệp vào các vị trí lòng bàn chân bé, day nhẹ huyệt dũng tuyền. Hoặc mẹ thoa vào vùng ngực, lưng trẻ vị trí gần phổi và lá gan giúp gia tăng lưu lượng máu ngoại vi, giữ ấm cơ thể.
Trị hắt hơi, sổ mũi ngay khi chớm bệnh
Khi virus gây bệnh tấn công, cơ thể trẻ ngay lập tức phản ứng lại với triệu chứng như: hắt hơi, chảy nước mũi trong, húng hắng ho. Nhiều mẹ áp dụng các bài thuốc dân gian chữa cảm ho với thành phần: quất (tắc) chưng đường phèn, húng chanh (tần dày lá) hấp cách thủy…
Theo Dân trí